Hàng loạt bị hại "dính bẫy" huy động vốn đa cấp của Công ty TNHH Đầu tư Khoáng sản Hoàng Long

GD&TĐ - Cơ quan chức năng xác định từ ngày 1/6/2016 đến 11/2016, Công ty TNHH Đầu tư Khoáng sản Hoàng Long đã nhận góp vốn vào các dự án không phải của công ty này của 161 bị hại với tổng số tiền 102 tỷ đồng.

Ngày 22/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đơn vị này đang thụ lý, điều tra vụ án Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản xảy ra năm 2016 tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố.

Vụ án này có liên quan đến Công ty TNHH Đầu tư Khoáng sản Hoàng Long. Theo cơ quan chức năng, doanh nghiệp trên có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mã số: 0313837597, do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 1/6/2016; Giám đốc và người đại diện theo pháp luật là Vũ Vi Minh Trí (từ ngày 01/6/2016 đến 30/8/2016) và Lê Đình Nhân (từ ngày 1/9/2016 đến tháng 11/2016).

Trụ sở chính của doanh nghiệp này tại số 68 Nguyễn Huệ (phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) và trụ sở tại số 56 Yên Thế (phường 2, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh).

Cơ quan CSĐT Bộ Công an thông báo để các cá nhân, tổ chức là bị hại (nhà đầu tư) trong vụ án biết, liên hệ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo tìm hiểu của PV báo Giáo dục và Thời đại, trước đó, vào ngày 30/3, TAND TP. Hồ Chí Minh đã mở phiên xử sơ thẩm vụ án nêu trên. Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Thế Kiên (39 tuổi, ngụ Bắc Giang); Nguyễn Hữu Trí (38 tuổi, ngụ Nam Định); Hà Thanh Hòa (40 tuổi, ngụ Phú Thọ); Nguyễn Thị An (34 tuổi, ngụ Phú Thọ); Lê Đình Nhân (61 tuổi, ngụ Quảng Bình) và Vũ Vi Minh Trí (44 tuổi, ngụ Cần Thơ) cùng về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Trong số các bị cáo trên, Nguyễn Thế Kiên được xác định là đối tượng có vai trò chủ mưu trong vụ án. Theo nội dung cáo trạng truy tố, Nguyễn Thế Kiên có học vấn hết lớp 9 và ở nhà làm ruộng phụ gia đình. Sau khi lập gia đình và có một người con gái, Kiên theo bạn bè lên thành phố làm ăn và bước chân vào kinh doanh đa cấp.

Thời gian hoạt động ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc và nắm trong tay nhiều chiêu trò hoạt động kinh doanh đa cấp nên Nguyễn Thế Kiên đã quyết định “Nam tiến” để gây dựng nghiệp.

Tháng 5/2016, Nguyễn Thế Kiên cùng Nguyễn Hữu Trí, Hà Thanh Hòa và Nguyễn Thị An đã bàn bạc và thống nhất lập Công ty TNHH Đầu tư Khoáng sản Hoàng Long (sau đây gọi là Công ty Hoàng Long) với các phân công, phân nhiệm rõ ràng.

Trong đó, Kiên sẽ điều hành chỉ đạo chung, thuyết trình tại các hội thảo kêu gọi đầu tư. Hoà dựng phần mềm IT, phát triển thị trường. Trí chuẩn bị mẫu hợp đồng ký với nhà đầu tư, thiết kế catalog giới thiệu công ty tuyển dụng nhân sự, tìm người đứng tên đại diện theo pháp luật, giấy phép kinh doanh điều hành quản lý nhân sự còn An phụ trách kế toán thu chi của công ty.

Công ty Hoàng Long thuê và đặt trụ sở ở đường Nguyễn Huệ (phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) với thông tin về số vốn điều lệ là 50 tỷ đồng và do Vũ Vi Minh Trí làm Giám đốc đại diện theo pháp luật. Ngành nghề kinh doanh của Công ty Hoàng Long được công bố là buôn bán kim loại và quặng kim loại, vật liệu, thiết bị xây dựng; buôn bán chuyên doanh khác.

Thực tế, những thông tin trên chỉ là “vỏ bọc” để Kiên và các đồng phạm “đặt bẫy” các bị hại sau này. Theo đó, Công ty Hoàng Long sau khi thành lập không thực hiện hoạt động kinh doanh theo ngành nghề đã đăng ký mà dùng thủ đoạn huy động vốn theo mô hình đa cấp nhị phân, lấy tiền của bị hại gửi sau trả cho người gửi tiền trước.

Các bị cáo là lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư Khoáng sản Hoàng Long tại phiên xét xử trước đó. Ảnh: Song Mai.
Các bị cáo là lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư Khoáng sản Hoàng Long tại phiên xét xử trước đó. Ảnh: Song Mai.

Theo cáo trạng, mặc dù không liên quan, cũng không tham gia hợp tác đầu tư, xây dựng các dự án văn phòng và căn hộ cho thuê của Công ty Cổ phần phát triển thương mại và dịch vụ Hà Thành; dự án của Công ty TNHH ToGi Việt Nam; dự án hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực khai thác khoáng sản (quặng sắt) của Công ty An Vượng nhưng Kiên và đồng phạm đã dùng thủ đoạn tổ chức hội thảo và đưa thông tin lên website với nội dung Công ty Hoàng Long đang hợp tác đầu tư, xây dựng các dự án trên và hứa hẹn nếu góp vốn vào công ty sẽ được trả gốc và lãi cao.

Thông tin trên như một “miếng mồi thơm” được Kiên và đồng phạm tại Công ty Hoàng Long quăng ra và dụ được nhiều bị hại góp vốn. Đến tháng 11/2016, Công ty Hoàng Long không có khả năng chi trả tiền gốc, lãi và hoa hồng cho nhà đầu tư, văn phòng đóng cửa, trang web ngưng hoạt động. Không liên lạc được lãnh đạo quản lý và nhân viên công ty, các nhà đầu tư biết bị lừa nên làm đơn tố giác tới cơ quan công an.

Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng xác định từ ngày 1/6/2016 đến 11/2016, Kiên cùng đồng phạm đã nhận góp vốn vào các dự án không phải của Công ty Hoàng Long bằng việc hứa trả lãi cao của 161 bị hại với tổng số tiền 102 tỷ đồng.

Trong số tiền này, Kiên và đồng phạm đã trả trích 44 tỷ trả lãi cho chính các bị hại. Số tiền còn lại, Kiên dùng 23 tỷ đồng mua cổ phần của Công ty An Vượng, chi trả hoa hồng cho người môi giới, chi phí quảng cáo, tổ chức các cuộc hội thảo, mua vé máy bay, trả lương nhân viên và chia nhau sử dụng cá nhân số tiền hơn 6 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định, Nguyễn Thế Kiên là bị cáo chủ mưu cầm đầu, chỉ đạo trực tiếp quản lý, phân công cho các đồng phạm. Các bị cáo còn lại là đồng phạm trực tiếp tham gia, tích cực. Sau 2 ngày xét xử, ngày 31/3, TAND TP. Hồ Chí Minh đã quyết định trả hồ sơ vụ án trên để xác minh điều tra bổ sung với lý do trong quá trình xét xử, bất ngờ có thêm gần 50 bị hại đã nộp đơn tới tòa để tố cáo hành vi lừa đảo của Kiên và đồng phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ