Cổng vào nông trại Nexton.
Bên trong, cây cối được nuôi trồng theo phương pháp thủy canh, xếp chồng lên nhau theo từng lớp và được chiếu sáng bằng đèn LED hồng, thay vì ánh sáng mặt trời, theo AP.
Cơ sở trồng trọt công nghệ cao này nằm ở huyện Okcheon, miền trung Hàn Quốc. Công ty vận hành cho hay đây là nông trại trong nhà thẳng đứng đầu tiên của thế giới xây dựng trong đường hầm. Nó cũng là nông trại lớn nhất Hàn Quốc và là một trong những cơ sở quy mô lớn nhất thế giới, với diện tích sàn lên tới 2.300 m2.
Nông trại thẳng đứng được coi là giải pháp canh tác tiềm năng trong điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt vì biến đổi khí hậu, thiếu đất đai và nguồn lực lao động ở những quốc gia có dân số già hóa.
Đường hầm cách thủ đô Seoul khoảng 190 km về phía nam, xây dựng năm 1970 và là một trong những đường cao tốc lớn đầu tiên ở Hàn Quốc. Nó là biểu tượng của công nghiệp hóa, đóng cửa năm 2002. Một công ty nông nghiệp đã thuê lại của chính phủ năm ngoái, biến nó thành “trang trại thông minh”.
Thay vì tiếng ve sầu, bên trong nông trại vang lên tiếng nhạc êm tai từ bài “Ánh trăng tình tứ” của nhà soạn nhạc Pháp Claude Debussy, nhằm kích thích cây trồng sinh trưởng tốt.
“Chúng tôi bật nhạc cổ điển vì rau cũng thích nghe nhạc như chúng ta”, Choi Jae Bin, người đứng đầu NextOn – công ty điều hành nông trại cho biết.
Dave Suh, giám đốc kỹ thuật của NextOn cho hay 60 loại trái cây và rau củ nuôi trồng ở đây được phát triển trong điều kiện tối ưu bằng cách sử dụng hệ thống canh tác và thu hoạch của công ty. Trong số đó, 42 loại được chứng nhận không có thuốc trừ sâu, không có thuốc diệt cỏ và không biến đổi gene (non-GMO). Đường hầm cung cấp nhiệt độ lý tưởng từ 10 đến 22 độ C, cho phép công ty tối ưu hóa các điều kiện nuôi trồng.
Các chuyên gia nhận định nông trại thông minh ứng dụng công nghệ cao là chìa khóa để phát triển nông nghiệp bền vững. Mô hình này rất phổ biến tại Dubai và Israel, nơi điều kiện sinh trưởng khắc nghiệt.
“Xã hội già hóa và đô thị hóa tăng lên trong lúc lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp của Hàn Quốc đang co lại”, Son Jung Eek, giáo sư môn Khoa học thực vật ở Đại học Quốc gia Seoul nói. Canh tác thông minh sẽ giải quyết những thách thức này, cũng khiến việc trồng trọt các loại cây có giá trị cao nhưng nhạy cảm với nhiệt độ và điều kiện nuôi trồng được dễ dàng hơn.
Theo thống kê, chỉ 16% diện tích đất của Hàn Quốc được sử dụng cho trồng trọt năm 2016. Dân số nông thôn giảm gần một nửa trong 40 năm qua, dù tổng dân số cả nước tăng gần 40%.
Hồi đầu năm, Bộ Nông nghiệp tuyên bố sẽ đầu tư phát triển nông trại thông minh trên toàn quốc, mở rộng diện tích từ 4.010 ha lên 7.000 ha. Tuy nhiên, mô hình này cũng gặp nhiều thách thức vì chi phí xây dựng cao. NextOn cắt giảm chi phí bằng cách thuê lại đường hầm bỏ hoang và phát triển hệ thống đèn LED của riêng mình và những công nghệ khác.
Choi Jae Bin, người đứng đầu NextOn giải thích về hệ thống canh tác trong nông trại thẳng đứng ở Okcheon, Hàn Quốc. Cạnh Choi là từng tầng lá mè trồng thủy canh.
Công nghệ độc quyền giảm sử dụng nước và năng lượng, cũng như nhân lực, từ đó cắt giảm chi phí hoạt động, Suh cho hay. Bộ cảm biến được lắp đặt ở từng tầng cây trồng sẽ đo các biến số về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, CO2 và mức độ vi bụi để duy trì môi trường tối ưu cho mỗi loại cây. Từ đó, cây sẽ có chi phí nuôi trồng thấp hơn so với trồng rau theo phương pháp hữu cơ truyền thống.
NextOn sẽ bắt đầu cung cấp rau cho một công ty thực phẩm lớn và một chuỗi cửa hàng bánh mỳ bắt đầu từ cuối tháng 8 này. Bước thứ hai của giai đoạn phát triển, công ty sẽ trồng những giống cây cho quả và cây dược liệu giá trị cao trong diện tích còn lại của đường hầm.
“Mục tiêu của chúng tôi là tạo đổi mới đột phá thị trường bằng cách sản xuất hàng loạt và ổn định những cây trồng có giá trị cao”, Suh nói.