Ngồn ngộn chất liệu đời sống
Số lượng phim hài năm nay sẽ nhiều hơn năm ngoái với ngót nghét gần hai chục phim. Các nhà sản xuất hài Tết luôn cố gắng khai thác triệt để các sự kiện nóng để sản phẩm hài Tết vừa mang tiếng cười vui vẻ ngày xuân nhưng cũng mang hơi thở cuộc sống.
Khi thác nguồn chất liệu cuộc sống, các nhà sản xuất hài Tết đã nỗ lực gửi gắm vào đó những triết lý nhân sinh. Những câu chuyện đời thực hoặc trào lưu xã hội như chuyện làm mẹ đơn thân, phẫu thuật thẩm mỹ, chạy đua với công nghệ 4.0, thu phí BOT, tệ nạn mua chức - chạy quyền, tham ô - tham nhũng, bán hàng đa cấp, … đều được xoáy trong “Tiền duyên”, “Cưới đi kẻo ế 3”; “Làng ế vợ 5”; “Tiền đồ 4 - Doanh nhân mồm”...
Thị trường hài tết 2019 khởi sắc với sự xuất hiện của các đạo diễn NSND Khải Hưng - “Cưới đi kẻo ế 3”, Bùi Thọ Thịnh -“Ván cờ vồ 6 – Siêu nhân hậu đậu” và đạo diễn Danh Sơn -“Tiền duyên”...
Bên cạnh đó, Tết Kỷ Hợi sẽ rộn tiếng cười với những phim hài“Tỷ phú đè đại gia 2”, “Bản nhiều vợ”, “Ngoan lại không có quà 2”, “Tiền đồ 4”, “Duyên hẹn”, “Đại gia chân đất 9”…
Phim hài dân gian duy nhất năm nay -“Trạng Quỳnh”của đạo diễn Đức Thịnh đã hé lộ những hỷ, nộ, ái, ố vừa lãng mạn hài hước, vừa gay cấn, đầy kịch tính kịch tính. Khán giả đang chờ đợi sự khẳng định khả năng diễn xuất của diễn viên trẻ Trần Quốc Anh và cú lột xác của Trấn Thành và Nhã Phương.
Ngoài những cây hài quen thuộc của hai miền, hài Tết năm nay có thêm nhiều gương mặt mới: Diễn viên Bảo Anh, ca sĩ Hoa Trần, Hoa khôi trí tuệ Vi Ngọc Lan, hotgirl “triệu view” Hana Phan, “nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh… Làng hài Tết phía Bắc đánh dấu sự quay trở lại của nhiều tên tuổi. Khán giả sẽ được gặp lại NSƯT Thanh Tú, NSND Bùi Bài Bình, NSƯT Minh Vượng, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn…
Một cảnh trong “Trạng Quỳnh” |
Khán giả tinh và khó chiều hơn
Thị trường hài Tết trở thành sân chơi lớn cho các đơn vị sản xuất tư nhân. Mức cát xê hậu hĩnh cũng thu hút được nhiều nghệ sĩ tiếng tăm tham gia song việc thiếu chau chuốt về kịch bản đã khiến nhiều sản phẩm hài Tết kém chất lượng, lụy vào cảnh nóng lộ liễu, câu khách quá đà dẫn đến phản cảm khiến khán giả “dị ứng” và ngao ngán.
Theo đạo diễn Trần Bình Trọng: “Khán giả bây giờ xem hài đã khác trước, không phải hễ đưa ra cái gì họ cũng đón nhận. Những vấn đề của hài Tết khiến khán giả quan tâm phải xuất phát từ chính thực tiễn đời sống, gần gũi với tư duy và cách nhìn, cách họ muốn biểu đạt. Làm sao đưa được các vấn đề thời sự vào hài Tết và góp được những tiếng cười xây dựng buộc giới làm nghề phải trở trăn, suy nghĩ rất nhiều”.
Ở vị trí người quản lý Nhà hát Kịch Hà Nội, tham gia hài Tết trên cả vai trò nhà sản xuất và diễn viên, NSND Trung Hiếu chia sẻ quan điểm:“Nghệ thuật mà vượt qua giá trị cho phép thì thành dung tục. Khi nhận thức của khán giả tốt hơn, khán giả sẵn sàng bỏ qua những phim vớvẩn. Chính khán giả sẽ là người sàng lọc. Đạo diễn, nhà sản xuất thì rõ ràng cần phải tự sàng lọc, nếu quá sa đà câukhách thì sẽ làm mất giá trị của sản phẩm”.
Trước luồng ý kiến phê phán cảnh nóng và sự gợi cảm quá đà trong các phim hài và trong cả “Đại gia chân đất”, NSND Trung Hiếu bật mí: “Năm nay phim hài“Đại gia chân đất”rất kín đáo, không có những cảnh như mọi năm. Tôi nhận lời tham gia “Tiền đồ 4 - Doanh nhân mồm” vì thấy kịch bản phim rất hay, đó là cách tiếp cận đề tài nhẹ nhàng mà sâu cay, cười đấy mà khóc đấy. Đó cũng là bài học cảnh tỉnh cho nhiều khách hàng trước cơn lốc đa cấp đang lan tràn trên thị trường”.
Hơn ai hết, các nhà sản xuất phim hài đều hiểu rõ về bản chất, cảnh nóng trên màn ảnh giống như một chút gia vị, nêm nếm quá đà sẽ trở thành phản cảm. Kịch bản hay, các gương mặt mới thú vị mới chính là dưỡng chất thu hút khán giả. Sản phẩm giải trí phục vụ công chúng không thể coi nhẹ giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ. Dù lọt được qua hội đồng duyệt kịch bản và quá trình kiểm duyệt lỏng lẻo đi chăng nữa, nếu gây phản ứng khó chịu, khiến khán giả phải “ném đá” thì sản phẩm hài đó không thể coi là thành công.
Nghệ sĩ Vượng “râu” cũng trải lòng: “Ngày trước người ta thường làm hài “sốc, sếch, sến” nhưng “trend” và gu thưởng thức của khán giả bây giờ thay đổi, không dễ định dạng. Khán giả có điều kiện được tiếp cận với nhiều kênh thông tin, thành ra họ cảm thấy nhiều thứ quá bình thường. Thế nên làm được những thứ “không bình thường” khiến khán giả chú ý là không hề dễ”.