Biến thể Omicron xâm nhập Việt Nam là vấn đề “sớm muộn”

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, vắc-xin vẫn là công cụ hữu hiệu trong đối phó với Covid-19, bao gồm biến thể Omicron.

Chủng ngừa tăng cường sẽ rất quan trọng để giảm thiểu lây nhiễm khi biến thể Omicron xâm nhập.
Chủng ngừa tăng cường sẽ rất quan trọng để giảm thiểu lây nhiễm khi biến thể Omicron xâm nhập.

Tuy nhiên, để ngăn chặn biến thể mới hiệu quả, việc duy trì 5K và tiêm mũi vắc-xin tăng cường là cần thiết.

Lợi thế về tỷ lệ tiêm vắc-xin

Trong nửa cuối năm nay, Việt Nam đã tăng tốc độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Theo số liệu của bảng xếp hạng dữ liệu toàn cầu (Our World in Data), cuối tháng 5, Việt Nam có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin thấp nhất Đông Nam Á với 1,1%, đứng sau Myanmar, Philippines, Thái Lan.

Tuy nhiên, sau vài tháng, đến ngày 5/12, thứ tự này đã có sự thay đổi lớn. Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 6 trong khu vực về độ phủ vắc-xin, với 55% người tiêm đủ liều, xếp sau Singapore (92%), Brunei (80%), Campuchia (79%), Malaysia (78%) và Thái Lan (61%).

Trước đó, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế - nhấn mạnh, tiêm vắc-xin đóng vai trò then chốt trong ngăn ngừa dịch bệnh. Trong khi đó, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam - TS

Kidong Park - cho rằng, sự xuất hiện của biến thể mới như Omicron khiến chúng ta lo lắng hơn. Song, vắc-xin là công cụ quan trọng nhất để vượt qua sự lo lắng này.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Đức Thái - Cố vấn Khoa học và Sáng lập viên TransMed-VN về các giải pháp sống chung với dịch bệnh - nhận định, mở cửa đồng nghĩa với việc đón nhận biến thể Omicron.

Chuyên gia này dẫn chứng, Nam Phi có thể được coi như môi trường thử nghiệm pha 3 của Omicron. “Nó như “vắc-xin Omicron” tự nhiên vì lây nhiễm nhanh và bệnh rất nhẹ. Tuy nhiên, còn nhiều điều chúng ta cần biết và thận trọng về Omicron”, TS Thái chia sẻ.

Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TPHCM - cho biết, mở cửa có thể khiến biến thể Omicron xâm nhập và thay thế Delta. Bác sĩ Khanh dẫn chứng, với biến thể Omicron, một số vùng cho rằng, ca bệnh biến mất. Song, thực tế, khi khảo sát nước thải vẫn phát hiện xác virus. Do đó, có thể bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng nên mọi người tưởng virus đã biến mất.

Chuyên gia này cũng đưa ra kịch bản rằng, nếu Omicron có độc lực nhẹ hơn và đẩy lùi được Delta, trong tương lai, SARS-CoV-2 có thể sẽ trở thành một trong những nguyên nhân gây cúm thông thường. Theo bác sĩ Khanh, vấn đề quan trọng nhất là Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh tiêm phủ vắc-xin thật tốt và duy trì 5K nhiều nhất có thể. Bởi, một khi mở cửa, Omicron xâm nhập là vấn đề sớm muộn chứ không thể trì hoãn. 

Chú trọng mũi tăng cường

Theo Bộ Y tế, ngày 7/12, có 861.193 liều vắc-xin Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 129.408.202 liều. Trong đó, tiêm 1 mũi là 73.899.767 liều, tiêm mũi 2 là 55.508.435 liều.

TS Nguyễn Đức Thái cảnh báo, biến thể Omicron có thể lây nhiễm vô hại qua người trẻ để xâm nhập âm thầm sâu rộng vào dân số người cao tuổi, có bệnh nền. Từ đó, gây quá tải y tế và tử vong ở mức độ cao.

Ngoài ra, người dân không nên vội coi Omicrom như virus cúm bởi, cúm không biến chủng quá nhiều và nhanh như vậy.

“Cúm thường xảy ra cho từng vùng, nhưng Omicron đang lây rất nhanh trên 50 nước hiện nay và có thể thay thế hay hợp tác với Delta gây hiệu ứng toàn cầu. Đột biến nhiều, Omicron có thể không bền và là tiền đề sinh ra nhiều chủng khác với độc tính và hậu quả nguy hiểm khó lường”, TS Thái chia sẻ.

Do đó, để bảo vệ trước khi Omicron xâm nhập, TS Thái cho rằng, cần nhanh chóng tiêm tăng cường các vắc-xin Covid-19 hiện hành. Việc tiêm mũi tăng cường sẽ tạo kháng thể đa dòng để bao phủ gai S tối đa, thay cho các vùng đột biến không thể trung hòa.

“Các chuyên gia khuyến cáo, chủng ngừa tăng cường sẽ rất quan trọng để giảm thiểu lây nhiễm và những tác hại Omicron có thể gây ra cho người bệnh”, TS Thái dẫn chứng.

Theo chuyên gia này, mũi tăng cường sẽ tạo thêm các kháng thể trung hòa, tăng hiệu suất bám dính vào gai S1 ở các vùng không bị đột biến của Omicron. Đồng thời, tạo lượng lớn kháng thể sẵn sàng phản ứng với Omicron, thay vì cần 1 - 2 ngày chờ tế bào B trí nhớ sản xuất kháng thể.

Theo TS Thái, các thuốc kháng virus như Molnupiravir, Remdesivir, Paxlovid... sẽ có vai trò quan trọng hơn cho trị liệu F0, khi vắc-xin giảm hiệu lực bảo vệ. Ngoài ra, một thực tế khác cần giải quyết là sản xuất vắc-xin.

Bởi, vắc-xin mRNA cho Omicron có thể được Pfizer, Moderna tạo ra trong 6 tháng. Tuy nhiên, thời gian để vắc-xin được thương lượng, vận chuyển đến các nước như Việt Nam sẽ dài hơn. Trong khi đó, với tốc độ lây nhiễm nhanh của Omicron, khoảng thời gian này có thể gây khó khăn và nguy hiểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.