Mới đây, Ban tổ chức Huyện ủy Thái Thụy (Thái Bình) đã bất ngờ đưa ra thông báo về việc không bổ nhiệm chức Hiệu trưởng, Hiệu phó cho các cán bộ quản lý chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn, điều này đã gây bức xúc lớn cho đông đảo dư luận cũng như những người làm sự nghiệp giáo dục. Vì sao lại như vậy?
Thông báo về việc không bổ nhiệm các Hiệu trưởng, Hiệu phó của tổ chức Huyện ủy Thái Thụy, Thái Bình đã gây nên nhiều bức xúc.
Năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư 28/2014/TT-BGDĐT quy định về việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục. Cụ thể đó là việc tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, xếp loại, cấp cho các cán bộ quản lý (tức là Hiệu trưởng, Hiệu phó) của các trường mầm non và trường phổ thông.
Theo Thông tư, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định giao nhiệm vụ bồi dưỡng cho các cơ sở giáo dục và sẽ được thực hiện theo quy trình tiến hành kiểm tra rồi sắp xếp, tổ chức bồi dưỡng cho các cán bộ còn chưa đủ điều kiện.
Tuy nhiên, khi đó tổ chức Huyện ủy Thái Thụy vẫn chưa hề triển khai hay phổ biến với các cán bộ quản lý địa phương.
Năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư về việc bồi dưỡng cán bộ quản lý nhưng Huyện ủy Thái Thụy lại chưa hề phổ biến điều này với các giáo viên.
Vào năm 2018, huyện Thái Thụy đã tiến hành sáp nhập trường Trung học cơ sở với Tiểu học cơ sở và bổ nhiệm lại Hiệu trưởng, Hiệu phó.
Khi ấy, mọi quy trình vẫn được diễn ra 1 cách bình thường, các chứng chỉ của các cán bộ quản lý vẫn được chấp nhận.
Tuy nhiên, sang năm 2019, tổ chức Huyện ủy lại bất ngờ kiểm tra, rà soát lại và đưa ra thông báo những cán bộ chưa đạt đủ yêu cầu về chứng chỉ (trên 3 lĩnh vực: Ngoại ngữ, chuyên môn, chính trị) sẽ không được tiếp tục bổ nhiệm.
Thông tin này được đưa ra một cách bất ngờ, và chẳng hề có bất cứ thông báo nào trước đó để các giáo viên có cơ hội học tập, bổ sung những chứng chỉ, bằng cấp còn thiếu sót.
Chưa hết, tổ chức Huyện ủy Thái Thụy còn có 1 quy định hết sức “oái oăm” là những cán bộ quản lý đã bắt đầu theo học những lớp bồi dưỡng sau ngày 28/12/2017 cũng sẽ không được tiếp tục bổ nhiệm (?).
Những cán bộ quản lý này đều là những Hiệu trưởng, Hiệu phó đã công tác nhiều năm, có những người có đến 20 - 30 tuổi nghề, đã nhiều lần thuyên chuyển công tác qua các trường trong huyện. Họ đều là những nhà giáo mẫu mực, luôn tận tâm với nghề và đã đạt được rất nhiều giải thưởng Chiến sỹ thi đua danh giá.
Việc Ban tổ chức của Huyện Ủy Thái Thụy đã không thông báo cho các cán bộ quản lý để kịp thời hoàn thiện các chứng chỉ còn thiếu đã dẫn đến tình trạng hàng loạt các cán bộ quản lý (Hiệu trưởng, Hiệu phó) có nguy cơ bị bãi nhiệm.
Đây không chỉ là cú sốc lớn đối với sự nghiệp mà còn ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của họ và gia đình. Không chỉ thế, còn có những người đã tham gia những khóa học bồi dưỡng trước đó để bổ sung thêm kiến thức phục vụ cho sự nghiệp giáo dục cầm bằng cấp trên tay mà còn không hiểu nổi vì sao chứng chỉ của mình lại bị đánh giá không hợp lệ.
Những nhà giáo ưu tú đã cống hiến hết mình trong suốt mấy chục năm tuổi nghề bỗng gặp phải cú sốc lớn trong sự nghiệp (Ảnh minh họa).
Câu hỏi đặt ra ở đây rằng ai là người có lỗi trong việc này?
Phải chăng đây là lỗi của giáo viên do không tự cập nhật thông tin đầy đủ hay là do tổ chức Huyện ủy Thái Thụy không kịp thời thông báo và tổ chức bồi dưỡng đúng lúc?
Những nhà giáo bị bãi nhiệm sẽ phải làm gì khi gặp phải cú sốc lớn như vậy trong sự nghiệp trồng người? Những người xung quanh không rõ tình hình thực tế sẽ đánh giá thế nào về chuyên môn, phẩm chất, tư cách đạo đức khi thấy họ bất ngờ bị bãi nhiệm?
Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về những thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần cho những Hiệu trưởng, Hiệu phó của quê lúa Thái Bình? Và liệu những điều bất cập như vừa nêu trên liệu sẽ còn tiếp tục đến bao giờ?