Hai nhóm đối tượng không cần giấy đi đường ở Hà Nội

GD&TĐ - Để kịp kiểm soát trong ngày 8/9 tới, các lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an xã phường, thị trấn ở Hà Nội cũng đang chạy đua với thời gian gấp rút cấp giấy đi đường theo quy định mới.

Hiện Công an Hà Nội đã đẩy nhanh tiến độ cấp giấy đi đường có nhận diện để thay thế giấy do UBND TP ban hành. Mẫu giấy mới được sử dụng khi địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội lần thứ 4 từ ngày 6/9 theo ba vùng ở 3 cấp độ khác nhau.

Theo phân công, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội và công an các xã, phường, thị trấn tiếp nhận và duyệt, cấp giấy đi đường cho các nhóm: Cán bộ, công nhân viên trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ công ích thiết yếu; người làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân còn lại sẽ được thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm cấp giấy. Người đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc, hàng thiết yếu được Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cấp thẻ mua hàng.

Hai nhóm không cần giấy đi đường gồm: Dịch vụ cấp cứu, khám chữa bệnh, mua thuốc định kỳ, đi tiêm vắc xin và xét nghiệm Covid-19, người chăm sóc người bệnh và người xuất viện; người đi sân bay, đến các cơ quan ngoại giao hay tòa án theo giấy hẹn. Họ chỉ cần mang giấy tờ chứng minh và phiếu xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ.

Theo phân chia, vùng 1 (vùng đỏ, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao) gồm 10 quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.

Vùng 2 (khu vực nguy cơ cao “vùng vàng” và nguy cơ thấp hơn “vùng xanh”) gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.

Vùng 3 gồm toàn bộ địa giới hành chính của thị xã Sơn Tây; 9 huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên) và một phần của 5 quận/huyện của phân vùng 1: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.

54 cán bộ Phòng CSGT ứng trực 24/24 h khẩn trương cấp giấy đi đường cho người dân.

54 cán bộ Phòng CSGT ứng trực 24/24 h khẩn trương cấp giấy đi đường cho người dân.

Từ 17h ngày 5/9 - 5h ngày 6/9, Phòng CSGT đã cấp được hơn 20.000 giấy đi đường theo quy định mới. Trong đó, chủ yếu nằm trong nhóm của Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, hoạt động công ích, vận chuyển hàng thiết yếu…

Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, trong ngày 6/9, Phòng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng đúng chỉ đạo của TP Hà Nội về cấp giấy đi đường cho các đối tượng. 54 cán bộ của phòng đã được cắt cử ăn nghỉ tại chỗ, ứng trực 24/24 phục vụ việc cấp giấy đi đường cho người dân.

Các Sở, ngành chỉ cần gửi email qua hệ thống, việc duyệt và cấp giấy đi đường diễn ra khá nhanh. Quy trình duyệt cấp mã QR Code theo từng đơn vị được thực hiện trong từ 3-5 phút. Sau khi hoàn thành, lực lượng cảnh sát dẫn đoàn sẽ gửi trả giấy đi đường về cho từng đơn vị.

Trong đó, Giấy đi đường có mã nhận diện QR Code của phương tiện và người điều khiển ôtô sẽ được Phòng gửi tới cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực qua thư điện tử để chuyển trả cho các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân.

Đối với giấy đi đường có mã nhận diện cho người điều khiển mô tô: Phòng Cảnh sát giao thông sẽ in, ký, đóng dấu và gửi tới cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực để gửi trả cho các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu.

Để đáp ứng nhu cầu, phòng Viễn thông tin học Công an Hà Nội đã hỗ trợ Phòng Cảnh sát giao thông lắp đặt 16 máy tính với đường truyền tốc độ cao; cài đặt phần mềm và ứng trực cùng để xử lý các tình huống phát sinh.

Trong ngày đầu Hà Nội thực hiện việc "phân vùng" chống dịch, lực lượng chức năng tại các chốt chặn chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở người dân nhanh chóng hoàn thành việc cập nhật thông tin, xin giấy đi đường mới có mã QR Code.

Các lực lượng đã kiểm soát lượng người và phương tiện vào nội thành theo điều kiện mới, Một số người đã xuất trình được giấy đi đường có mã nhận nhận diện QR theo mẫu mới, tuy nhiên đa số người dân vẫn sử dụng giấy đi đường theo mẫu cũ.

Trong trường hợp này lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở, chưa xử phạt. Đối với những người không có giấy đi đường, hoặc giấy đi đường quá thời hạn đã bị lực lượng chức năng yêu cầu quay đầu xe, không được sang "vùng đỏ".

Những tấm giấy đi đường đầu tiên đã hoàn thành.

Những tấm giấy đi đường đầu tiên đã hoàn thành
.

Tại cuộc họp Giao ban Sở Chỉ huy TP Hà Nội  trước đó, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh biện pháp cấp giấy đi đường là vấn đề mới, việc khó, chưa từng có tiền lệ, quan điểm mục tiêu quản lý vùng 1 thực chất hơn, giảm lượng người ra đường, tuy nhiên thành phố cũng xác định làm quyết liệt nhưng không cầu toàn. 

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, để chuẩn bị chu đáo cho công tác cấp giấy đi đường theo quy trình mới và để cho doanh nghiệp và người dân có thời gian chuẩn bị, nên trong 2 ngày 6-7/9, lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch chỉ kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền những người được phép ra đường nhưng chưa có giấy đi đường mẫu mới. Lực lượng chức năng chỉ xử phạt đối với những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng. 

“Từ 6/9 Hà Nội sẽ tiếp tục giãn cách lần thứ tư với phương châm siết chặt hơn, quyết liệt hơn. Phương án giãn cách phòng, chống Covid-19 nghiêm ngặt hơn theo 3 vùng ở 3 cấp độ khác nhau.

Công an TP Hà Nội tiếp tục duy trì các lực lượng cắm chốt, các tổ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát gắt gao nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch.

Tuy nhiên, Từ 6h ngày 8/9, Công an Hà Nội sẽ kiểm soát toàn bộ người và phương tiện ra, vào thành phố và vào vùng 1 theo giấy đi đường có nhận diện bằng mã QR. Chúng tôi sẽ tuyệt đối kiểm tra nghiêm về tất cả giấy đi đường mới”, Đại tá Dương Đức Hải khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ