Ngày càng thiếu SV
Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc đang giảm xuống còn nhanh hơn cả tốc độ dân số già ở Nhật Bản. Số SV mới tốt nghiệp trung học có thể không đủ để đáp ứng mục tiêu tuyển sinh của từng trường ĐH. Các biện pháp đang được tiến hành để đối phó với vấn đề trên nhưng vẫn duy trì số lượng và chất lượng các cơ sở GD bậc cao.
Trường ĐH Gachon ở Seongnam, tỉnh Gyeonggi, có khoảng 20.000 SV. Đây là kết quả sáp nhập của một loạt các trường ĐH vào năm 2012. Cũng giống như các vụ sáp nhập tập đoàn, những trường nhỏ và trung bình cũng phải kết hợp lại vào thời điểm mà các trường ĐH phải cạnh tranh để tồn tại.
“Mục tiêu của chúng tôi là sử dụng tiền tiết kiệm được để thu hút những giáo sư tốt nhất, xây dựng môi trường học tập tốt nhất và tăng danh tiếng của trường” – giáo sư Paik Seoun-woo – người chịu trách nhiệm về cải cách trường ĐH cho biết.
Hàn Quốc đã chứng kiến mức tăng số lượng các trường ĐH trong những năm 90 để đáp lại nhu cầu xã hội về dân số cần được học hành tốt hơn. Năm 2004, chính phủ đã đưa ra một “kế hoạch tái thiết” nhằm đối phó với vấn đề “các trường ĐH chất lượng tồi”.
Hiện nay, nếu một trường ĐH gặp khó khăn về tài chính hay không tuyển đủ SV theo mục tiêu, chính phủ sẽ cắt bớt tài chính và buộc trường phải sáp nhập. Nếu cần thiết, trường có thể sẽ phải đóng cửa.
Theo Viện nghiên cứu Hàn Quốc, 5 trường ĐH đã bị buộc phải đóng cửa kể từ năm 2004, trong khi đó có thêm 40 trường phải cấu trúc lại.
Hiện tại có 350 trường ĐH và CĐ ở Hàn Quốc, tuy nhiên, xem xét nhanh con số tuyển sinh thì 118 trường sẽ bị coi là thừa trong 7 hoặc 8 năm nữa.
Xếp hạng để tuyển sinh
Kế hoạch tái cấu trúc lại trường ĐH có một mục tiêu xa hơn, đó là cải thiện chất lượng của những trường học hàng đầu cả nước.
“Chúng tôi chỉ có tiền nên nếu muốn cải thiện sức cạnh tranh và chỗ đứng trên thế giới, chúng tôi phải chuyển các quỹ công vào những trường có chất lượng GD và nghiên cứu tốt nhất” – ông Kim nói.
Chính phủ sẽ sớm tuyên bố một khung làm việc về quản lý trường học. Bắt đầu từ năm sau, các ĐH sẽ được xếp hạng như là “xuất sắc” hay “tốt”. Số SV sẽ được phân bố theo xếp hạng đó. Quỹ của chính phủ cho các ĐH ở 2 hạng thấp nhất sẽ được giảm thiểu tối đa.
Nếu sau đó họ không cố gắng, họ sẽ buộc phải đóng cửa.
“Chúng tôi sẽ có thể mất từ 30 đến 50 trường ĐH trong khoảng 10 năm” – ông Kim nói.
Giáo sư Bae Sang-hoon của ĐH Sungkyunkwan từng là chủ tịch của nhóm nghiên cứu cải cách của Bộ GD Hàn Quốc, ông có ý kiến riêng của mình về vấn đề này: “Nếu chúng ta để cho nhu cầu thị trường tự quyết định, các trường ĐH khu vực sẽ không tồn tại nổi. Có một vài lĩnh vực mà chính phủ phải tham gia”.
Nhật Bản cũng phải đối mặt với vấn đề tỷ lệ sinh giảm và cung quá cầu. Tại Nhật, 40% các trường ĐH tư nhân (232 trường), không thể tuyển đủ SV trong năm 2013. Điều này giải thích tại sao việc tái cấu trúc lại trường ĐH đã trở thành một chủ đề nóng ở Nhật kể từ năm 2000.
Trong năm tài khóa 2008, Đh Keio đã sáp nhập với trường Dược Kyoritsu, trong khi đó năm tới trường ĐH Kwansei Gakuin sẽ sáp nhập với ĐH Siewa. Bên cạnh đó, năm 2010, 5 trường ĐH đã tuyên bố dừng tuyển sinh, tiếp đó năm 2013 có thêm 3 trường nữa làm tương tự.
Giáo sư Hiroto Ide của ĐH Nagasaki và là một chuyên gia về GD Hàn Quốc tin rằng cần phải làm một điều gì đó. “Hàn Quốc đã xây dựng một khung để chính phủ can thiệp mạnh mẽ vào GD bậc cao. Điều này có thể lạ lẫm theo cách của Nhật Bản, nhưng chúng ta không thể ngồi yên và không làm gì cả”.
Sau khi đạt đỉnh điểm vào năm 2012, số HS tốt nghiệp PTTH ở Hàn Quốc bắt dầu giảm xuống 630.000 vào năm 2013. Lúc này, có 560.000 chỗ học ĐH đang chờ họ.
Tuy nhiên, sau 5 năm nữa, số chỗ học sẽ vượt qua số HS tốt nghiệp phổ thông. Ông Kim Jae-kum – người đứng đầu Cục chính sách ĐH của Bộ GD Hàn Quốc lo ngại: “trong 10 năm nữa, sẽ thừa 160.000 chỗ học” – ông nói.