“Hải chim” yêu hòa bình

GD&TĐ - 11 năm qua, ông Lê Minh Hải (SN 1966, nhân viên Ban Quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng) chăm lo từng bữa ăn cho những con chim trời… Nhiều người gọi ông là “Hải chim”.

Ông Hải thổi còi để cho đàn chim bồ câu ăn.
Ông Hải thổi còi để cho đàn chim bồ câu ăn.

Chăm lo “biểu tượng của hòa bình”

Ngay từ tờ mờ sáng những ngày đầu năm Nhâm Dần, tại công viên Biển Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) nơi đặt Vườn chim hòa bình, hình ảnh những cánh chim bồ câu chao liệng, tiếng chim ríu rít khiến khung cảnh nơi đây thơ mộng đến lạ.

Tại khu vực sảnh công viên Biển Đông, ông Hải với thân hình nhỏ thó đang cầm chổi quét rác, rồi ông lấy bọc lúa rải xung quanh. Như thành thói quen, mỗi khi ông Hải thổi vài hồi còi, thì đàn chim bồ câu khoảng 1.000 con đậu gần đó sà xuống ăn.

Đây là công việc hằng ngày của ông Hải, bất kể nắng mưa và bất kể ngày Tết cũng như ngày thường. Chia sẻ về công việc của mình, ông Hải cho hay, ông bắt đầu vào 6 giờ sáng mỗi ngày. “Việc đầu tiên trước khi cho ăn chính là vệ sinh chuồng của chim bồ câu, sau đó kiểm tra xem có con nào bị bệnh hay không hoặc số lượng chim. “Sau khi vệ sinh chuồng trại, đúng 7 giờ 30 phút, tôi thổi còi, cho đàn chim sà xuống ăn lúa. Đến chiều, công việc lặp lại lần nữa, thường thì kết thúc vào lúc 17 giờ”, ông Hải chia sẻ.

Theo ông Hải, sở dĩ phải cho chim ăn đúng giờ nhằm tạo thói quen cho đàn chim bồ câu, cũng như đảm bảo sức khỏe cho chim.

Ông Hải tâm sự, ông đến với nghề nuôi chim năm 2010, thoáng chốc đã 11 năm trôi qua, ông Hải xem đàn chim là biểu tượng hòa bình như “thú cưng” của gia đình ông. 11 năm nuôi đàn chim trời, ông Hải hiểu tường tận đến mức loài nào thích ăn gạo, loài nào chịu lúa. Rồi ông kể trong đàn chim này, có con bị thương cụt mất một ngón chân, con khác bị xệ cánh, con kia bị gãy mỏ…

Chỉ tay về phía chuồng chim có chứa 5 con bồ câu đang bị xù lông, ông Hải cho hay, đây là số chim bồ câu bị bệnh, được nhốt riêng ra một chuồng để dễ bề chăm sóc như cho ăn, tiêm thuốc. “Nếu để ý chim bồ câu, chỉ cần nhìn qua dáng đi, nghe tiếng chim hay xem chất thải của chim là biết chim bị bệnh hay không”, ông Hải bật mí.

Ông Hải cho hay, riêng đối với loài chim bồ câu, thường sống theo một cặp trống mái. Chính vì thế, loài chim này cũng có đặc trưng riêng như khi đẻ ra cũng theo cặp. Khi lẻ đôi, chim buồn, bỏ ăn rồi xuống sắc rất nhanh sau đó.

Có lẽ quen với hình ảnh người đàn ông trạc ngũ tuần mặc áo đồ đồng phục, mang đôi ủng, khuôn mặt sạm đen ngồi cho chim trời ăn nên những người tập thể dục đi ngang cứ ới ông vài câu. Riêng những người khách lạ thì thích thú đứng nhìn cách ông chăm đàn chim trời…

Ông Hải tỉ mỉ xem từng con chim để xem chúng có bị bệnh hay không.
Ông Hải tỉ mỉ xem từng con chim để xem chúng có bị bệnh hay không. 

Xuyên Tết chăm “thú cưng”

Theo BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, ban đầu, vườn chỉ có 200 bồ câu giống, trong đó có cả bồ câu lai Pháp, nhưng sau chỉ bồ câu ta mới thích nghi được với nắng nóng và gió biển. Dưới sự chăm sóc của ông Hải, đàn chim dần sinh sôi, có lúc lên đến 1.500 con. Năm nay, BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đầu tư thêm 100 – 200 con chim giống để tái đàn.

Thương những chú chim bồ câu như “thú cưng” của mình, nên hầu như không có ngày nào là ông Hải quên công việc cho chim bồ câu ăn, bất kể đó là ngày lễ, Tết.

Dịp Tết Nhâm Dần vừa qua, ngay từ sáng mồng 1 Tết ông Hải đã có mặt từ rất sớm để cho chim ăn, sau đó ông chạy hơn 40 cây số về quê Quảng Nam để thăm người thân chúc Tết, rồi vội vã quay trở lại Đà Nẵng để tiếp tục làm công việc cho chim ăn vào buổi chiều.

Ông Hải tâm sự rằng: “Gắn bó gần 11 năm nay, nhiều niềm vui cũng không ít nỗi buồn. Buồn nhất là những lúc mưa bão, tôi cùng các đồng nghiệp của mình tìm đủ mọi cách để che gió cho chuồng chim bồ câu. Khi chim an toàn, tôi mới về nhà chống bão. Dù vậy, mỗi lần bão quét qua, đàn chim lại mất đi một ít, thương lắm. Giờ chừ bất kể Tết hay lễ, mưa hay nắng, niềm vui của tôi là thấy đàn bồ câu sinh sôi nảy nở nhiều hơn”.

“Nuôi riết rồi quen, xem tụi nó như thú cưng. Ngược lại chúng cũng rất mến mình”, ông Hải nói tiếp. Bao năm qua, niềm vui có, nỗi buồn có nhưng đối với ông Hải những chú chim này như một giá trị tinh thần mang đến cho ông, nhìn cánh chim bay lòng người cũng nhẹ bớt âu lo, bỗng thấy an yên giữa lòng đô thị.

Ông Hải cho rằng, niềm vui của ông đơn giản lắm, chẳng có gì gọi là xa vời, ngày nào ông còn hơi thở là ngày đó còn thấy ông gắn bó với đàn chim này. Đây không chỉ là niềm vui riêng bản thân ông, mà còn lan tỏa đến mọi người xung quanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.