Hàn Quốc: Môn học mới lạ vào chương trình GD

GD&TĐ - Không chỉ xây dựng những môn học đáp ứng đòi hỏi của cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0, Hàn Quốc cũng trang bị kiến thức ở ngành nghề được coi là “lạ” như nuôi côn trùng để đáp ứng nhu cầu tương lai.

Hàn Quốc: Môn học mới lạ vào chương trình GD

Xây dựng môn học “hướng tới tương lai”

Là quốc gia đặc biệt coi trọng giáo dục và cũng đầu tư để dẫn đầu thế giới về công nghệ, Hàn Quốc đang đưa những công cụ và công nghệ hiện đại vào lớp học để chuẩn bị cho thế hệ trẻ bước vào Cách mạng công nghiệp thứ tư.

Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, bắt đầu từ năm nay, học sinh lớp Ba và Bốn và năm đầu cấp THCS sẽ được sử dụng sách giáo khoa số - máy tính bảng với kết nối Internet để tải nội dung giáo dục.

Bên cạnh đó, học sinh lớp Bảy đang theo học tại 1.351 trường THCS sẽ học phần mềm như là yêu cầu cốt lõi trong giáo dục thế hệ trẻ.

Vào năm 2020, toàn bộ học sinh từ lớp Năm đến lớp Chín (năm cuối THCS) sẽ học phần mềm như môn bắt buộc. Cũng vào năm 2020, sách giáo khoa số sẽ được cấp tới học sinh lớp Năm, Sáu, Tám và Chín.

Đối với học sinh THCS và THPT tại thành phố đông dân nhất Hàn Quốc, Sở Giáo dục Seoul đã thiết kế 8 “môn học hoàn toàn mới” mà phản ánh xu hướng công nghệ của kỉ nguyên hiện đại, bao gồm phân tích dữ liệu, học máy tính, thiết bị lập trình…

Trong khi những môn học “hướng tới tương lai” này được phổ biến dạy tại những trường chuyên biệt và trường nghề, những trường trung học khác cũng có thể lựa chọn đưa vào chương trình giảng dạy.

Tại tỉnh Bắc Gyeongsang, số trang trại côn trùng tăng 63% năm ngoái, từ 244 lên 398 hộ đi kèm tăng 209 nhân công.

Từ năm 2014, khi có 68 hộ nuôi côn trùng, ngành nghề này mở rộng nhanh hàng năm.

Năm 2017, nguồn thu từ nghề này đạt 4,2 tỉ won, mức tăng hàng năm là 50% - gấp nhiều lần so với mức 500 triệu won năm 2014.

Nâng tầm ngành nuôi côn trùng

Các loại côn trùng được nuôi gồm bọ cánh cứng hoa đốm trắng, dế, bọ cánh cứng tê giác Nhật, sâu đục sên và bọ cánh cứng Myanmar. Những con bọ cánh cứng hoa đốm trắng mang về doanh số 2,8 tỉ won.

Côn trùng được nuôi chủ yếu cho mục đích làm thực phẩm, giáo dục và nuôi cảnh.

Nông dân bán côn trùng trực tiếp cho khách hoặc qua các kênh trực tuyến. Hơn 70% trang trại côn trùng là quy mô nhỏ với diện tích chưa tới 200 m2.

Cách khu vực này 200 km, thành phố lớn nhất Hàn Quốc đang nhắm tới đào tạo thêm chuyên gia côn trùng. Trung tâm công nghệ nông nghiệp Seoul mới đây cho biết sẽ mở các khoá đào tạo miễn phí cho 35 học viên về côn trùng với các chủ đề về viễn cảnh ngành công nghiệp côn trùng, làm thế nào điều hành trang trại côn trùng thông minh.

Những học viên tốt nghiệp được kỳ vọng sẽ nâng tầm ngành nuôi côn trùng lên một tầm cao mới đáp ứng đòi hỏi của thị trường trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ