“Giữ vững” 5K
Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận biến chủng mới Omicron. Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định, nguy cơ biến chủng này xâm nhập và lây lan vào nước ta là rất lớn. Chia sẻ về biến thể mới, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế - nhận định, virus SARS-CoV-2 luôn đột biến.
Do đó, những người cao tuổi là nhóm dễ bị tổn thương nhất. Bởi, ở nhóm này, sức đề kháng giảm. Nhiều người trong số họ có bệnh nền.
Vì vậy, chuyên gia này khuyến cáo, người cao tuổi cần thực hiện một số biện pháp để ứng phó với biến thể Omicron. Biện pháp quan trọng nhất là đeo khẩu trang thường xuyên.
Theo PGS Nga, khẩu trang có tác dụng ngăn chặn virus SARS-CoV-2 qua giọt bắn hay các hạt li ti của nước bọt khi nói chuyện, ho hoặc hắt hơi.
Vì vậy, đây được coi là giải pháp vô cùng cần thiết để phòng bệnh. Ngoài ra, cần chú ý rửa tay với xà phòng. Bởi, thói quen rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch giúp ngăn chặn hiệu quả phơi nhiễm virus qua việc tiếp xúc và sờ nắm vào vật bẩn. Bên cạnh đó, cần hạn chế sờ tay lên mắt, mũi, miệng giúp tránh nhiễm SARS-CoV-2.
Chuyên gia này cũng cho biết, người cao tuổi cần tránh tiếp xúc với người khác. Nhờ đó, giảm tương tác trực tiếp cũng như nguy cơ lây nhiễm Covid-19. “Người cao tuổi cần được tiêm chủng đầy đủ. Nếu có điều kiện, nên tiêm liều tăng cường.
Một số nghiên cứu cho thấy, liều vắc-xin Covid-19 thứ ba hiệu quả 70 - 75% ngăn ngừa Covid-19 thể nhẹ do chủng Omicron gây ra. Người cao tuổi, người mắc bệnh nền cần được ưu tiên tiêm liều tăng cường”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.
Chuyên gia này dẫn chứng, một số nghiên cứu gần đây của một nhóm nghiên cứu từ Nam Phi, Đức và Thụy Điển cho thấy, các loại vắc-xin như Pfizer ít có hiệu quả với biến thể Omicron. Khả năng vô hiệu hóa virus của các kháng thể được tạo ra bởi hai liều vắc-xin giảm từ 25 - 40 lần.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác cho thấy, nếu tiêm liều bổ sung thứ 3 sẽ có hiệu quả 70 - 75% ngăn ngừa Omicron thể nhẹ. Các công ty dược đang chuẩn bị sản xuất loại vắc-xin mới nhằm đối phó với biến thể Omicron.
Ưu tiên tiêm mũi 3
TS.DS Phạm Đức Hùng - Bệnh viện Cincinnati (Mỹ) cũng khuyến cáo, nếu có vắc-xin, nên ưu tiên tiêm liều thứ 3 cho những người suy giảm miễn dịch, người già. Nhờ đó, tăng cường sức đề kháng cho những nhóm này. Ngoài ra, các biện pháp 5K vẫn cần được tôn trọng và tăng cường.
Chia sẻ về liều vắc-xin thứ 3, PGS.TS Trần Huỳnh - Đại học California Northstate (Mỹ) dẫn chứng, các nhà nghiên cứu tại Anh đã có những dữ liệu về hiệu quả của vắc-xin Pfizer và AstraZeneca ở biến thể Omicron và Delta.
Họ so sánh đối chiếu 581 ca nhiễm Omicron có triệu chứng, 56.439 ca nhiễm Delta và 130.867 ca âm tính. Kết quả cho thấy, hiệu quả của vắc-xin Pfizer với biến thể Omicron giảm còn 88% khoảng 2 - 9 tuần sau mũi thứ 2. Hiệu quả giảm còn 48,5% từ 10 - 14 tuần sau mũi thứ 2.
Hiệu quả còn 34 - 37% sau 15 tuần tiêm mũi thứ 2. Khi tiêm liều thứ 3 bằng Pfizer, hiệu quả vắc-xin tăng lên 75,5%. Với người tiêm 2 mũi đầu bằng AstraZeneca, hiệu quả vắc-xin tăng lên 71,4% sau liều thứ 3 bằng Pfizer.
“Báo cáo từ CDC Mỹ cho thấy, trong số 43 người nhiễm Omicron, có 34 trường hợp (79%) đã tiêm 2 liều vắc-xin. Các dữ liệu ban đầu cho thấy, Omicron có thể lây lan nhiều hơn, có triệu chứng nhẹ hơn”, PGS Huỳnh chia sẻ.
Theo chuyên gia này, tiêm liều thứ 3 có thể tăng cường hiệu quả vắc-xin đối với biến thể Omicron. “Chích liều thứ 3 sớm giúp cơ thể tạo ra kháng thể đặc hiệu (Ig) vì loại kháng thể này giảm dần theo thời gian”, PGS Trần Huỳnh cho biết.