Hàn Quốc: Trẻ 4 tuổi luyện thi… vào mẫu giáo

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ huynh Hàn Quốc cho con học thêm từ 4 tuổi để tranh suất vào các trường mẫu giáo danh tiếng, từ đó mở ra cơ hội lớn hơn về sau.

Một tiết học tiếng Anh tại trường mẫu giáo Hàn Quốc.
Một tiết học tiếng Anh tại trường mẫu giáo Hàn Quốc.

Thí sinh 4 tuổi

Trong một lớp học tại khu Daechi-dong sầm uất của Seoul, cậu bé Tommy, 4 tuổi, nắm chặt bút chì trong tay. Đôi tay nhỏ bé của em khẽ run rẩy còn đôi chân lơ lửng vì chưa chạm tới sàn nhà. Bên ngoài phòng thi, mẹ Tommy cùng những phụ huynh khác có con trong độ tuổi mẫu giáo thấp thỏm chờ đợi.

Một bà mẹ có con đang theo học trường mẫu giáo dạy bằng tiếng Anh chia sẻ: Những trường này định hướng quốc tế, xây dựng môi trường học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh, với giáo viên bản ngữ và quy định nghiêm ngặt như ‘không nói tiếng Hàn’. Việc được nhận vào những trường này được xem như ‘tấm vé vàng’ để thông thạo tiếng Anh, một bước đệm vững chắc cho cuộc đua vào các trường học danh tiếng sau này.

Bài kiểm tra mà con họ đang làm không hề đơn giản. Đề thi gồm các câu hỏi đọc hiểu văn bản bằng tiếng Anh, bài luận 5 dòng cùng một số câu hỏi Toán học hóc búa với thời lượng mỗi phần không quá 15 phút. Thế nhưng, những đứa trẻ làm bài kiểm tra chỉ mới học mẫu giáo.

Rủi ro và áp lực đè nặng lên những đứa trẻ này. Đây không phải là một tiết học mẫu giáo thông thường, mà là sự chuẩn bị cho “kỳ thi 4 tuổi”, thuật ngữ của phụ huynh giàu có tại Hàn Quốc. Khu Daechi-dong vốn nổi tiếng với những trung tâm dạy thêm tư nhân với học phí đắt đỏ và cam kết đào tạo những học sinh tốt nhất.

Ở đây, ngay cả những đứa trẻ chưa bước chân vào trường mẫu giáo cũng đã có lịch trình học tập dày đặc, đồng thời từ lâu được mệnh danh là “thủ đô giáo dục” của Hàn Quốc. Nổi tiếng với văn hóa học tập miệt mài và hệ thống trung tâm luyện thi tư nhân dày đặc, Daechi-dong đã mở rộng đối tượng tiếp cận đến những đứa trẻ chỉ mới đủ tuổi cầm bút chì.

Theo chia sẻ của nhiều bà mẹ, phụ huynh có con học thêm tại Daechi-dong coi các trường mẫu giáo dạy bằng tiếng Anh như một bước đệm quan trọng, đảm bảo thành công trong tương lai cho con cái tại Hàn Quốc, nơi tiếng Hàn là ngôn ngữ chính thức và tiếng Anh không được sử dụng rộng rãi.

Để con cái đạt kết quả tốt nhất trong các kỳ tuyển sinh khắt khe của trường mầm non quốc tế, nhiều cha mẹ không ngần ngại cho con luyện thi từ năm 4 tuổi. Các bé sẽ được rèn luyện khả năng tiếng Anh và kỹ năng làm bài thi.

han-quoc-tre-4-tuoi-luyen-thi-vao-mau-giao-1-7578.jpg
Tiếng Anh là ngôn ngữ ưu tiên của phụ huynh Hàn Quốc.

Ưu tiên tiếng Anh

Tại các trung tâm dạy thêm ở Daechi-dong, trẻ được học cách nhận biết chữ cái tiếng Anh và những từ đơn giản, trả lời giáo viên bằng tiếng Anh và cách cư xử đúng mực trong lớp học, nghĩa là giữ trật tự, ngồi ngoan ngoãn. Những chương trình đào tạo này không chỉ giúp trẻ nâng cao kỹ năng cầm bút để viết đúng cách, mà còn dạy trẻ cách tự đi vệ sinh.

“Các học viên còn rất nhỏ, vì vậy ban đầu chúng tôi chỉ tổ chức những buổi học ngắn, khoảng 30 phút. Khi các em đã quen với việc xa cha mẹ, chúng tôi sẽ tăng thời lượng lên một giờ”, giáo viên tại một trung tâm dạy thêm giấu tên cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình sẵn sàng chi hàng trăm USD thuê gia sư riêng, mua sách luyện thi có đề mẫu. Một số thuê người xếp hàng thay để giành suất mua hồ sơ đăng ký vào các trường mẫu giáo danh tiếng vì sợ hết chỗ.

Học phí tại những trường này có thể lên tới hơn hai triệu won mỗi tháng. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ còn chi thêm từ 2 đến 3 triệu won cho việc học thêm và gia sư để đảm bảo con cái theo kịp chương trình huấn luyện khắt khe.

Một trong những ưu điểm của các trung tâm dạy thêm là tính xuyên suốt. Sau khi trẻ đã đỗ vào các trường mẫu giáo, các trung tâm sẽ hỗ trợ làm bài tập về nhà và đảm bảo các em không bị tụt lại so với bạn bè.

Chị Kim, 39 tuổi, bà mẹ có con gái theo học tại một trong những trường mẫu giáo tiếng Anh danh tiếng nhất ở Daechi-dong chia sẻ, cô thậm chí còn gọi con gái mình bằng tên tiếng Anh ở nhà.

“Tôi thường xuyên gọi con gái bằng tên tiếng Anh để con bé làm quen với việc nghe tiếng Anh. Cháu cũng không muốn nói tiếng Hàn ở nhà. Vì vậy, chồng tôi và tôi cố gắng hết sức để giao tiếp với con bé bằng tiếng Anh”, chị Kim nói và thừa nhận, mặc dù con gái thông thạo tiếng Anh, nhưng cô bé lại gặp khó khăn với những từ tiếng Hàn cơ bản. Tuy nhiên, cô cho rằng việc thành thạo tiếng Anh quan trọng hơn.

han-quoc-tre-4-tuoi-luyen-thi-vao-mau-giao-2.jpg
Các biển quảng cáo trung tâm dạy thêm tại Daechi-dong, Seoul.

“Học trước nhiều năm”

Đối với nhiều bố mẹ ở Daechi-dong, việc cho con học tiếng Anh từ sớm không chỉ đơn thuần là học một ngôn ngữ, mà còn biến tiếng Anh từ trở ngại thành thế mạnh trong tương lai. Khi những đứa trẻ này bước vào trường tiểu học, các em có thể tập trung vào những môn học nâng cao hơn, đặc biệt là Toán, trong khi những đứa trẻ khác mới bắt đầu học tiếng Anh.

Cuộc đua giáo dục sớm khốc liệt này không chỉ giới hạn ở môn Tiếng Anh. Nhiều gia đình tin rằng việc đi trước thời đại là con đường duy nhất để thành công trong hệ thống giáo dục cạnh tranh ngày càng gay gắt của Hàn Quốc. Một cố vấn tại trung tâm dạy thêm ở Daechi-dong nhận định tiếng Anh chỉ là một phần trong bức tranh tổng thể.

Tư duy “học trước nhiều năm” đã ăn sâu vào các trung tâm dạy thêm ở Daechi-dong trong nhiều thập kỷ. Tiếng Anh, Toán và các môn học khác đều là một phần của chiến lược lớn hơn là giành suất vào trường đại học danh tiếng. Các phụ huynh hiểu rằng hệ thống giáo dục khắc nghiệt của Hàn Quốc sẽ “ưu ái” cho những người bắt đầu sớm nên họ cho con cái tiếp xúc với môi trường học tập có cấu trúc càng sớm càng tốt.

Khảo sát mới đây của Cục Thống kê Hàn Quốc cũng nhấn mạnh thực tế này. Cụ thể, Hàn Quốc chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong chi tiêu cho giáo dục tư nhân, với 29,2 nghìn tỷ won vào năm 2024, tăng 7,7% so với năm trước, mức cao nhất từng được ghi nhận.

Đáng chú ý, số lượng sinh viên ghi danh giảm xuống còn 5,13 triệu người, song chi tiêu vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Điều đó cho thấy sự phụ thuộc ngày càng lớn vào các dịch vụ giáo dục ngoài công lập trong bối cảnh học đường đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Ngoài ra, tỷ lệ thanh thiếu niên tham gia giáo dục tư nhân ở Hàn Quốc đã lên đến 80%, tăng 1,5% so với năm 2023. Điều này phản ánh sự gia tăng không chỉ về số lượng học sinh, mà còn về mức chi tiêu của các gia đình cho các dịch vụ giáo dục bổ sung, từ học thêm đến học tiếng Anh chuyên sâu.

Sự gia tăng chi tiêu không chỉ phản ánh ở tổng số tiền mà các gia đình chi cho giáo dục, mà còn thể hiện ở mức chi tiêu trung bình hàng tháng. Học sinh Hàn Quốc trung bình chi 474 nghìn won mỗi tháng cho giáo dục tư nhân, tăng 9,3% so với năm 2023.

han-quoc-tre-4-tuoi-luyen-thi-vao-mau-giao-3.jpg
Học thêm sớm là văn hóa tại Hàn Quốc.

Tiếng kêu mỏng manh

Tuy nhiên, không phải tất cả phụ huynh đều ủng hộ cuộc đua này. Một phụ huynh sống tại quận Gangnam bày tỏ: “Tôi chỉ muốn con trai được hạnh phúc, không còn muốn tham gia vào cuộc đua điên cuồng này”.

Nhưng tư duy đó cũng phải trả giá. Khi con trai cô tụt lại phía sau so với bạn bè đồng trang lứa, áp lực trong cô ngày càng gia tăng, thôi thúc cô phải giúp con “ít nhất cũng đạt được những điều cơ bản”.

Giờ đây, bà mẹ đang cân nhắc lại và tự hỏi liệu việc chống lại hệ thống có phải là một lựa chọn khả thi hay không. Tuy nhiên, điều khiến cô lo lắng hơn cả là sự gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở trẻ em.

“Các rối loạn tic (tình trạng xuất hiện các cử động bất thường của các cơ, thường là những cử động lặp đi lặp lại mà không kiểm soát được) rất phổ biến ở trẻ em học thêm tại Daechi-dong. Trước đây, những vấn đề này thường bị che giấu và giữ kín.

Nhưng giờ đây, khi quá nhiều trẻ em phải trải qua tình trạng này, các bà mẹ công khai chia sẻ những lời khuyên về bác sĩ tâm thần và nhà trị liệu tâm lý, tương tự như cách họ chia sẻ thông tin về các trung tâm”, bà mẹ cho biết.

Dữ liệu từ phóng viên Jeon Jin-suk đã củng cố thêm ý kiến này. Số lượng trẻ em từ 7 đến 12 tuổi được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm hoặc lo âu đã tăng gấp đôi trong 5 năm gần đây, từ 2,5 nghìn ca vào năm 2018 lên gần 6 nghìn vào năm 2023. Và những con số cao nhất ở đâu? Chính là Gangnam, Songpa và Seocho-gu, những trung tâm giáo dục của Seoul.

Áp lực học tập căng thẳng ở Daechi-dong là vấn đề không còn xa lạ. Các phụ huynh thoải mái nói về các vấn đề sức khỏe tâm thần của con cái, giống như khi họ thảo luận về điểm số bài kiểm tra. Căng thẳng thời thơ ấu, trước đây bị xem nhẹ, giờ trở thành một cuộc khủng hoảng được công nhận rõ ràng.

“Tôi đã sống ở khu phố này hơn 20 năm. Với tư cách là một người mẹ và hiện tại là một người làm việc trong ngành này, tôi biết rõ điều đó. Chừng nào thành công trong học tập còn quyết định tương lai của một đứa trẻ ở Hàn Quốc, cuộc đua này sẽ còn tiếp diễn. Liệu cuộc đua này có đáng hay không là câu hỏi mà ít người dám đặt ra”, một phụ huynh chia sẻ.

Cố vấn tại một trung tâm dạy thêm cho hay: Môn Toán có một quy tắc bất thành văn là học sinh lớp 3 phải hoàn thành chương trình học của lớp 6 để có thể bắt đầu học phân tích thừa số. Một số học sinh còn học cả phép tính vi phân và tích phân từ lớp 5, những kiến thức mà các em thường chỉ được học khi vào THPT.

Theo Korea Herald

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sức hấp dẫn của người phụ nữ nữ tính không nằm ở vẻ ngoài mà nằm ở khí chất độc đáo họ thể hiện. (Ảnh: ITN).

3 mẫu phụ nữ khiến 80% đàn ông say mê

GD&TĐ - Trong mắt một số người đàn ông có kinh nghiệm, điều họ coi trọng thường không phải là vẻ ngoài xinh đẹp của phụ nữ mà là một số đặc điểm khác.