Theo đó, gần đây dư luận xôn xao trước vụ việc hàng chục người thuộc xã Ia Khai (huyện Ia Grai, Gia Lai) rủ nhau ra Hải Phòng để thi sát hạch cấp bằng lái xe. Điều "bất thường" khiến dư luận ngạc nhiên là việc học và thi lấy GPLX tại trung tâm sát hạch lái xe Hoàng phương và Nam Triệu chỉ trong vòng 2 tuần.
Trước thông tin đó, Công an huyện Ia Grai đã vào cuộc xác minh. Kết quả là, trên địa bàn huyện có 91 trường hợp người dân ở các làng Jăng Krái 1, Jăng Blo, Jăng Krái 2, Ếch, Yom, Tung, Nú thuộc xã Ia Khai đi thi GPLX ô tô tại một số trung tâm đào tạo lái xe và sát hạch ở các tỉnh, thành khác. Trong số này có đến 38 trường hợp người dân tộc thiểu số thi sát hạch lái xe ở Hải Phòng.
Nguyên nhân khiến nhiều người dân bất chấp đường sá xa xôi chọn Hải Phòng là điểm thi cấp GPLX vì họ được “rỉ tai” về chế độ “mở” tại các trường dạy lái xe ở Hải Phòng khi thời gian vừa học vừa thi rất nhanh gọn, chỉ trong vòng hai tuần.
Trong khi đó, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định rất rõ về công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX .
Cụ thể, về Hình thức đào tạo, tại Điều 8 của Thông tư quy định: Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3, A4 và ô tô hạng B1 được tự học các môn lý thuyết, nhưng phải đăng ký tại cơ sở được phép đào tạo để được ôn luyện, kiểm tra; riêng đối với các hạng A4, B1 phải được kiểm tra, cấp chứng chỉ đào tạo.
Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng B2, C, D, E và giấy phép lái xe các hạng F phải được đào tạo tập trung tại cơ sở được phép đào tạo và phải được kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo. Trong thời hạn trên 1 năm kể từ ngày cơ sở đào tạo kết thúc kiểm tra, xét công nhận tốt nghiệp khóa đào tạo, nếu không kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo thì phải đào tạo lại theo khóa học mới.
Đợt thi cấp GPLX ngày 17/1 của Trung tâm sát hạch lái xe Nam Triệu vẫn diễn ra bình thường |
Về thời gian đào tạo, theo Điều 12 về Đào tạo lái xe các hạng A1, A2, A3, A4 của thông tư này quy định: Hạng A1: 12 giờ (lý thuyết: 10, thực hành lái xe: 2); Hạng A2: 32 giờ (lý thuyết: 20, thực hành lái xe: 12); Hạng A3, A4: 80 giờ (lý thuyết: 40, thực hành lái xe: 40).
Các môn kiểm tra: Pháp luật giao thông đường bộ đối với các hạng A2, A3, A4; Thực hành lái xe đối với các hạng A3, A4.
Điều 13 Đào tạo lái xe các hạng B1, B2, C quy định thời gian đào tạo: Hạng B1: Xe số tự động: 476 giờ (lý thuyết: 136, thực hành lái xe: 340); Xe số cơ khí (số sàn): 556 giờ (lý thuyết: 136, thực hành lái xe: 420); Hạng B2: 588 giờ (lý thuyết: 168, thực hành lái xe: 420); Hạng C: 920 giờ (lý thuyết: 168, thực hành lái xe: 752).
Quy định này được áp dụng đối với các trường dạy nghề lái xe trong cả nước. Tuy nhiên, trước phản ánh của người dân về cách làm “lạ” của một số trường dạy nghề tại Hải Phòng, Tổng Cục Đường bộ yêu cầu Sở GTVT Hải Phòng kiểm tra, rà soát hồ sơ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quy trình quản lý và thực thi nhiệm vụ đối với công tác tiếp nhận, quản lý báo cáo đăng ký sát hạch lái xe của Sở trong thời gian vừa qua.
Ngay trong ngày 16/1, Sở GTVT vào cuộc, thành lập đoàn thanh tra bước đầu tiến hành kiểm tra tại 2 trung tâm sát hạch theo phản ánh là Nam Triệu và Hoàng Phương. Thời gian kiểm tra trong vòng 4 ngày.
Tổng Cục cũng đề nghị Sở GTVT Hải Phòng kiểm tra, xác minh các nội dung trên và gửi về Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước ngày 20/1/2019. Sau khi có kết quả rà soát, Tổng cục Đường bộ sẽ thẩm tra và thành lập tổ kiểm tra hoạt động đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) tại Hải Phòng.
Được biết, không riêng gì người dân ở Gia lai ra Hải Phòng thi sát hạch lái xe, mà rất nhiều người dân ở các tỉnh khác cũng đổ về Hải Phòng để thi.
Chị Nguyễn T. H (quận Lê Chân, Tp. Hải Phòng) một học viên vừa học và thi cấp GPLX ô tô hạng B2 tại Trung tâm sát hạch lái xe Nam Triệu chia sẻ: Tôi vừa thi cấp GPLX ngày 4/1 vừa qua. Tại trường thi tôi cũng trò chuyện cùng nhiều học viên khác. Được biết, không riêng gì người Hải Phòng đăng ký thi cấp GPLX tại đây mà còn rất nhiều người dân tại các tỉnh thành khác về thi như Bắc Giang, Nam Định, Điện Biên.
Cũng theo chị H, không những được tạo điều kiện về thời gian học và thi rút ngắn, mà các học viên thi tại trung tâm này còn được tạo điều kiện ở phần thi lý thuyết và phần thi thực hành trên đường khi có “cơ chế” với nhà trường (?).
Thực hư thông tin trên, phóng viên liên hệ với lãnh đạo Trung tâm sát hạch lái xe Nam Triệu để làm rõ nhưng vị này cáo bận do phải tiếp đoàn thanh tra của Sở GTVT Hải Phòng.
Báo GD&TĐ sẽ tiếp tục thông tin.