Những mặt hàng này tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe con người đang được bày bán công khai khắp mọi nơi ở chốn thôn quê.
Bày bán khắp nơi
Xã Tây Thành (Yên Thành, Nghệ An) là xã miền núi xa trung tâm huyện nhưng hàng hóa nơi này cũng rất phong phú về chủng loại. Chúng tôi vào rất nhiều cửa hàng, đại lý tạp hóa nhưng không dễ nhận ra các hàng giả, hàng nhái trên các sạp bởi mẫu mã của các loại hàng nhái được thiết kế hầu như giống với hàng thật.
Chúng tôi quan sát một bác nông dân mua chai nước mắm Chinsu - Nam Ngư, với giá 20.000 đồng, trong lúc giá loại nước mắm chính hãng Chinsu - Nam Ngư này trên thị trường Yên Thành hiện nay là 28.000 đồng.
Chúng tôi hỏi chị chủ cửa hàng vì sao nước mắm tại đây lại rẻ như vậy? chị ta bảo: Các mặt hàng của tôi và các chủ quán ở đây bán đều được một số người từ ngoài Bắc và Diễn Châu đánh xe ô tô tải đến nhập. Họ chào hàng với giá rẻ nên chúng tôi lấy. Tôi cũng không biết chai nước mắm đó lại là hàng giả”.
Chúng tôi đến nhiều chợ, cửa hàng tạp hóa ở huyện Yên Thành, thấy rất nhiều mặt hàng nhái tên các sản phẩm chính hãng để đánh lừa người dân như: Khăn giấy Tempo, bị nhái thành Ten, bánh Custard nhái thương hiệu Custas…
Ngoài ra có những loại bánh mẫu mã rất đẹp, tên nước ngoài hẳn hoi nhưng bên trong chỉ là mấy cái bánh bích quy được làm từ bột sắn và… hai tấm gỗ ép hoặc bìa các tông được ép hai bên làm cho hộp bánh trông có vẻ “xịn” và nặng hơn.
Thậm chí có những thứ kẹo rất lạ, không tên, đủ màu sặc sỡ, mùi thơm hấp dẫn được cho vào ống nhựa bán cho trẻ em. Điều đáng lo ngại là những loại kẹo này được nhiều quán tạp hóa bán trước cổng các trường học ở Yên Thành. Học sinh thấy lạ nên đua nhau mua để ăn rất nhiều.
Tại thị trấn huyện Diễn Châu, chúng tôi thấy một số cửa hàng bày bán nhiều mặt hàng là đồ điện nhái nhãn mác như bếp gas Ruinai (nhái Rinnai), bếp gas Fujnai (nhái Rinnai) của Nhật Bản.
Nồi cơm điện sharp của Thái Lan, kangaroo của Đài Loan, Sunhouse Hàn Quốc bị nhái và làm giả y như thật nhưng giá cả chênh nhau rất lớn. Ví dụ như nồi cơm điện Sunhouse Mama loại tốt có giá 1.200.000 đồng nhưng hàng giả chỉ có 800.000 đồng.
Rất khó xử lý
Ông Nguyễn Công Hải - Phó trưởng Phòng Công thương huyện Yên Thành - chia sẻ: “Trong năm 2016 và đầu năm 2017 đến nay, Phòng Công Thương đã phối hợp đoàn liên ngành gồm Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Công an đi kiểm tra các cơ sở kinh doanh, hàng tạp hóa trên địa bàn, đã phát hiện và xử lý gần 10 vụ vi phạm VSATTP.
Thế nhưng, cũng chỉ phát hiện bề ngoài như hàng không nhãn mác, không hóa đơn. Còn phát hiện và xử lý những mặt hàng giả, kém chất lượng và gian lận thương mại thì tầm chúng tôi không thể làm được.
Một điều chúng tôi băn khoăn nữa là trang thiết bị, phương tiện cho công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi này của huyện, tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Ví dụ như máy test để phát hiện hàn the trong thực phẩm hiện nay đã lỗi thời vì những nơi sản xuất họ không dùng hàn the nữa mà dùng phụ gia độc hại khác để chế biến sản phẩm. Tiếp theo là lấy mẫu đi kiểm định, thời gian khá lâu, điều này tạo điều kiện cho cơ sở vi phạm phi tang tang vật và có biện pháp đối phó”.
Cùng chung ý kiến với ông Hải, bà Lê Thị Lý - Phó trưởng Phòng Công Thương huyện Đô Lương - cho biết thêm: Nhận thức của người dân về hàng giả, hàng nhái còn hạn chế, tâm lý chung vẫn thích dùng hàng ngoại, ham mua của rẻ nên tạo điều kiện thuận lợi cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tung hoành.
Bên cạnh đó, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ đối với sức khỏe cộng đồng chưa cao, nên vi phạm vẫn diễn ra, khó xử lý. Theo bà Lý, vừa qua, đoàn liên ngành huyện cũng đã đi kiểm tra và xử lý 4 vụ vi phạm của các hộ kinh doanh, thu phạt 152 triệu đồng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Nghệ An cho biết: Ban chỉ đạo 389 của tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch nhằm tăng cường phòng chống hàng giả, hàng nhái.
Thời gian qua, Chi cục QLTT đã phối hợp với nhiều cấp ngành và các địa phương ra quân quyết liệt chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại.
Trong năm 2016, các đội quản lý thị trường trong tỉnh đã kiểm tra trên 9.000 vụ, xử lý trên 7.000 vụ, thu phạt hàng chục tỉ đồng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay các đội QLTT đã kiểm tra 2.040 vụ xử lý 1.615 vụ thu phạt 2.130.000.000 đồng vi phạm hành chính, 1.433.000.000 đồng. Giá trị hàng hóa tịch thu tiêu hủy 689 triệu đồng.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng giảm rõ rệt so với những năm trước nhưng vẫn diễn biến phức tạp.
Mặt khác, lực lượng chức năng và một số chính quyền địa phương chưa có sự phối hợp tốt trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại.