Hải Phòng: Chủ cơ sở san chiết gas trái phép có thể bị xử lý hình sự

GD&TĐ - Sử dụng vỏ bình gas của các hãng gas khác trên thị trường để san chiết, kinh doanh khí gas trái phép không chỉ bị xử phạt hành chính, mà hành vi này còn có thể cấu thành tội "Sản xuất, mua bán hàng giả" theo Điều 192 BLHS năm 2015.

Cơ quan chức năng bắt quả tang xưởng của ông Cần đang san chiết gas trái phép.
Cơ quan chức năng bắt quả tang xưởng của ông Cần đang san chiết gas trái phép.

Như Báo GD&TĐ đã thông tin, vào khoảng 13h30 ngày 6/12, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hải Phòng đã bắt quả tang một xưởng san chiết gas trái phép với số lượng lớn nằm trên Quốc lộ 10, thuộc địa phận thôn 6, xã Bắc Sơn, huyện An Dương, TP Hải Phòng do Đàm Văn Cần (33 tuổi, ở xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) làm chủ

Thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện Cần đang dùng bơm thủy lực hút gas trong xe bồn BKS 50LD-088.54 chở gas xuống bồn chứa trong xưởng. Qua xác minh, xe bồn trên do Phạm Anh Tuấn (42 tuổi, ở 38/282 Đà Nẵng, phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) điều khiển.

Bơm thủy lực được ông Cần dùng để san chiết gas.

Bơm thủy lực được ông Cần dùng để san chiết gas.

Cơ quan chức năng sau đó đã thu giữ tại đây 31 bình gas mang nhãn hiệu các hãng Petrolimex, PetroVietNam Gas, Petro Hồng Hà, VNShingas Petrol, Đại Lộc Gas Petro… đã san chiết và hơn 100 vỏ bình gas khác.

Cùng thời điểm trên, tổ công tác phối hợp với lực lượng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt chặn giữ xe ô tô BKS 34C-132.45 chở 136 bình gas do Phạm Minh Đức (33 tuổi, trú tại xã Đồng Quy, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) điều khiển, đang tập kết trên xe chờ đóng hàng tại xưởng của Cần.

Chiếc xe chở gas bị cơ quan chức năng tạm giữ.
Chiếc xe chở gas bị cơ quan chức năng tạm giữ. 

Tiếp đó, lực lượng phối hợp đã bắt giữ xe ô tô BKS 15C-043.93 do Nguyễn Hữu Đàn (56 tuổi, ở 17/12/38 An Đà, phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền) điều khiển, chở theo 40 bình gas từ xưởng của Đàm Văn Cần ra ngoài, đang trên đường đi tiêu thụ. Hiện cơ quan chức năng đang tạm giữ các phương tiện và số gas trên để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Phân tích về vụ việc nói trên, Luật sư Bùi Thị Hồng Giang – Giám đốc Công ty TNHH Luật Bùi gia và Cộng sự, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng: “Hành vi san chiết gas và kinh doanh hoạt động mua bán gas nếu không có giấy phép sẽ bị xử phạt hành chính. Bởi, đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, do đó để thực hiện hoạt động san chiết gas và kinh doanh khí gas, chủ doanh nghiệp cần được cấp giấy phép bởi các cơ quan có thẩm quyền, như: Giấy đăng ký kinh doanh, Giấy phép đảm bảo phòng cháy chữa cháy, Giấy phép đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán khí gas,…

Nếu tại thời điểm Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, ông Cẩn không xuất trình được bất kỳ một giấy phép nào liên quan đến các hoạt động của mình. Như vậy, hành vi của ông Cẩn đã vi phạm các quy định về kinh doanh khí theo Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15/06/2018 của Chính phủ”.

“Không chỉ bị xử phạt hành chính, người vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khác như: Buộc tháo dỡ trạm nạp, buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp…” - Luật sư Giang cho biết.

Cũng theo Luật sư Giang, hành vi sử dụng vỏ bình gas của các hãng gas khác trên thị trường để san chiết, kinh doanh khí gas còn có thể cấu thành tội "Sản xuất, mua bán hàng giả" theo Điều 192 BLHS năm 2015.

Xét về mặt khách quan, trong trường hợp này, việc san chiết gas vào các bình gas mang nhãn hiệu của các hãng nếu chưa được sự đồng ý của các hãng này là hành vi sản xuất hàng giả (làm giả về nhãn hiệu).

Hàng loạt bình gas được ông Cần dùng để san chiết
Hàng loạt bình gas được ông Cần dùng để san chiết

Luật sư Giang cũng cho rằng, việc mua bán khí gas trôi nổi trên thị trường, không có bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào thẩm định chất lượng, thì những khí gas đó chưa chắc đã đảm bảo đủ tiêu chuẩn. Do đó, có khả năng khí gas còn có thể bị làm giả cả về chất lượng.

Việc cơ quan chức năng phát hiện nhiều vỏ bình gas tại xưởng san chiết của ông Cần cũng như thu giữ nhiều bình gas trên hai xe tải của tài xế Đức và Đàn, Luật sư Giang nêu quan điểm: “Về mặt chủ quan, hành vi của ông Cẩn là hành vi cố ý với mục đích thu lợi bất chính. Ông Cẩn biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện các hành vi đó nhằm mục đích thu lợi bất chính”.

“Hầu hết những hành vi san chiết gas và kinh doanh khí gas trái phép trên thực tế hiện nay của những người phạm tội đều nhằm mục đích thu lợi bất chính, kiếm tiền dựa trên uy tín của các thương hiệu gas nổi tiếng trên thị trường. Mặt khách thể, hành vi của ông Cẩn đã xâm phạm tới chính sách quản lý thị trường của Nhà nước đồng thời xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp cúa người sản xuất (hàng thật) và của người tiêu dùng. Về mặt chủ thể, ông Cần có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Dựa vào sự phân tích 4 yếu tố trên, có thể thấy ông Cẩn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi của mình” - Luật sư Giang nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.