Hái lượm ở… đô thị

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thành phố là nơi chẳng có gì miễn phí nhưng, nếu những cây xanh cũng là cây ăn được thì sao?

Một sinh viên đang hái lượm hoa oải hương khuôn viên Đại học Colorado ở Boulder. Ảnh: Ethan Welty, Atlasobscura.com
Một sinh viên đang hái lượm hoa oải hương khuôn viên Đại học Colorado ở Boulder. Ảnh: Ethan Welty, Atlasobscura.com

Bản đồ Falling Fruit đưa ra câu trả lời thú vị bằng việc đánh dấu cây đô thị ăn được trên khắp thế giới, có cả Việt Nam.

Dự án không tưởng

Năm 2013, nhiếp ảnh gia yêu thích phiêu lưu và bảo tồn - Ethan Welty (Pháp) nảy sinh ý tưởng tự ủ rượu táo không tốn tiền. Lúc này, Welty đang ở Mỹ, vừa mới tốt nghiệp Đại học Colorado, Boulder không lâu.

Thuở còn ở Pháp, Welty sống tại vùng nông thôn giáp rừng. Từ thời thơ ấu đến tuổi thiếu niên, cánh rừng gần nhà là kho thức ăn yêu thích của Welty. Hễ muốn hạt dẻ, quả mọng hay nấm, anh lại chạy vào rừng, hái về, không tốn một xu.

Trái với quê hương của Welty, cuộc sống trong đô thị ở Mỹ chẳng có gì là miễn phí. Ngay khi bắt tay vào ủ rượu, anh nhận ra mình không có quả táo nào. Tuổi trẻ nhiệt huyết không cho phép Welty bỏ cuộc.

Nghe anh tâm sự, chuyên gia máy tính Caleb Phillips (Mỹ) thấy nên giúp một tay. Với giấy, bút chì, máy ảnh và thiết bị định vị cầm tay, Welty và Phillips lên đường, khởi động dự án không tưởng nhất: Lập bản đồ cây đô thị có thể ăn được.

Dù là trong thành phố, hái lượm vẫn có khả năng. Sau các chuyến khảo sát cây xanh ở Boulder, Welty phát hiện từ hoa oải hương đến quả sơn thù, óc chó, nõn thông… “Khi thay đổi mục đích quan sát, bạn liền thấy xung quanh mình khác trước rất nhiều. Với mục tiêu nhìn để tìm ra cái ăn, tôi đã hái lượm đủ no bụng, thậm chí kiếm ra một số dược liệu quý”, anh khoe.

Với thu thập của Welty, Phillips lập mã nguồn mở Fallingfruit.org, ra mắt bản đồ gắn thẻ vị trí các loại cây ăn được có trong đô thị và khuyến khích hái lượm để tránh lãnh phí.

Lan tỏa

Caleb Phillips (giữa) và Ethan Welty (trái) cùng một người bạn đam mê hái lượm khác đứng dưới tán cây dâu tằm khổng lồ trên đường phố Boulder. Ảnh: Ethan Welty, Atlasobscura.com

Caleb Phillips (giữa) và Ethan Welty (trái) cùng một người bạn đam mê hái lượm khác đứng dưới tán cây dâu tằm khổng lồ trên đường phố Boulder. Ảnh: Ethan Welty, Atlasobscura.com

Ban đầu, bản đồ Falling Fruit của Phillips và Welty chỉ thiết lập được vị trí và tên gọi của các cây ăn được có trong khuôn viên Trường Đại học Colorado Boulder và khu vực xung quanh. Tuy nhiên, nhờ họ định dạng nguồn mở, mời người khác gắn thẻ vị trí và viết thông tin cây ăn được, Falling Fruit ngày càng dày dặn và tỏa rộng.

“Tôi ước gì mọi người ở khắp nơi trên thế giới đều tham gia và sau đó, chúng ta sẽ có bản đồ cây ăn được ở toàn cầu”, Welty chia sẻ. Rất nhanh, Falling Fruit thu hút sự chú ý của giới trẻ.

“Bản đồ này khuyến khích tôi tìm tòi và quan sát kỹ lưỡng hơn thế giới xung quanh mình”, Amy Nations ở Minnesota cho biết. “Với tôi, Falling Fruit là phương pháp tuyệt vời để theo dõi các loại cây trái, thảo mộc”, Lily Brown ở Boston công nhận.

Ngoài sử dụng Falling Fruit, Nations và Brown còn thêm vào các địa điểm và tên loại cây ăn được mà họ mới phát hiện. “Có lần, tôi tìm thấy hẳn một vạt nấm trong vườn trường và hạnh phúc đánh dấu ngay lên Falling Fruit”, Brown khoe. Tính đến nay, một mình Brown cũng giúp Falling Fruit có thêm 20 thẻ vị trí mới.

TJ Butler ở Maryland cũng rất yêu thích Falling Fruit. “Tôi đã tìm thấy hồng, táo, lê và dâu tằm. Tôi ước gì mình có nhiều thời gian hơn, để tìm thấy và thêm vào cho Falling Fruit nhiều thẻ hơn nữa”, Butler nói.

Bây giờ, Falling Fruit đã có hơn 1,5 triệu thẻ đánh dấu, bao gồm cả châu Úc, Nam Phi, châu Á (trong đó có Việt Nam)… và hơn 2 triệu lượt khách truy cập. Phần lớn người sử dụng bản đồ trực tuyến mở này là những thanh niên “cuồng hái lượm” và người đã về hưu.

Nhờ Phillips thiết lập đa ngôn ngữ, Falling Fruit có lựa chọn tiếng Hy Lạp, Ả Rập, Do Thái… Một số người dùng còn thêm vào cho Falling Fruit những cây ăn được miễn phí quý hiếm bậc nhất như cam calamondin có nguồn gốc Trung Quốc ở Úc, cây mai hắc biển ở Ba Lan, quả mọng lilly ở Nam Phi, dâu tây châu Âu ở Litva, quả uvalha ở Brazil…

Lợi cả đôi đường

Ngoài tận dụng, Falling Fruit còn 'giải cứu' cây ăn quả đô thị dư thừa. Ảnh: Ethan Welty, Atlasobscura.com

Ngoài tận dụng, Falling Fruit còn 'giải cứu' cây ăn quả đô thị dư thừa. Ảnh: Ethan Welty, Atlasobscura.com

Cây ăn được trong đô thị có 2 dạng: Cây công cộng và cây tư nhân. Đối với các cây tư nhân, Welty yêu cầu chú thích thêm “phải hỏi chủ”. Thông qua việc quản lý Falling Fruit, anh học hỏi được rất nhiều điều, từ kiến thức về các loại cây ăn được đến giao hữu. Anh cũng kỳ vọng, các nhà hoạch định đô thị sẽ quan tâm hơn đến việc trồng các loại cây ăn được làm cây xanh thay vì chỉ trồng các loại cây làm cảnh.

Năm 2018, Billings ở Montana đã thử nghiệm “đi theo tiếng gọi của Falling Fruit”, trồng hơn 120 cây ăn quả gồm táo, lê, mận, mơ trong các công viên. Cư dân ở Billings được khuyến khích chăm sóc cây và hái quả, ăn hoặc quyên góp cho các tổ chức phân phát thực phẩm miễn phí. Sau 5 năm, thử nghiệm này chứng minh “hái lượm trong đô thị là hoàn toàn có khả năng và lợi cả đôi đường”.

Hầu hết các thẻ vị trí trên Falling Fruit đều là thực vật, đa phần là các loại quả, nhưng cũng có một số địa điểm lấy nấm, câu cá và đào nghêu. Hiện, Welty mở thêm nhóm phi lợi nhuận nho nhỏ, Community Fruit Rescue, chuyên thu hoạch và “giải cứu” cây ăn được đô thị dư thừa.

Theo atlasobscura

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ