Hàng giả tăng là do quản lý lỏng lẻo

Hàng giả tăng là do quản lý lỏng lẻo
(GD&TĐ) - Sáng 6/9, Ban Chỉ đạo 127 Trung ương tổ chức HN "Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 31/1999/CT-TTg và 2 năm thực hiện Chỉ thị 28/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả" cụm các tỉnh phía Bắc.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, Phó trưởng BCĐ 127 TƯ dự và chủ trì hội nghị. 
Lực lượng liên ngành Công an, QLTT Hà Nội phá đường dây in, bán sách lậu cực lớn trong tháng 6 vừa qua. Ảnh,gdtd.vn
 Lực lượng liên ngành Công an, QLTT Hà Nội phá đường dây in, bán sách lậu cực lớn trong tháng 6 vừa qua. Ảnh,gdtd.vn
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 10 năm qua, lực lượng Quản lý Thị trường (QLTT) trong cả nước đã xử lý hơn 102.000 vụ làm hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Xử phạt vi phạm hành chính hơn 124 tỷ đồng.
Riêng năm 2008, QLTT cả nước đã xử lý 18.539 vụ sản xuất và buôn bán hàng giả (tăng 20% so với năm 2007); lực lượng CSKT đã phát hiện, đấu tranh với 2.615 vụ, trong đó đã khởi tố 426 vụ, 607 đối tượng, xử lý hành chính 2.205 vụ. Thu giữ hàng hóa trị giá tương đương hàng thật hàng chục tỷ đồng, xử phạt hành chính hàng tỷ đồng. Năm 2009 đã phát hiện và xử lý 3.092 vụ, trong đó chỉ có khởi tố đưa ra xét xử 462 vụ (15%) với 548 đối tượng.
Theo BCĐ 127 TƯ, hàng hóa bị làm giả chủ yếu là: xe máy, hàng điện tử, điện lạnh dân dụng, hoá mỹ phẩm, dược phẩm, rượu bia nước giải khát, hàng thực phẩm, các loại vật tư phục vụ sản xuất, sách và băng, đĩa giả, đặc biệt là tiền giả, hóa đơn chứng từ, tem hàng hóa, bao bì giả... 
Các ý kiến tại hội nghị cho rằng: nguyên nhân hàng giả gia tăng vì sự sơ hở và thiếu sót trong cơ chế quản lý kinh tế còn lỏng lẻo, thiếu đống bộ dẫn đến tội phạm và nạn hàng giả hoành hành; việc xử lý, trừng trị các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả với tính chất là tội phạm kinh tế, trong thực tế là còn nhẹ; bỏ lọt nhiều hành vi, nhiều vi phạm nghiêm trọng chỉ bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc các biện pháp phi hình sự, còn cho hưởng án treo và dưới mức khởi điểm khung hình phạt...
BCĐ 127 TW chỉ ra rằng, bất cập không chỉ ở việc chế tài còn nương nhẹ trong công tác chống hàng giả mà cơ chế thực thi pháp luật, đặc biệt là cơ chế kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm chưa đạt hiệu quả như yêu cầu đặt ra. 
Vẫn còn tình trạng chồng chéo về chức năng kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường; về cơ chế phối hợp giữa các ngành, lực lượng chức năng liên quan, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác đấu tranh chống hàng giả còn khá lỏng lẻo. 
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát chưa được tổ chức thường xuyên, liên tục, nhiều nơi, nhiều lúc còn khá manh mún, đa phần chưa có kế hoạch, chiến dịch kiểm tra, kiểm soát cụ thể. Nhiều hoạt động phối hợp còn mang tính hình thức, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn...
Hội nghị đã giành nhiều thời gian để lắng nghe các ý kiến của các lực lượng thành viên, tìm ra những hạn chế, tồn tại nhằm có biện pháp khắc phục trong việc triển khai công tác này trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Công thương, Phó trưởng BCĐ 127 TƯ Nguyễn Cẩm Tú yêu cầu: Cơ quan thường trực BCĐ và các lực lượng thành viên cần rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về chống hàng giả, vi phạm sở hữu tuệ, hàng kém chất lượng. Sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng; nghiên cứu đề xuất bổ sung những quy định về điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm  sở hữu trí tuệ (SHTT)... 
Củng cố và hoàn thiện các lực lượng chức năng đấu tranh chống hàng giả ở Trung ương và ở địa phương; thành lập các đội chuyên trách về chống hàng giả; xây dựng “đường dây nóng về chống hàng giả”. 
Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình như tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của nhà nước về hàng giả, về SHTT, về tác hại nhiều mặt của tệ nạn sản xuất, buôn bán hàng giả hàng kém chất lượng đến tận người dân bằng nhiều hình thức.
Đồng thời, tăng cường sự phối hợp và hợp tác giữa các lực lượng chức năng với các hiệp hội, doanh nghiệp, nâng cao năng lực thực thi, cơ chế hỗ trợ về vật chất, kinh phí, trang thiết bị cho các lực lượng thực thi và tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Ban chỉ đạo 127 TW kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ban chỉ đạo xây dựng các phương án chống hàng giả đối với từng mặt hàng cụ thể và đặc biệt là theo tuyến, địa bàn trọng điểm. Đồng thời, các bộ, ngành có liên quan cần triển khai ngay việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Có biện pháp xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp thuộc lĩnh vực cạnh tranh không lành mạnh thuộc quản lý của Bộ Công Thương...
Giang Đông(T/h)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ