Hai số điện thoại nóng hỗ trợ khi F0 trở nặng hoặc nhóm nguy cơ cao

GD&TĐ - Khi trong nhà có người thuộc nhóm nguy cơ cao nghi mắc Covid-19 hoặc F0 trở nặng, cần xử trí thế nào để bảo vệ người nguy cơ cũng như chuyển viện kịp thời các trường hợp trở nặng, giúp giảm nguy cơ tử vong?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhanh chóng tách riêng F0 với người thuộc nhóm nguy cơ cao

Phần lớn các trường hợp nặng và tử vong do Covid-19 trên địa bàn Thành phố có đặc điểm chung là người trên 65 tuổi và có bệnh nền, có trường hợp vẫn chưa tiêm vắc xin.

Do đó chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ đã được triển khai và thực tế đã cho thấy hiệu quả khi số tử vong của thành phố hiện đang ở mức tháp.

Trước tình hình dịch bệnh đang gia tăng do Omicron thì việc bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ vẫn là biện pháp rất quan trọng.

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai chiến dịch bảo vể người thuộc nhóm nguy cơ mở rộng cho người trên 50 tuổi và người có bệnh nền ở mọi lứa tuổi.

Để bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, điều đầu tiên là cách ly ngay người mắc Covid19 với người nguy cơ để giảm thiểu thấp nhất nguy cơ mắc Covid-19.

Bên cạnh đó cần thực hiện việc theo dõi sát tình hình sức khỏe, dấu hiệu bệnh của người thuộc nhóm nguy cơ để phát hiện và điều trị sớm.

Nếu F0 trong gia đình là trẻ em, cần phải cách ly trẻ, không để tiếp xúc với người thuộc nhóm nguy cơ cao trong gia đình.

Nếu gia đình không đủ điều kiện cách ly riêng, thì người nhà nên cho trẻ nhập viện các bệnh viện Nhi để điều trị.

Nếu người nguy cơ có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 (sốt, ho, đau họng, rát họng, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, đau mỏi người, đau cơ, mất vị giác, mất khứu giác …) thì đến ngay cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tự xét nghiệm Covid-19 hoặc thông báo cho y tế địa phương.

Điều quan trọng tiếp theo, nếu người thuộc nhóm nguy cơ xác định mắc Covid-19 thì cần đảm bảo họ được sử dụng ngay thuốc Molnupiravir.

Chú ý những dấu hiệu F0 trở nặng

Người thuộc nhóm nguy cơ khi mắc Covid-19 có thể cách ly điều trị tại nhà nhưng cần phải được theo dõi sát, đo nhiệt độ, đếm nhịp thở, đo spO2 (nếu có) và lắng nghe chính xác các biểu hiện của cơ thể. Cần chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng bao gồm: Khó thở, thở nhanh, spO2 bằng hoặc dưới 96%, đau tức ngực, tím tái, lơ mơ không tỉnh táo... báo ngay cho nhân viên y tế để được xử trí kịp thời.

Khó thở, thở hụt hơi, hoặc khó thở tăng lên khi vận động (đứng lên, đi lại trong nhà) hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào. Nhịp thở đếm trong vòng 1 phút (ở trẻ em đếm khi trẻ nằm yên không khóc).

Nhịp thở tăng khi nếu ≥ 20 lần/phút ở người lớn, ≥ 30 lần/phút ở trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi và ≥ 40 lần/phút ở trẻ em từ 1 đến dưới 5 tuổi.

Khi đo thấy SpO2 ≤ 96% thì đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo.

Cần liên hệ ai để được hỗ trợ?

Khi trong nhà có người thuộc nhóm nguy cơ cao nghi mắc Covid-19 hoặc F0 trở nặng, có dấu hiệu suy hô hấp (thở nhanh, hoặc khó thở hoặc SpO2 dưới 96%) thì người nhà cần liên hệ đến Trạm y tế/Trạm Y tế lưu động nơi cư trú để được hỗ trợ xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất.

Nếu gọi không được thì có thể liên hệ tiếp tổng đài 1022, hotline của HCDC, Sở Y tế để được hỗ trợ.

Hai số điện thoại nóng hỗ trợ khi F0 trở nặng hoặc nhóm nguy cơ cao ảnh 1

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ