Hơn 3 năm trạm BTS này không thanh toán nghĩa vụ tài chính cho chủ nhà. Đặc biệt, BTS này không thực hiện kiểm định chất lượng công trình cũng như sửa chữa, bảo dưỡng.
“Bỏ quên” trạm BTS trên nóc nhà dân
Phản ánh tới báo GD&TĐ, ông Nguyễn Hữu Khánh (số 88A, Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng cho hay, hơn 3 năm nay Công ty Gtel Mobile không thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trạm BTS này cũng không được kiểm định chất lượng, sửa chữa, bảo dưỡng. Vì thế, trạm BTS này đang ngày một xuống cấp, có nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình ông và các hộ dân xung quanh.
Theo nội dung đơn ông Khánh trình bày, ngày 5/3/2009, Công ty Gtel Mobile) ký hợp đồng với ông để thuê diện tích lắp đặt trạm ăng ten Viễn thông mã trạm HP2265B. Ngay sau đó, công ty đã tiến hành lắp đặt thiết bị.
Hợp đồng quy định rõ các điều khoản giá cả, phương thức thanh toán, thời điểm thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên rõ ràng. Trong đó, phía Công ty Gtel Mobile có trách nhiệm thanh toán đầy đủ và đúng hạn, chấp hành các quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường tại phần thuê.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2017 đến nay, Công ty Gtel Mobile không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Cũng từ đó, công ty này không thực hiện kiểm định, sửa chữa, bảo dưỡng công trình.
Bà Trần Thị Lan (vợ ông Khánh) chia sẻ, phía công ty không duy trì trạm phát sóng thì phải thông báo cho gia đình biết và phải có phương án xử lý. Trạm BTS không được kiểm định, bảo dưỡng, dẫn đến han rỉ, xuống cấp. Đặc biệt, từ khi lắp đặt trạm, ngôi nhà của ông bà bị nứt nhiều, ngấm nước ảnh hướng lớn tới sinh hoạt của gia đình. Để trạm BTS “hoang hóa” còn ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân xung quanh. Hơn nữa cạnh nhà bà còn có hàng trăm học sinh trường THCS Phan Bội Châu đang theo học.
Trách nhiệm thuộc về ai khi hậu quả xảy ra?
Theo ghi nhận, trạm BTS được lắp đặt trên nóc nhà ông Khánh có dấu hiệu xuống cấp. Cột ăng-ten bong tróc sơn. Bu-lông liên kết các thiết bị, đai ốc siết cáp gỉ sét. Bề mặt móng bê tông của cột ăng-ten đọng nước… Căn nhà có nhiều vết nứt.
“Do sức nặng của trạm BTS căn nhà của gia đình tôi hiện nay đang bị nghiêng sang một bên. Điều này gây nguy hiểm và đe dọa đến sự an toàn của gia đình tôi và các hộ dân xung quanh. Chúng tôi luôn phải sống trong lo sợ về sự mất an toàn từ trạm BTS đã cũ khi mùa mưa bão sắp đến”, ông Khánh cho hay.
Ông Vũ Đình Hiếu, hàng xóm nhà ông Khánh cho rằng, để trạm BTS ở đây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân xung quanh. Mùa mưa bão sắp đến, trạm BTS han rỉ lại không được bảo dưỡng, nếu xảy ra thiệt hại về người ai chịu trách nhiệm?
Ông Khánh nhiều lần liên lạc với Công ty Gtel Mobile để tìm cách giải quyết. Ngày 9/4, phía công ty có gửi văn bản về việc đề nghị tạm ngừng hợp đồng thuê mặt bằng, cơ sở hạ tầng lắp đặt trạm BTS. Nguyên nhân là do chưa hoàn tất thực hiện việc tái cơ cấu theo quy định Nhà nước.
Ông Khánh chia sẻ: “Sau khi nhận được thông báo, cuối tháng 4/2020 gia đình tôi đã gửi văn bản đến Gtel Mobile. Yêu cầu họ thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng, khắc phục sự cố tại trạm BTS. Thanh toán tiền thuê mặt bằng còn nợ cho gia đình tôi. Nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi đáp.”
Nhiều trạm BTS của Gtel Mobile bị “bỏ quên”
Ông Lưu Trung Mạnh, Chủ tịch UBND phường Phan Bội Châu cho hay, phường đã nhận được đơn của công dân. Đã cho người xuống kiểm tra, đồng thời làm văn bản gửi UBND quận, Sở Thông tin và Truyền thông xin ý kiến chỉ đạo. Không chỉ riêng số nhà 88, Phan Bội Châu mà trên địa bàn phường hiện nay có rất nhiều trạm BTS như vậy. Để giải quyết, cần sự chỉ đạo chung của các cấp. Liên quan đến an toàn thì quận sẽ cùng sở thẩm định công trình đó có nguy hiểm hay không.
Được biết, từ năm 2018, UBND TP Hải Phòng có kế hoạch số 153/KH-UBND về việc chỉnh trang, sắp xếp cột ăng-ten trạm thu phát sóng thông tin di động trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, đến hết năm 2019 sẽ thực hiện chỉnh trang, chuyển đổi cột ăng-ten trạm BTS loại A2a hiện trạng (cao từ 15m đến 21m) sang loại A1 (tối đa 3m) tại 62 khu vực, tuyến phố. Tại vị trí số nhà 88A, Phan Bội Châu nằm trong quy hoạch chuyển đổi này. Nhưng đến nay, trạm BTS tại nhà ông Khánh vẫn chưa được kiểm tra, chuyển đổi. Việc này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Đại diện phòng Bưu chính viễn thông, Sở thông tin và Truyền thông cho hay, bảo dưỡng vận hành trạm là trách nhiệm của doanh nghiệp. Công ty không bảo dưỡng định kỳ phải có thông tin về chất lượng công trình cho người dân. Nếu đang tái cấu trúc, chưa giải quyết được về mặt tài chính thì công ty phải có trách nhiệm với người dân về việc duy trì, bảo đảm an toàn trạm BTS.
Về phương án chuyển đổi cột ăng-ten, Sở Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu phía Gtel Mobile ra phương án. Thế nhưng phía công ty này vẫn nêu lý do là đang tái cấu trúc.