Hải Dương: Phạt hàng loạt tổ chức, cá nhân vi phạm lĩnh vực môi trường

GD&TĐ - UBND tỉnh Hải Dương vừa ra 9 quyết định xử phạt tổ chức, cá nhân vì vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với số tiền gần 1 tỉ đồng.

Nhiều bến thuỷ nội địa hoạt động trái phép tại Kinh Môn, Hải Dương bị xử lý (ảnh Internet).
Nhiều bến thuỷ nội địa hoạt động trái phép tại Kinh Môn, Hải Dương bị xử lý (ảnh Internet).

Hàng loạt cá nhân, tổ chức bị xử phạt

Ngày 11/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản ký Quyết định lần lượt từ số 470 đến 478/QĐ-XPHC đối với 9 tổ chức, cá nhân vì vi phạm trong lĩnh vực môi trường và thương mại.

Các cá nhân bị xử phạt gồm: Trần Thu Phương, trú tại Thị xã Kinh Môn bị phạt 37.500.000đ. Bùi Thị Huệ, trú tại Kinh Môn bị phạt 52.000.000đ. Bùi Thị Phúc, Bùi Văn Cơ trú tại Kinh Môn, Vũ Văn Hiền trú tại Đông Triều, Quảng Ninh cùng bị phạt mỗi người 47.500.000đ. Trần Trọng Dũng, trú tại Kinh Môn bị phạt 42.500.000đ. Nguyễn Văn Tuấn, trú tại Kinh Môn bị phạt 137.000.000đ.

Hai tổ chức bị xử phạt là Công ty Cổ phần Thương mại Xuất Nhập khẩu Hoàng Oanh và Công ty An Phú TNHH cùng có địa chỉ kinh doanh tại Thị xã Kinh Môn bị xử phạt số tiền lần lượt là 105.000.000đ và 195.000.000đ.

Tổng số tiền mà các tổ chức, cá nhân bị phạt là 712.500.000đ.

Các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nêu trên được UBND tỉnh Hải Dương dựa trên Căn cứ Biên bản vi phạm hành chính số 09/BB-VPHC do Đoàn kiểm tra liên ngành số 01 lập ngày 15 tháng 2 năm 2021 và theo Đề nghị của Đoàn kiểm tra liên ngành số 01 (thành lập theo Quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 01 tháng 11 năm 2021 của UBND tỉnh Hải Dương) tại Tờ trình ngày 13 tháng 01 năm 2022.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý vi phạm hành chính của UBND Hải Dương là nhanh chóng, kịp thời, nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực môi trường và giúp minh bạch hoạt động kinh doanh của các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Gian dối trong kinh doanh

Theo các quyết định xử phạt của UBND Hải Dương, 9 tổ chức, cá nhân nêu trên đều thực hiện 1 hành vi vi phạm là Không đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.

Quy định tại Khoản 4, Điều 21, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Khai thác bến thủy nội địa quá thời hạn cho phép và Quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 23 Nghị định 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường thủy nội địa.

Đáng chú ý 3 cá nhân, tổ chức là Công ty Cổ phần Thương mại Xuất Nhập khẩu Hoàng Oanh, Công ty An Phú TNHH và ông Nguyễn Văn Tuấn bị xử lý với mức phạt trên 100 triệu đồng vì thực hiện nhiều hành vi vi phạm.

Cụ thể: Không thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng nội dung trong Giấy chứng nhận đầu tư được cấp. Để vật liệu ở bãi sông không có giấy phép theo quy định của Luật Đê điều.

Tự ý thay đổi kết cấu của bến thủy nội địa so với quy định tại giấy phép hoạt động (tại bến thủy nội địa vị trí Km01+960 đến Km02+100, bờ trái sông Kinh Thầy, theo Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa số 2766/GPBTNĐ-SGTVT-P3 ngày 18/12/2020 của Sở Giao thông Vận tải Hải Dương).

Các hành vi trên vi phạm Quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 13 Nghị định 50/2016/NĐ-CP ngày 1/6/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư. Khoản 3, Điều 24, Nghị định 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều và vi phạm Điểm b, Khoản 3, Điều 23, Nghị định 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường thủy nội địa.

Các tổ chức, cá nhân vi phạm bị buộc khắc phục hậu quả trong 30 ngày và phải nộp tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Hải Dương trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ