Có một loại ô nhiễm mang tên… tiếng ồn

GD&TĐ - Người ta hay nói đến ô nhiễm không khí, khiến con người thấy khó thở, bức bối, ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Có một loại ô nhiễm mang tên… tiếng ồn
Có một loại ô nhiễm mang tên… tiếng ồn

Nhưng nếu bạn gặp trường hợp nhà hàng xóm mở loa đài vặn volume hết cỡ, hát say sưa suốt đêm khuya, nhà bên cạnh không ngủ nổi, đầu óc choáng váng, đóng kín hết cửa sổ cửa đi mà cảm giác lông tơ trên tay vẫn cứ dựng lên khi nghe phải âm thanh chói lói, bạn hẳn cũng chép miệng mà nghĩ: Có một loại ô nhiễm mang tên… tiếng ồn.

Trưa 28/2, ở Hà Tĩnh xảy ra một vụ trọng án. Ông Nguyễn Minh Phước (49 tuổi) cùng vài người nữa sau khi nhậu xong kéo nhau về nhà ông Thành (cùng xóm) để hát karaoke. Lúc này, ông Nguyễn Viết Lộc (59 tuổi, hàng xóm nhà ông Thành) cũng vừa đi nhậu về cần nghỉ ngơi.

Thấy âm thanh bên nhà ông Thành ồn ào quá, ông Lộc qua bảo mọi người nên hát nhỏ lại dẫn đến hai bên đôi co căng thẳng. Sau đó, ông Lộc trở về nhà, bức xúc không ngủ được, xách theo 3 con dao quay trở lại nhà ông Thành để "nói chuyện" dẫn đến án mạng xảy ra, ông Lộc đâm ông Phước thiệt mạng. Ông Nguyễn Viết Lộc bị công an bắt giữ ngay sau đó.

Ông Lộc chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật, nhưng nguyên nhân của vụ việc hẳn cũng là bài học cảnh tỉnh nhiều người.

Hiện có không ít người có cách sống ích kỷ chỉ biết đến cảm xúc bản thân, kiểu mất tiền mua bộ dàn loa xịn về, cứ bật to hết cỡ trong nhà nghe cho sướng tai; nhà có đám cưới đám hỏi, mời được ban nhạc về, thôi thì anh em cứ cố hát suốt đêm cho làng trên xóm dưới tỏ tưởng nhà mình có hỷ; bolero à, đang thịnh đó, gia đình có điều kiện sắm cái micro xịn, mời anh em họ hàng nhậu chơi, rồi thử giọng vào giữa trưa đến đêm mới tạm nghỉ, vừa hát vừa sửa nhạc cho… máu!

Cứ thế, họ sống giữa cộng đồng đông đúc mà cứ tưởng như một mình một nhà ở ốc đảo riêng vậy! Hàng xóm xung quanh mòn mỏi sức khỏe, nghĩ đến về nhà là sợ!

Có người sẽ bảo: Trọng tài đâu, nhà chức trách đâu, chính quyền địa phương đâu? Sao không giải quyết triệt để việc này? Tổ dân phố nói chung cả nể, nghĩ hàng xóm với nhau, nhắc nhở nhẹ nhàng là chính, họ hát hò một lúc rồi thôi.

Chính quyền địa phương nơi nào tích cực, lắng nghe người dân, cử người vào để nhắc nhưng cũng khó lòng giám sát được sau đó họ có tiếp tục gây ồn hay không, muốn phạt tiền theo Luật định thì phải chứng minh tiếng ồn quá mức “đề xi ben” cho phép, thế là lại nhìn nhau hỏi: Máy móc đâu để đo? Đúng là lực bất tòng tâm.

Dường như chúng ta đang sống giữa những tiếng ồn và đang bắt cơ thể phải cố gắng làm quen, chịu đựng bị hành hạ hàng ngày: Ra đường – tiếng ồn giao thông; về nhà – tiếng ồn trong sinh hoạt; nhà nào hẩm hiu gần khu công trường xây dựng – tiếng ồn xây dựng; rồi tiếng ồn trong khu công nghiệp và sản xuất…

Mỗi người chỉ cần tiết chế bản thân, dừng lại chút thôi để nhìn người xung quanh, sống vì mình nhưng cũng vì người, chắc chắn sẽ giảm bớt những ồn ào đang bào mòn sức khỏe cộng đồng: Bớt bấm còi xe thúc giục khi đợi đèn xanh đèn đỏ; vặn nhỏ volume khi hát karaoke ở khu nhà; chọn giờ giải trí gia đình một cách hợp lý…

Đừng quên rằng ngay từ trên ghế nhà trường, ta đã được dạy “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” ở hành lang, ở cầu thang trường học để không gây ảnh hưởng đến các bạn. Ngay trong gia đình, ông bà, cha mẹ cũng dạy các con ở nơi đông người không nói to, “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Đó không chỉ là cách sống, đó là văn hóa sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ