Hàn Quốc: Thảm họa tiếng ồn chung cư

GD&TĐ - Hàn Quốc có khoảng 51 triệu người và 60% dân cư sinh sống tại các khu đô thị. Tính đến cuối năm 2019, đất nước này có tổng cộng 11,3 triệu căn hộ, chiếm 62,3% tổng số nhà ở.

Tiếng ồn chung cư tiếp tục là vấn nạn không thể giải quyết trong cuộc sống đô thị Hàn Quốc.
Tiếng ồn chung cư tiếp tục là vấn nạn không thể giải quyết trong cuộc sống đô thị Hàn Quốc.

Chung cư Hàn Quốc nổi tiếng “bộ mặt của người sang”, nhưng cuộc sống bên trong thì khá… ồn ào, bất tiện.

“Cộng hòa căn hộ”

Sau năm 1953, Hàn Quốc bước vào thời kỳ công nghiệp hóa cường độ cao. Từ các miền quê, người dân ào ạt đổ xô về thủ đô Seoul, tìm kiếm cơ hội lập nghiệp.

Trước lượng cư dân dồn cục ở thủ đô, chính quyền Tổng thống Park Chung-hee (1917 - 1979) giải quyết vấn đề chỗ ở bằng chung cư. Khu phức hợp căn hộ Mapo (1964) – hệ thống chung cư đầu tiên ở Hàn Quốc chào đời. Nó bao gồm 10 chung cư 6 tầng, với tổng cộng 642 căn hộ.

“Thời đó, chúng tôi gọi căn hộ là biệt thự” - Park (64 tuổi) nhớ lại - “Nó vừa có phòng khách hiện đại, lại có cả phòng bếp, nhà tắm đầy đủ tiện nghi. Ai cũng mơ ước trở thành chủ sở hữu căn hộ”.

Trên thế giới, chung cư xuất hiện từ đầu thế kỷ XX. Nó là sáng kiến của kiến trúc sư Le Corbusier (Pháp gốc Thụy Sĩ, 1887 - 1965). So với nhà tư, chung cư không được ưa chuộng. Chỉ riêng ở Hàn Quốc, nhờ sự quảng bá của chính phủ, nó mới được săn đón.

“Tại Hàn Quốc, chính phủ xem chung cư như mô hình nhà ở hiện đại dành cho tầng lớp trung, thượng lưu”, Giáo sư Jung Heon-mok (Học viện Hàn Quốc) giải thích. Mặc dù văn hóa nhà ở Hàn Quốc thích kiểu sát đất, tiện bề xếp đặt chum ngâm và bảo quản thực phẩm, nhưng chính quyền Park Chung-hee đã thành công đưa họ lên tầng cao.

“Có căn hộ và sống ở thành phố trở thành 2 tân tiêu chí định giá con người”, Jung nói. Nhờ được săn đón, các chung cư và khu phức hợp chung cư tới tấp mọc lên. Theo báo cáo vào cuối năm 2019, Hàn Quốc có tới 11,3 triệu căn hộ, chiếm 62,3% tổng số nhà ở trên cả nước.

Trung bình, cứ trong 10 người Hàn Quốc thì có 6 người ở chung cư. Tại các thành phố lớn, mật độ chung cư dày đặc. Quốc tế phải đặt cho Hàn Quốc biệt danh “cộng hòa căn hộ”.

Khủng hoảng vì ồn

Chung cư thống trị nhà ở Hàn Quốc.
Chung cư thống trị nhà ở Hàn Quốc.

Khi hàng trăm hộ gia đình cùng sống chung trong một tòa nhà, ồn ào là lẽ đương nhiên. Hàn Quốc tràn ngập các lời phàn nàn về tiếng ồn trong chung cư. Họ trở thành đất nước “nhạy cảm nhất với tiếng ồn từ lầu trên”.

“Tôi điên tiết với nhà ở tầng trên đến nỗi, mua luôn máy khoan về khoan lỗ trên trần chỉ để trả đũa”, một người dùng Twitter thừa nhận. “Còn tôi thì mở nhạc siêu lớn, át đi tiếng ồn”, một người khác tham gia.

“Lắm lúc, tôi thật sự muốn nhảy lầu cho rồi”, Seo Jee-sun (Seoul) than thở. Căn hộ của Seo nằm trên tầng 12 của một tòa chung cư ở Mapo-gu. Nó có giá thuê tương đối “mềm”, vừa với khả năng tài chính của Seo, nên cô đã đăng ký thuê và dọn tới ở vào khoảng giữa năm 2020.

“Suốt 6 tháng trời, tôi không có hôm nào được ngủ ngon vì 2 đứa nhỏ đang học mẫu giáo của hộ tầng trên” - Seo nói tiếp - “Cứ đúng lúc tôi đi làm về (Seo là nhân viên massage toàn thời gian) và nằm xuống nghỉ ngơi, chúng lại chạy nhảy và la hét ỏm tỏi”.

Lần đầu tiên Seo nhắc nhở phụ huynh tầng trên, họ xin lỗi và hứa sẽ bảo con cái giữ trật tự. Lần kế tiếp Seo gõ cửa, bà mẹ của 2 đứa trẻ đã nổi nóng, mắng mỏ cô tới tấp.

Vào năm 2016, Hàn Quốc chấn động vì tin tức giết người đến từ một chung cư ở Hanam. Hung thủ là nam giới 33 tuổi. Anh ta dùng dao đoạt mạng cặp vợ chồng lão niên sống ở tầng trên. Nguyên nhân chỉ vì, căn hộ của 2 ông bà lão này thường xuyên ồn ào vào cuối tuần, do con cháu đến thăm và đám trẻ nô đùa.

Năm 2017, một nam giới ở Pohang bị bắt vì cố ý siết cổ hàng xóm cùng chung cư gần chết. Một người khác ở Gwangju thì “lên phường” vì đập phá ô tô của bạn láng giềng. Cả 2 đều xuất phát từ một nguyên nhân: Bất mãn tiếng ồn.

Tháng 1/2021, Tổng Công ty Môi trường Hàn Quốc (The Korea Environment Corp) báo cáo, vào năm 2020, đường dây nóng của họ nhận được tổng cộng 42.250 khiếu nại tiếng ồn trong chung cư. Nó tăng hẳn 60,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong số này, có 12.139 khiếu nại đòi kiểm tra ngay tại chỗ, xác định mức độ tiếng ồn. Nó cao hơn năm 2019 (7.971) 4.168 vụ, tức là tăng 52,3%.

Loại tiếng ồn bị tố cáo nhiều nhất là tiếng giậm chân xuống sàn. Tiếp đến là tiếng kéo đồ đạc, đóng cửa mạnh, mở nhạc lớn…

Trả đũa cay độc

Ồn ào là không thể tránh khi sống cùng một tòa nhà.
Ồn ào là không thể tránh khi sống cùng một tòa nhà.

Người Hàn Quốc luôn khốn khổ vì tiếng ồn chung cư. Hầu hết các tòa nhà được xây trong nửa cuối thế kỷ XX đều có sàn chỉ dày 13,5cm, không cản được tiếng ồn. Vào năm 2005, luật xây dựng Hàn Quốc ra quy định mới: Độ dày của sàn chung cư phải đạt từ 21cm trở lên. Tuy nhiên, độ dày này vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề tiếng ồn.

Năm 2020, vì cách ly và giãn cách xã hội, mâu thuẫn tiếng ồn bị đẩy lên tới đỉnh điểm. Nó dẫn đến một hệ quả vô cùng trái khoáy: Trả thù hàng xóm. Thay vì cùng nhau ý thức giữ yên lặng, người sống ở chung cư Hàn Quốc quay ra tận lực quấy phá nhau.

Người ở tầng dưới mua loa trầm, gắn lên trần và phát âm thanh, để tiếng ồn tấn công người tầng trên. Người tầng trên cố ý chạy nhảy mạnh chân, phá đám sự yên tĩnh của người tầng dưới.

Một số cư dân Hàn Quốc không chỉ “đáp lễ”, mà còn khủng bố hàng xóm bằng tiếng ồn. Họ dùng mọi thứ có thể tạo ra âm thanh khó chịu, hành hạ người sống cùng chung cư suốt ngày đêm.

Tháng 8/2020, tòa án ở Tây Bắc Incheon đã kết thúc một vụ kiện tiếng ồn bằng yêu cầu bồi thường gần 30 triệu won (608 triệu đồng). Người phải đền bù là gia đình sống ở tầng trên, vì tội “tra tấn hộ ở tầng dưới bằng nhiều công cụ tạo ra tiếng ồn”.

“Kiện tụng tiếng ồn tốn rất nhiều thời gian (ít nhất cũng 6 tháng) và thường chẳng đi đến đâu”, luật sư Kim Hee-kyung (Seoul) cho biết. Nếu giữa 2 bên không thể hòa giải, nó tất yếu dẫn đến 1 trong 2 trường hợp: Trả đũa hoặc chuyển chỗ ở.

Tháng 6/2020, Quốc hội Hàn Quốc thông qua yêu cầu kiểm tra độ ồn mới. Kể từ tháng 7 cùng năm trở đi, các dự án xây dựng chung cư phải đáp ứng tiêu chuẩn về cách âm. Có điều, các chung cư cũ thì “ồn vẫn hoàn ồn”.

Theo Koreaherald

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.