Tỷ suất sinh chỉ 1,1
Thống kê năm 2019 cho thấy, dân số Hàn Quốc có hơn 51 triệu người. Trong đó, nữ giới chiếm 25,8 triệu người (49,9%). Tuy nhiên trong cả năm 2019, chỉ có 239.200 cuộc kết hôn, giảm 7,2% so với năm 2018. Số vụ ly hôn là 110.800 cặp vợ chồng, tăng 2% so với năm 2018.
Nhìn chung, tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc hiện chỉ 1/1.000 người. Theo báo cáo thường niên của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), vào nửa đầu năm 2020 trên 201 quốc gia, tỷ suất sinh ở Hàn Quốc chỉ 1,1. Nghĩa là trung bình, mỗi phụ nữ Hàn Quốc chỉ sinh con 1 lần trong đời.
Đây là con số tỷ suất sinh thấp nhất thế giới. Ngay cả quốc gia nổi tiếng dân số già Nhật Bản vẫn đạt tỷ suất sinh 1,36. Ở các quốc gia phát triển nhất thế giới như Vương quốc Anh cũng có tỷ suất: 1,80; Mỹ: 1,84; Thụy Điển: 1,85; Pháp: 1,92... Hiện tỷ suất sinh trung bình toàn cầu là 2,5.
Tại Hàn Quốc, tỷ suất sinh bắt đầu giảm dần đều từ năm 1950 (5,6). Nó đẩy đất nước vào tình trạng dân số già. Cũng theo báo cáo từ UNFPA, tỷ lệ tử vong của Hàn Quốc hiện là 6,3/1.000 người, tăng 3,17% so với một thập kỷ trước.
Hôn nhân là “không cần thiết”
Hàn Quốc là đất nước Đông Á không an toàn với phụ nữ. Các chị em ở đây phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, bao gồm từ quan niệm xã hội đến tội phạm. Người Hàn Quốc quá níu giữ các tư tưởng “nam tôn nữ ti” cổ hủ. Phụ nữ Hàn Quốc hiện đại vẫn bị áp đặt “tam tòng, tứ đức”. Ở nhà, họ phải gánh vác trách nhiệm nội trợ, chăm sóc chồng con và thân nhân nhà chồng. Ở chỗ làm, họ bị cấp trên chèn ép, trả lương thấp.
Thực trạng bạo hành phụ nữ ở Hàn Quốc vô cùng nghiêm trọng. Có đến 29% nữ giới kết hôn báo cáo bị lạm dụng gia đình. Đối với các cô dâu nước ngoài, tỷ lệ này còn vượt lên hẳn 42%. Ngoài ra, Hàn Quốc còn mang vấn nạn bạo lực hẹn hò và quay lén. Nó khiến hàng nghìn phụ nữ phải đứng lên biểu tình, đòi chính phủ ra quy định pháp luật trừng trị.
Ở Hàn Quốc, phụ nữ muốn tự do phải từ bỏ 3 thứ: Yêu đương, hôn nhân và con cái. Thế nhưng bắt đầu từ năm 1980, số lượng phụ nữ chọn “độc thân vui khỏe” lại ngày càng tăng. Nếu vào thập niên 1970, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi 25 - 29 lấy chồng cao tới 90% thì vào năm 2015, con số này chỉ còn 23%.
“Kết hôn là không cần thiết”, đây là câu cửa miệng quen thuộc của phụ nữ Hàn Quốc ngày nay. “Thay vì thuộc về một ai đó, tôi muốn chỉ là của chính mình”, Baeck Ha Na - Youtuber người Hàn Quốc nổi tiếng tuyên bố. “Đất nước này chỉ coi trọng đàn ông, con trai và đẩy phụ nữ xuống thành ‘công dân hạng 2’”, Jung Se Young - đồng sáng lập kênh YouTube với Baeck phụ họa - “Tôi không muốn bị sử dụng như cái máy đẻ”.
Nếu vào năm 2008, 46,5% phụ nữ Hàn Quốc độc thân vẫn xem lấy chồng là mục tiêu và chuyện tất yếu thì đến năm 2014, con số này giảm xuống còn 38,7% và hiện còn tiếp tục giảm.
Thà cưới chính mình
Ngoài lựa chọn không kết hôn, phụ nữ Hàn Quốc thời nay còn nỗ lực độc lập về mặt tài chính và ở riêng. Theo số liệu thống kê, đất nước này đang có 3,09 triệu chị em sống một mình. Họ chiếm đến 50,3% tổng hộ khẩu đơn thân (6,14 triệu hộ) trên cả nước. Chính phủ Hàn Quốc cũng dự đoán, số lượng phụ nữ độc thân độc lập sẽ chỉ tăng chứ không giảm. Ước tính đến năm 2025, con số này sẽ là 3,23 triệu người và đến năm 2035 còn lên hẳn 3,65 triệu người.
Mặc dù ghét lấy chồng, phụ nữ Hàn Quốc thích làm đám cưới. Họ muốn được một lần mặc áo cô dâu và ghi lại khoảng khắc lộng lẫy nhất. Những năm gần đây, giới trẻ xứ Kim chi có xu hướng kết hôn khác biệt: Cưới bản thân. Cánh chị em trong độ tuổi 20 - 30 không ngại ngần ghé các tiệm chụp ảnh, thuê trang phục cô dâu và “phó nháy”, làm bộ ảnh cưới không chú rể.
“Giữa xu thế kết hôn muộn ngày nay, các chị em muốn chụp và lưu giữ ảnh cưới trong khoảng khắc trẻ đẹp nhất”, Kim Ji Young - chuyên gia trang điểm cô dâu có phòng làm việc ở trung tâm Seoul (thủ đô Hàn Quốc) cho biết, “họ không khao khát kết hôn hay mong muốn sớm gặp người định mệnh, mà chỉ đơn giản thích trải nghiệm được mặc áo cưới và chụp hình”.
Bất chấp chi phí chụp và làm album ảnh cưới độc thân không rẻ, khoảng 1 triệu won/album 10 trang (tương đương 20 triệu đồng), phụ nữ Hàn Quốc đua nhau “cưới chính mình”. Hiện tại, đám cưới độc thân đang là “mốt”. Bên cạnh đó, các chị em còn hết sức hưởng thụ “đời cô đơn”, hình thành trào lưu ăn uống và du lịch một mình.
“Vấn đề lớn nhất ở Hàn Quốc là chính phủ không buồn lắng nghe tiếng nói của phụ nữ”, tờ Fox News đánh giá, “họ chỉ tối ngày lo rao giảng đạo làm mẹ, làm vợ, ca ngợi gia đình hòa hợp, hạnh phúc, khuyến khích nhà đông con mà không bận tâm phụ nữ - những người phải sinh và giáo dưỡng con cái cần hay muốn gì”.
“Chúng tôi vẫn hướng về nam giới và lấy đàn ông làm trung tâm”, Shin Gi Wook - Giáo sư Xã hội học Hàn Quốc thừa nhận, “phụ nữ phải gánh vác quá nhiều nghĩa vụ hôn nhân và mẫu tử, khiến họ thà ưu tiên bản thân và sự nghiệp còn hơn bước vào con đường chồng con. Trừ khi nhận thức về vai trò của giới tính được thay đổi, còn không thì sẽ chẳng có gì chuyển biến hết”.