Cháu trai của ông Lưu là anh Tiêu (sinh năm 1977, sống tại tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc) bị mắc bệnh tâm thần và đột nhiên mất tích vào hồi đầu năm. Tới tháng 3/2020, gia đình báo cáo lên công an tỉnh Trùng Khánh yêu cầu nhờ giúp đỡ.
Vào hôm 2/4, ông Lưu nhận được thông báo từ cảnh sát báo rằng anh Tiêu có thể đang ở trong Bệnh viện Trung y Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang). Ngay ngày hôm sau, ông Lưu cùng mẹ của anh Tiêu (đã ngoài 70 tuổi) cùng một số người thân đã nhanh chóng đến Ôn Châu bằng máy bay để đón con về nhà.
Tuy nhiên, khi tới bệnh viện, các bác sĩ tại đây lại nói rằng anh Tiêu mắc bệnh truyền nhiễm do bệnh lao gây ra và tình trạng rất nghiêm trọng, đề nghị được chuyển bệnh nhân tới Bệnh viện nhân dân Ôn Châu số 6. Thế nhưng, do tình trạng của anh Tiêu rất nghiêm trọng, cơ hội sống sót khá mong manh mặc dù có được chuyển viện lên tuyến trên đi chăng nữa.
Sau khi thảo luận, ông Lưu và người thân quyết định không chuyển viện và anh Tiêu đã trút hơi thở cuối cùng tại đây. Để ngăn chặn bệnh truyền nhiễm không lây lan, thi thể của anh Tiêu được chuyển thẳng tới nhà tang lễ địa phương ở tỉnh Trùng Khánh.
Mong muốn con trai có một tang lễ đàng hoàng nên mẹ già ngoài 70 tuổi tổ chức đám tang và mua đất chôn cất theo phong tục của địa phương. Cụ bà đã chi ra 140.000 tệ (gần 460 triệu đồng) cho tang lễ của con trai.
Tuy nhiên, khi cỏ còn chưa kịp xanh mộ, ông Lưu lại nhận được một cuộc gọi từ sở cảnh sát tỉnh Trùng Khánh vào ngày 26/5 khiến ông lạnh gáy. Cảnh sát nói rằng họ tìm thấy một người đàn ông vô gia cư tại trạm cứu hộ ở Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây. Người đàn ông này nói rằng anh ta họ Tiêu.
Khi nghe được thông tin này, ông Lưu vô cùng sốc, bủn rủn chân tay và toát mồ hôi lạnh vì rõ ràng ông vừa tổ chức đám tang cho cháu trai xong sao bây giờ lại xuất hiện một cháu trai nữa? Nếu cháu trai ông thực sự còn sống vậy người nằm dưới đất lạnh kia là ai?
Với sự giúp đỡ của cảnh sát và bộ phận dân sự, anh Tiêu trở về nhà an toàn vào ngày 5/6. Do mắc bệnh tâm thần nên anh Tiêu không thể nói rõ anh ta đã đi đâu, trải qua những việc gì, sinh sống ra sao trong những ngày qua.
Cuối cùng, cháu trai của ông Lưu không chết. Trước đó, gia đình ông Lưu đã nhận sai người. Về vấn đề này, ông Lưu nói rằng, vào thời điểm đó, các bác sĩ nói người đàn ông đang mắc một căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng và đeo mặt nạ dưỡng khí. Bác sĩ cũng nhấn mạnh tới việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh nên gia đình ông Lưu không thể đứng gần nhận cháu.
Ông Lưu tin rằng sự cố này là do sai lầm của bệnh viện. Vì người chết không phải là cháu trai họ, họ không nên chi trả chi phí mai táng và chi phí y tế lớn đến như vậy. Gia đình ông Lưu đã yêu cầu bệnh viện bồi thường lại số tiền đó.
Về vấn đề này, ông Lưu Hiểu, giám đốc khoa cấp cứu của Bệnh viện Trung y Ôn Châu cho biết: "Bác sĩ không thể xác định được danh tính của bệnh nhân mà phải thông qua trạm cảnh sát. Anh ấy được đưa tới bệnh viện của chúng tôi để điều trị khẩn cấp bởi Sở cảnh sát Nam Giao. Với thẻ ID của anh Tiêu, bác sĩ đã chụp ảnh trên thẻ căn cước và đối chiếu với bệnh nhân. Cảm thấy giống nhau nên chúng tôi đã chụp lại thẻ căn cước và gửi tới đồn cảnh sát".
Chu Tịnh, y tá trưởng của khoa cấp cứu nói rằng, bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm và không đeo mặt nạ dưỡng khí mà chỉ đeo khẩu trang y tế. Bên cạnh đó, họ cũng đã đặc biệt yêu cầu người nhà xác nhận thân nhân.
"Vào thời điểm đó có 4 thành viên trong gia đình đã đến đây, mẹ và chị gái đã ở đây chăm sóc bệnh nhân một đêm mà tại sao không thể nhận ra con mình chứ? Nếu gia đình không thể nhận ra thì làm sao những nhân viên y tế như chúng tôi nhận ra được chứ?", Chu Tịnh bức xúc.
Cuối cùng, tòa tuyên án các bác sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ thông báo và cứu người, các thành viên trong gia đình cũng không đưa ra bất kỳ ý kiến phản bác nào. Về vấn đề bồi thường, họ đề nghị gia đình của ông Tiêu có thể đến lấy từ kênh tư pháp.