Hải Phòng: Dừng các hoạt động du lịch tại khu du lịch Cát Bà

GD&TĐ - Thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) chuyển từ vùng dịch cấp độ 3 lên vùng dịch cấp độ 4 (vùng đỏ), huyện Cát Hải yêu cầu dừng các hoạt động lưu trú, nghỉ dưỡng, tham quan tại Khu du lịch Cát Bà.

Khu du lịch Cát Bà
Khu du lịch Cát Bà

Tính đến 15 giờ chiều ngày 12/1, huyện Cát Hải phát sinh thêm 9 ca mắc Covid-19 mới, 4 ca nhiễm tại thị trấn Cát Bà, 1 ca nhiễm tại thị trấn Cát Hải, 1 ca nhiễm tại xã Nghĩa Lộ...

Trong đó, các trường hợp chuyển từ F1 lên F0 là 5, chưa xác định được nguồn lây 1 trường hợp, 3 trường hợp còn lại trong khu công nghiệp. Cũng trong ngày 12/1, huyện phát sinh thêm 94 mẫu xét nghiệm, trong đó 83 mẫu test nhanh (có 5 mẫu dương tính), 11 mẫu xét nghiệm PCR đang chờ kết quả. Toàn huyện đang điều trị 107 trường hợp, có 214 trường hợp đã khỏi bệnh.

Hiện tại, thị trấn Cát Bà, xã Văn Phong, xã Nghĩa Lộ, xã Đồng Bài áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đối với quy mô cấp độ 4.

Các địa phương này đều ra thông báo yêu cầu người dân không tổ chức hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời; ngừng hoạt động các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, cưới hỏi; ngừng các hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch, lễ hội, biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao; nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được phép bán hàng mang về, không được phục vụ khách tại chỗ…

Trước đó, ngày 12/1, UBND TP Hải Phòng ban hành văn bản số 274/UBND-VX về việc tăng cường công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch trong dịp Tết Nhâm Dần.

UBND thành phố yêu cầu mọi người dân thực hiện nghiêm biện pháp 5K, đặc biệt nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe cho chính mình, cho gia đình mình, cho cộng đồng; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; UBND các quận, huyện, xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là các biện pháp ứng phó với biến chủng mới Omicron.

Sở Y tế, UBND các quận, huyện đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng, hoàn thành tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên trong tháng 1/2022 và liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên; rà soát không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine; sau khi rà soát, khẩn trương tiêm đủ liều cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên; bảo đảm an toàn trong tiêm chủng.

Quản lý, bảo vệ tối đa các đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai) đảm bảo được tiêm chủng đủ liều, được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, tốt nhất ngay tại địa phương (xã/phường/thị trấn); tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động, bố trí tiêm tại nhà cho những người đi lại khó khăn…

Các tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố tăng cường thực hiện việc thiết lập Điểm quét mã QR và cài đặt ứng dụng PC-Covid. Đẩy mạnh việc sử dụng ứng dụng quản lý tiêm chủng Covid-19 và cập nhật thường xuyên số liệu về đối tượng tiêm chủng, số liều vắc xin sử dụng.

Tăng cường điều trị tại nhà đối với các đối tượng F0 nhẹ và không triệu chứng; kịp thời điều phối lực lượng hỗ trợ khi cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…