Hàn Quốc: Tranh cãi cho trẻ lớp 1 học từ 5 tuổi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Bộ Giáo dục Hàn Quốc đề xuất từ năm 2025 cho phép trẻ 5 tuổi đi học lớp 1, sớm hơn một năm so với quy định hiện hành là 6 tuổi. Tuy nhiên, đề xuất trên đã vấp phải ý kiến trái chiều từ phía phụ huynh và giáo viên.

Học sinh Trường Tiểu học Cheonggu, Seoul.
Học sinh Trường Tiểu học Cheonggu, Seoul.

Trong một cuộc họp về chính sách với Tổng thống Yoon Suk-yeol vào ngày 29/7, Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Park Soon-ae đề xuất giảm độ tuổi học tiểu học xuống 5 tuổi và cho phép trẻ em đi học sớm hơn một năm.

Bộ Giáo dục lý giải đề xuất nhằm giảm gánh nặng chi phí học tập cho phụ huynh. Việc thay đổi độ tuổi nhập học có thể giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực lao động trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm và dân số già tăng nhanh. Như vậy, trong tương lai, thanh thiếu niên Hàn Quốc sẽ đi làm sớm hơn sau khi tốt nghiệp đại học.

Tổng thống Yoon đã phê duyệt đề xuất này và yêu cầu Bộ Giáo dục thúc đẩy cải cách “ngay lập tức”.

Ngành Giáo dục Hàn Quốc sẽ tổ chức khảo sát trên 20 nghìn học sinh và phụ huynh vào tháng 9 tới đây để thu thập ý kiến. Nếu đạt được sự đồng thuận của xã hội, các trường tiểu học trên cả nước sẽ dần nới rộng quy định tuyển sinh cho trẻ 5 tuổi vào năm 2025. Dự kiến đến năm 2029, sẽ bắt đầu tuổi đi học từ 5 tuổi ở Hàn Quốc.

Nếu đề xuất này đạt được sự đồng thuận, đây sẽ là lần sửa đổi Luật Giáo dục đầu tiên tại Hàn Quốc. Luật Giáo dục Hàn Quốc đã tồn tại 76 năm, kể từ khi được ban hành vào năm 1949. Theo luật hiện hành, trẻ em 6 tuổi sẽ bắt đầu học tiểu học từ ngày 1/3 hàng năm, khi năm học mới bắt đầu.

Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối nhiều hơn ủng hộ và lập tức trở thành tâm điểm tranh luận trên các diễn đàn của người dân Hàn Quốc. Những người ủng hộ cho rằng kế hoạch giúp “tiết kiệm một năm học” nhằm giải quyết bài toán thiếu lao động. Nhưng phần đông phản đối khẳng định cách làm này sẽ “hại nhiều hơn lợi”.

Lee, 30 tuổi, giáo viên tiểu học tại Seoul, chia sẻ việc trẻ dưới 6 tuổi đi học lớp Một không mang lại lợi ích cho bản thân các em. Nữ giáo viên lập luận: Khi bước vào lớp 1, nhiều học sinh 6 tuổi còn cảm thấy khó khăn để theo kip lớp học, cách vệ sinh, cách ăn trưa hay nếp sinh hoạt mới.

Chưa kể, rất nhiều thứ phải chuẩn bị để theo kịp cải cách như sửa đổi chương trình giáo dục, đào tạo lại giáo viên... Những điều này đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn nhân lực.

Liên đoàn Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc, đại diện cho khoảng 130 nghìn giáo viên, cho rằng chính phủ “không tính toán đến các đặc điểm phát triển của trẻ trong thời thơ ấu”. Trên thực tế, trong quá khứ, đã có nhiều kiến nghị giảm độ tuổi học tiểu học nhưng tất cả đều thất bại.

Còn Hiệp hội Các trường mẫu giáo tư thục phản ánh chính phủ đưa ra thông báo đột ngột mà không có bất kỳ cuộc thảo luận nào với các đối tượng liên quan như phụ huynh, giáo viên hoặc tiến hành nghiên cứu về tính khả thi của đề xuất. Hiện nay, trẻ 5 tuổi chiếm 40 – 50% tổng số trẻ học mẫu giáo. Nếu trẻ em Hàn Quốc học tiểu học sớm, các trường mẫu giáo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề về mặt tài chính.

Theo tổ chức giáo dục EAG thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), độ tuổi lý tưởng để bắt đầu đi học ở các quốc gia là khác nhau. Tính đến năm 2019, 26 trong số 38 quốc gia thành viên OECD quy định độ tuổi trẻ vào lớp 1 là 6 tuổi.

Trong khi, tại 8 quốc gia như Phần Lan, Estonia, trẻ em đi học từ năm 7 tuổi. Một số quốc gia như Ireland, Vương quốc Anh cho phép trẻ từ 4 tuổi học tiểu học.

Theo Korea Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ