Hải Phòng thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29

GD&TĐ - Hoạt động dạy thêm, học thêm phải công khai, minh bạch để bảo vệ sự tôn nghiêm của ngành, hình ảnh của các thầy cô giáo.

Thứ Trưởng Phạm Ngọc Thưởng làm việc với Sở GD&ĐT Hải Phòng về thực hiện Thông tư 29.
Thứ Trưởng Phạm Ngọc Thưởng làm việc với Sở GD&ĐT Hải Phòng về thực hiện Thông tư 29.

Chiều 5/3, Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng làm Trưởng đoàn đã khảo sát, nắm tình hình thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định dạy thêm, học thêm tại TP Hải Phòng.

Tham gia cùng đoàn có ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông cùng lãnh đạo các Cục, đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT.

Phía Sở GD&ĐT Hải Phòng có ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc; ông Phạm Quốc Hiệu, Uông Minh Long, Đinh Minh Tuấn - Phó Giám đốc; phòng, ban chuyên môn thuộc Sở GD&ĐT; đại diện lãnh đạo Phòng GD&ĐT các quận, huyện, Hiệu trưởng trường THPT, đơn vị, trường học trên địa bàn.

Thực hiện nghiêm quy định

Tại buổi làm việc, ông Phạm Quốc Hiệu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng thông tin, năm học 2024-2025, Hải Phòng có 748 cơ sở giáo dục; 357 trung tâm ngoại ngữ, cơ sở ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, bồi dưỡng kiến thức ngoài giờ chính khoá.

Khi Thông tư 29 có hiệu lực, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã họp triển khai với 66 Hiệu trưởng các trường THPT và 14 phòng GD&ĐT quận, huyện. Sở hướng dẫn các nhà trường thực hiện nghiêm, đúng mục tiêu Chương trình GDPT 2018 đảm bảo chất lượng; Tăng cường kiểm tra, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Sở công khai nơi tiếp công dân phản ánh về dạy thêm, học thêm; Tăng cường quản lý công tác dạy học 2 buổi/ngày tại các cơ sở giáo dục.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Hải Phòng, việc triển khai Thông tư 29 tại địa phương có nhiều điểm thuận lợi như: Giúp các đơn vị quản lý giáo dục có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn để quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; Tập trung nâng cao chất lượng dạy và học trong chương trình chính khoá; Đảm bảo tính công bằng trong giáo dục, giảm bớt sự chênh lệch về cơ hội học tập giữa các học sinh.

Thông tư 29 là cơ sở để nhà giáo nêu cao tinh thần trách nhiệm với học sinh; hạn chế tối đa hiện tượng ép học sinh học thêm gây bức xúc dư luận.

tt-thuong-a2.jpg
Ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng báo cáo đoàn công tác.

Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là với các lớp học thêm tự phát và các cơ sở chưa đúng quy định; Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động này cần sự phối hợp của các đơn vị chức năng và có nguồn lực đủ mạnh; Nhu cầu học thêm của học sinh, phụ huynh còn cao, đặc biệt đối với các môn học quan trọng trong các kỳ thi, việc thay đổi nhận thức và thói quen học tập cần thời gian.

Bên cạnh đó, số lượng cán bộ làm công tác quản lý tại sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT còn ít, kiêm nhiệm nhiều việc nên theo dõi, kiểm tra thường xuyên gặp khó khăn. Việc cấp phép các hộ kinh doanh cá thể mở cơ sở dạy thêm, học thêm rất đơn giản và không có hành lang pháp lý nên rất khó quản lý. Các trường gặp khó khăn khi kinh phí dạy thêm, học thêm với 3 đối tượng học sinh trong quy định của Thông tư chưa được bố trí.

Để giải quyết khó khăn trên, ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng đề nghị Bộ GD&ĐT tham mưu trình Chính phủ có cải cách về tiền lương cho cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục để đảm bảo đời sống; Có những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tới các tỉnh, thành phố về nguồn ngân sách bổ sung cho công tác dạy thêm, học thêm trong nhà trường; Sớm ban hành hướng dẫn cụ thể pháp lý cho các cơ sở dạy thêm, học thêm; Ban hành hướng dẫn mới về tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; Việc ra đề thi tốt nghiệp THPT cần phân hoá các đối tượng.

Bồi dưỡng năng lực tự học

Theo cô Cao Tố Nga - Hiệu trưởng THPT Ngô Quyền (quận Lê Chân), thực hiện Thông tư 29 dù còn nhiều tâm tư, khó khăn nhưng cán bộ, giáo viên nhà trường thống nhất quan điểm thực hiện nghiêm quy định dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, cô Nga cũng bày tỏ, trong giai đoạn này mong địa phương đồng hành, giúp đỡ, để thầy cô có thể hỗ trợ được học sinh đặc biệt học sinh cuối cấp đảm bảo chất lượng giáo dục. Nhà trường cũng rất quan tâm và mong muốn có hành lang pháp lý đáp ứng nhu cầu ôn tập của học sinh để tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Báo cáo về công tác dạy thêm, học thêm tại trường, thầy Nguyễn Minh Quý - Hiệu trưởng THPT Mạc Đĩnh Chi ( quận Dương Kinh) cho hay, việc dạy thêm, học thêm nhiều năm đã thành thói quen với học sinh. Khi Thông tư 29 có hiệu lực, cha mẹ học sinh rất lo lắng chất lượng giáo dục và vấn đề tự học của học sinh. Đặc biệt, việc quản lý con em vào thời gian rảnh.

Tuy nhiên, theo thầy Quý, để phát huy tính nhân văn của Thông tư 29, nhà trường triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, trường tăng cường truyền thông, không để học sinh hoang mang; không ngắt quãng quá trình học tập của các em; không mất kết nối giữa thầy cô với học sinh; quán triệt hội đồng giáo dục nhà trường gìn giữ hình ảnh, tư cách của người thầy.

Bên cạnh việc ôn thi cho học sinh cuối cấp, nhà trường xây dựng phong trào tự học cho học sinh. Các em có thể tự học ở nhà, học nhóm, học qua phần mềm, app... Đến nay, có 30/42 lớp thành lập nhóm tự học. Nhà trường bổ sung thêm 15 hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao... để học sinh có thể tham gia.

tt-thuong-a3.jpg
Đại biểu thông tin về việc triển khai Thông tư 29 tại địa phương.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hồng Bàng chia sẻ, ngay khi Thông tư có hiệu lực, phòng GD&ĐT quận đã tham mưu cho UBND quận ban hành văn bản chỉ đạo các phòng, ban và các trường thực hiện các quy định dạy thêm, học thêm. Đồng thời thống kê, các cơ sở, trung tâm dạy thêm, học thêm cùng phối hợp các đơn vị kiểm tra tính pháp lý. Ngành Giáo dục Hồng Bàng triển khai nhiều giải pháp hướng dẫn học sinh tự học; yêu cầu giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá.

Báo cáo đoàn công tác, thầy Đoàn Thái Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Phú (quận Hải An) cho biết, nhà trường triển khai một số giải pháp tổ chức học thêm và nghiên cứu xây dựng câu lạc bộ sở thích môn học trong nhà trường nhưng còn vướng mắc về cơ chế và kinh phí. Nhà trường rất mong được hướng dẫn, tháo gỡ.

Thống nhất quan điểm thực hiện nghiêm quy định dạy thêm, học thêm, bà Nguyễn Thị Minh Thu - Trường phòng GD&ĐT quận Hải An cho hay, học sinh có thời gian tự học, giáo viên cũng có nhiều thời gian rảnh và không còn dư luận xấu trong việc dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, ngành băn khoăn việc bố trí kinh phí cho giáo viên dạy thêm theo quy định với các đối tượng được phép.

Toàn ngành đồng tâm, đồng lực

Tại chương trình, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông giải đáp một số băn khoăn về điều kiện, quy định hoạt động của các cơ sở dạy thêm, căn cứ để đưa ra quy định giáo viên không được dạy thêm học sinh của mình đang dạy trên lớp... Đại diện các cục, vụ thông tin về các quy định kiểm tra, giám sát, xử lý trường hợp vi phạm quy định dạy thêm, học thêm.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay, qua báo cáo của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng, các ý kiến chia sẻ của hiệu trưởng, lãnh đạo phòng GD&ĐT cho thấy, Hải Phòng đã nhanh chóng chuyển trạng thái và thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Không phủ nhận rằng, dạy thêm là nhu cầu có thực nhưng dạy thêm, học thêm tràn lan dẫn đến nhiều hệ luỵ. Nếu dạy thêm, học thêm có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm thì Thông tư không cấm. Vì hoạt động này phải công khai, minh bạch, rõ ràng để bảo vệ tôn nghiêm của ngành, hình ảnh của các thầy cô giáo.

Toàn ngành quyết tâm thực hiện nghiêm quy định của Thông tư. Nhưng để thực hiện tốt, hiệu quả quy định cần sự nỗ lực lớn của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành. Thầy cô cần nghiên cứu kỹ để triển khai quy định cho đúng. Từ đó có nhiều mô hình, tấm gương nhà giáo đổi mới, sáng tạo, tận tuỵ vì học sinh. Đồng thời khuyến khích học sinh tự học, học nhóm, học qua phần mềm.

tt-thuong-a4.jpg
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định: Hải Phòng đã nhanh chóng chuyển trạng thái và thực hiện nghiêm quy định của Thông tư 29.

Thứ trưởng cho rằng, Chương trình GDPT 2018 chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất của người học; học đi đôi với hành; giáo dục trong nhà trường gắn liền với giáo dục ngoài xã hội.

Qua kiểm tra, làm việc với địa phương, Bộ GD&ĐT, sẽ ghi nhận, đánh giá, giải đáp thắc mắc, đồng thời sẽ có hướng dẫn cụ thể để thực hiện tốt Thông tư 29.

Thứ trưởng yêu cầu, để thực hiện tốt Thông tư, ngành giáo dục cần đề cao vai trò cán bộ quản lý các cấp trong việc quán triệt tuyên truyền, định hướng, phân tích; đề cao tính tự tôn, tự trọng của đội ngũ thầy cô; đề cao mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Bên cạnh đó, ngành cần đổi mới dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá; đổi mới phương thức tuyển sinh; tăng cường cơ sở vật chất; thi đua khen thưởng kịp thời; tăng cường phối hợp giữa ngành giáo dục và các ngành khác để chấn chỉnh quyết liệt, nghiêm túc hoạt động dạy thêm, học thêm; quan tâm nâng cao đời sống của nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh máy bay thế hệ 6 của Trung Quốc được công bố.

'Bay tới từ tương lai'

GD&TĐ - "Chưa ai từng làm điều này trước đây" - các chuyên gia từ nhiều quốc gia thảo luận về máy bay chiến đấu mới nhất của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Ông Lavrov mạnh mẽ kêu gọi giải tán NATO

GD&TĐ -Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ giải thể NATO, mà ông cho rằng, đã mất đi mục đích của nó kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Minh họa/INT

Sự khởi đầu tích cực

GD&TĐ - Cả Mỹ và Iran đều tỏ ra hài lòng về cuộc thương thảo giữa hai bên diễn ra ngày 12/4 ở Oman.