Hai dự án phát triển du lịch ở Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang: Xử nghiêm vì chưa tuân thủ quy hoạch

GD&TĐ - Trước phản ứng của dư luận về hai dự án phát triển du lịch trong lòng cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã có công văn gửi UBND tỉnh Hà Giang đề nghị địa phương này kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm sai phạm.

Dự án Thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang thi công từ đầu năm 2019. Ảnh: Ngọc Quang
Dự án Thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang thi công từ đầu năm 2019. Ảnh: Ngọc Quang

Chưa tuân thủ quy hoạch

Ngày 25/10, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông ký Công văn số 4316/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Hà Giang về việc kiểm tra, giám sát Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng CúDự án Thang máy ngắm cảnh tham quan di tích Đồn Cao ở Đồng Văn, Hà Giang.

Theo đó, 2 dự án này có vị trí nằm trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO ghi danh trong danh mục “Công viên địa chất toàn cầu năm 2010”. Cụ thể, Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú đề xuất sử dụng một phần diện tích đất thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú. Dự án Thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ II của di tích Phố cổ Đồng Văn.

Sau khi hai dự án này được triển khai, năm 2018, Bộ VH,TT&DL đã có đến 4 công văn nêu ý kiến về 2 dự án này: số 1569 (ngày 17/4), số 2532 (ngày 11/6), số 2573 (ngày 13/6) và số 5332 (ngày 26/11). Cụ thể, Bộ yêu cầu phải bổ sung các giải pháp chỉnh trang cảnh quan di tích cột cờ Lũng Cú và cảnh quan tự nhiên vốn có bao quanh 2 hồ nước tại di tích; phải được thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành. Đặc biệt, Bộ yêu cầu phải tính toán giảm quy mô xây dựng các công trình, bảo đảm bảo vệ hệ sinh thái trên núi đá vôi và cảnh quan môi trường tự nhiên...

“Tuy nhiên, qua kiểm tra tình hình thực tế, 2 dự án này đã được triển khai nhưng chưa tuân thủ quy hoạch, chưa thực hiện đúng các ý kiến của Bộ tại các văn bản nêu trên. Bộ VH,TT&DL đề nghị UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra toàn diện việc triển khai 2 dự án nêu trên; kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các văn bản pháp luật khác có liên quan”.

Theo bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, trước đó, Bộ đã có đoàn kiểm tra lên thị sát, ghi nhận tình hình thực tế hai dự án nằm trong cao nguyên đá này. Theo quan điểm của bà Hiền, hai dự án nằm trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn nên phải tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa và hệ thống pháp luật khác có liên quan, đồng thời thực hiện theo khuyến cáo của Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO.

Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (thôn Thèn Pả) là do Tập đoàn Phúc Lộc đầu tư xây dựng từ năm 2016. Ảnh: Hữu Thắng
 Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (thôn Thèn Pả) là do Tập đoàn Phúc Lộc đầu tư xây dựng từ năm 2016. Ảnh: Hữu Thắng

Cố ý làm bừa?

Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (thôn Thèn Pả) là do Tập đoàn Phúc Lộc đầu tư xây dựng từ năm 2016. Theo quyết định được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt, dự án này có tổng diện tích quy hoạch hơn 56 ha, tổng mức đầu tư khoảng 889 tỷ đồng, bao gồm các công trình tâm linh; khu nhà khách; khu dịch vụ... Như thông tin của ông Vàng Mí Cấu, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú với báo giới, tại dự án này, hiện còn đại tượng Phật chưa khởi động, đền Hộ Quốc đang được xây dựng; riêng hạng mục chùa đã dựng được 6 - 7 tòa nhà, cơ bản đã xong.

Ngoài ra, con đường dẫn vào chùa dài gần 2 km đã tôn mặt đường xong. Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, Bí thư huyện ủy Đồng Văn, ban đầu do chưa hiểu ý nghĩa phát triển kinh tế của dự án nên người dân nơi đây phản ứng. Tuy nhiên, khi hiểu ra thì người dân ủng hộ nên đến nay đã nhận tiền giải phóng mặt bằng đầy đủ. Các mặt bằng được bàn giao ở đây chủ yếu là những đồi đất, không phải đất nông nghiệp chính của người dân.

Trong khi đó, Dự án Thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao, có vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng của ông Nguyễn Văn Dần ở TP Hà Giang. Đây là dự án được Sở KH-ĐT tỉnh Hà Giang cấp phép từ cuối tháng 11/2017 và được chủ đầu tư thi công từ tháng 4/2019 - dù lúc đó dự án chưa có trong bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Sau khi thi công một thang máy cao 102 m bám vào vách núi dựng đứng cùng một tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ, quầy lưu niệm, cà phê trên đỉnh núi với diện tích hơn 5.600 m2 để phục vụ khách du lịch... dự án này đang bị tạm dừng thi công vì gặp phản ứng của người dân cũng như thiếu nhiều thủ tục.

Như vậy, sau câu chuyện của nhà nghỉ Panorama xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng khiến dư luận bức xúc hồi đầu tháng 10 vừa qua thì đến nay lại là hai dự án phát triển du lịch ở Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn khiến dư luận xôn xao không kém. Có thể thấy, chỉ từ quyết định cấp phép của các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang, các dự án này đang được các chủ đầu tư cố ý làm bừa mà không tuân theo các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030; cũng như “không màng đến” các công văn nêu ý kiến lưu ý và cảnh báo của Bộ VH,TT&DL.

“Phát triển du lịch Khu Du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn gắn với danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, chủ yếu dưới hình thức bảo tồn, phát huy giá trị tổng thể các loại hình di sản, khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch, trong đó các di sản địa chất đóng vai trò chủ đạo, các di sản văn hóa dân tộc là bản sắc, chú trọng bảo tồn, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu” - Trích Quyết định số 2057/QĐ-TTg, ngày 21/12/2017, Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ