Nhưng nói đến cuộc đua vô địch là còn quá sớm và không thực tế với HAGL.
Dấu ấn Kiatisuk
Dưới sự dẫn dắt của Kiatisuk, chỉ trong một thời gian ngắn, HAGL cho thấy rất nhiều chuyển biến tích cực. Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh và các đồng đội trở thành tập thể gắn kết.
Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, “Zico” Thái đã nâng cao tinh thần của đội bóng phố Núi. Các cầu thủ ra sân với khí thế hừng hực và khát khao chiến thắng.
Nhìn cảnh thủ quân Xuân Trường - người xưa nay vốn nổi tiếng hiền lành bỗng nhiên tranh cãi gay gắt với ngoại binh Kim Dong-su sau trận hòa trước HL Hà Tĩnh thì cũng đủ hiểu đội quân của bầu Đức giờ đã “máu lửa” như thế nào.
Về chuyên môn, HAGL cải thiện rõ rệt cả trong tấn công lẫn phòng ngự. Sau 6 vòng đấu, đội quân của bầu Đức thắng 4, hòa 1 và thua 1, là đội có số bàn thắng nhiều nhất, 10 bàn và số bàn thua ít nhất, 3 bàn.
Điều quan trọng, ông thầy trẻ người Thái vẫn bảo đảm được nét đặc sắc của HAGL là lối chơi mang tính cống hiến, đề cao kỹ thuật, dựa trên kỹ năng kiểm soát bóng và trận đấu.
Chiến lược gia người Thái đặt đúng cầu thủ để đá tốt lối chơi này, tạo điều kiện cho cách triển khai bóng mà những Công Phượng, Xuân Trường… được đào tạo để phát triển. Vậy nên, vẫn những con người đấy thôi, nhưng các học trò của Kiatisuk tự tin chơi thứ bóng đá của mình.
Tài “điều binh khiển tướng” của Kiatisuk được thể hiện khá rõ trong những trận cầu khó vừa qua. Cái hay của ông thầy người Thái chính là giải quyết hiệu quả những vấn đề tâm lý.
Kiatisuk mang Công Phượng đi họp báo rồi khiến tất cả bất ngờ khi đẩy cầu thủ ngôi sao lên băng ghế dự bị trong 2 trận liên tiếp. Điều đó phải chăng là đòn tâm lý để tiền đạo xứ Nghệ thêm quyết tâm.
Anh chính là cầu thủ ghi bàn phá vỡ thế quân bình trong cả 2 trận thắng Viettel và TPHCM, cùng với tỷ số 3-0. Đến một đội bóng già rơ như Viettel và hàng thủ được đánh giá hay nhất V-League với Quế Ngọc Hải, Bùi Tiến Dũng dễ dàng đổ vỡ trước Kiatisuk và các học trò.
“Tôi chưa dám gọi HAGL là cỗ máy chiến thắng ở V-League, nhưng họ chưa từng chơi hay như vậy trong 7 mùa qua tại V-League. Đội bóng phố núi đã thực sự trưởng thành.
Đặc biệt dưới bàn tay Kiatisuk, Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường được nâng tầm. HAGL đã thắng thuyết phục CLB TPHCM. Các cầu thủ phố Núi triển khai lối chơi áp đảo, cầm bóng hợp lý và tận dụng triệt để cơ hội mười mươi để ghi bàn.
Trước đây, HAGL chỉ biết chơi đẹp, chơi cống hiến. Còn hiện tại, họ đáp ứng cả 2 yếu tố chơi đẹp và thắng đẹp” - chuyên gia Đoàn Minh Xương nhấn mạnh.
Kiatisuk đang làm rất tốt nhiệm vụ tại HAGL đến lúc này. Dấu ấn lớn nhất của ông là sự biến ảo trong đấu pháp. Qua các trận gần đây, đối đầu những HLV giỏi như Trương Việt Hoàng, Alexandre Polking, Kiatisuk đều cho thấy nhỉnh hơn các đồng nghiệp trong các toan tính.
HAGL đang bay bổng trên đỉnh V-League, song Kiatisuk luôn tỏ ra khiêm tốn và dường như ông đang tìm mọi cách giữ chân học trò trên mặt đất.
“HAGL thắng Viettel và CLB TPHCM. Công Phượng ghi bàn. Nhưng chúng tôi may mắn không bị thủng lưới trong các thời điểm bị đối thủ dồn ép. Tôi vẫn căn dặn cầu thủ đừng quá tự tin. HAGL không được chủ quan”, cựu danh thủ Thái Lan chia sẻ.
Một điểm cộng của Kiatisuk lần này là trong kế hoạch nâng tầm HAGL, ông rất chú trọng đến khâu tuyển chọn ngoại binh. Đây cũng chính là bài toán mà HAGL bấy lâu nay vẫn đang loay hoay tìm lời giải, kể từ thời điểm lứa những Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh ra mắt V-League.
Sau 6 năm, bầu Đức đã sử dụng đến 20 cầu thủ ngoại, nhưng không ai có thể đáp ứng đủ kỳ vọng, cho dù còn có những nguyên nhân khác nhau. Vậy nên, ngay khi ngồi ghế nóng ở HAGL, Kiatisuk đã chấm Washington Brandao, cầu thủ ông vốn để mắt đến khi còn ở Thái Lan.
Sau những bỡ ngỡ ban đầu, tiền đạo sinh năm 1990 đang dần khẳng định vị trí số 1 trên hàng công HAGL. Đến vòng 3, Washington Brandao ghi bàn thắng đầu tiên cho mình ở đội bóng mới, trong chiến thắng 2-1 của đội chủ sân Pleiku trước Bình Định. Trong 2 trận gần đây, Brandao tiếp tục thi đấu hiệu quả. Trên sân Hàng Đẫy,
Brandao không ghi bàn, nhưng tầm ảnh hưởng của anh lên hàng công của đội bóng phố Núi mới là thứ khiến nhiều người phải chú ý.
Và tại Pleiku vòng 6, Brandao đã phát huy tốt điểm mạnh của mình là tốc độ, khả năng quấy phá hàng phòng ngự đối phương, tạo cơ hội cho Văn Toàn, Công Phượng tỏa sáng.
“Đừng thấy đỏ mà tưởng chín”
Thua trận ra quân nhưng bất bại liền 5 trận kế tiếp, trong đó có 4 chiến thắng, HAGL của HLV Kiatisuk đang mơ về chức vô địch V-League đầu tiên từ năm 2004. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thử thách phía trước để đội bóng phố Núi chứng minh mình có đủ khả năng đua tranh vô địch.
Nhìn ở góc độ khách quan, việc đội quân của bầu Đức chiếm ngôi đầu bảng có sự “góp sức” rất lớn từ các đội bóng khác. Đương kim vô địch Viettel phong độ thi đấu thất thường. Đội quân của HLV Trương Việt Hoàng thắng đấy nhưng lại thua hoặc hòa ngay vòng sau.
Hà Nội FC vẫn đang vật lộn với bài toán tìm kiếm nhân sự giải quyết khủng hoảng chấn thương. 2 vòng đấu đầu tiên đội bóng Hà Nội trắng tay. Bản lĩnh và thực lực giúp họ tìm lại vị thế của cử viên vô địch với 3 chiến thắng liên tiếp. Nhưng vòng 6 vừa qua thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm mất điểm đáng tiếc trên sân nhà trước đối thủ dưới cơ HL Hà Tĩnh.
Bên cạnh đó, những đội bóng được đầu tư rất mạnh đầu mùa như Sài Gòn FC, TPHCM sa sút không phanh. Cả 2 ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch giờ đây đang chìm sâu ở nhóm cầm đèn đỏ. Thậm chí không loại trừ khả năng bóng đá TPHCM sẽ rơi vào vòng xoáy huynh đệ tương tàn cho một suất trụ hạng.
Cũng bởi các ứng viên nóng máy quá chậm đã tạo ra bảng xếp hạng rất khó lường. HAGL đứng đầu bảng, song đội bóng phố Núi (13 điểm) chỉ hơn nhóm xếp sau 1 - 3 điểm. Trong đó, Than QN và SHB Đà Nẵng (cùng 12 điểm), Hà Nội FC, B.Bình Dương và Viettel (cùng 10 điểm).
Vậy nên, chỉ cần một cú sẩy chân cũng đủ khiến thầy trò Kiatisuk đánh mất ngôi đầu bảng.
Hàng thủ của đội bóng phố Núi vẫn bộc lộc nhiều nỗi lo. Tuấn Linh chưa mang đến sự yên tâm cần thiết. Thủ môn đến từ Quảng Ninh còn có nhiều pha xử lý thiếu an toàn.
HAGL thường xuyên đá với sơ đồ 3 trung vệ bao gồm Kim Dong-su, Hữu Tuấn, Damir Memovic và 2 cầu thủ chạy cánh là Văn Thanh và Hồng Duy. Tuy nhiên, Memovic, Kim Dong-su và Hữu Tuấn vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, thi đấu thiếu gắn kết để tạo ra một bức tường thực sự vững chắc trước khung thành Tuấn Linh.
Đặc biệt, Memovic khá chậm chạp. Cầu thủ cao hơn 1m90 này thường xuyên bị vặn sườn bởi những cầu thủ khéo léo của đối phương. Hệ quả tất yếu là khung thành của đội bóng phố núi luôn rơi vào tình trạng báo động.
HAGL chưa phải là đội muốn đá thế nào cũng được. Do đó, họ cũng sớm bộc lộ những hạn chế của mình. Ngoài sự sơ hở của hàng thủ, còn là điểm yếu thể lực, hay vấn đề kiểm soát trận đấu trong khoảng thời gian dài.
Như trong trận gặp TPHCM, hàng thủ HAGL chơi không đạt yêu cầu. Nếu các chân sút của đội khách tận dụng được cơ hội, đội bóng này có thể ghi được 1, 2 bàn rồi. Kiatisuk đã nhìn ra nhiều vấn đề trong lối chơi của HAGL. Trong đó, nếu không cải thiện được thể lực, thì các cầu thủ HAGL chỉ đá tốt độ 60 - 65 phút của trận đấu rồi rơi vào trạng thái… “hết pin”, trong khi mùa giải còn kéo dài. Nhiều cầu thủ trụ cột của phố Núi còn khoác áo đội tuyển quốc gia.
Không thể phủ nhận đây là phiên bản tốt nhất của HAGL. Bởi các cầu thủ có 7 năm đá V-League. Tuổi nghề, kinh nghiệm thi đấu đã khác hẳn. Đặc biệt, mùa này, các cầu thủ tốt nhất đã trở về sau nhiều năm “học việc”.
Thế nhưng, cách vận hành của HAGL chưa thật nổi trội so với những đối thủ khác. Khả năng kiểm soát trận đấu, áp đặt lối chơi không quá rõ ràng và xuyên suốt.
Có thể thấy, dưới tay Kiatisuk, HAGL là đội bóng đang trong quá trình hoàn thiện. Đội quân của bầu Đức chưa đụng độ với những đối thủ lì lợm và bản lĩnh. Hơn nữa, đây mới là giai đoạn 1. Những trận đấu căng thẳng đều đang ở phía trước, giai đoạn 2.
HAGL chưa phải là “Dream Team” như những năm 2003 - 2004. Muốn trở thành ứng viên cạnh tranh chức vô địch, đội bóng phố Núi cần rèn luyện thêm, gia tăng sức chịu đựng và củng cố hệ thống của họ, nhất là khâu phòng ngự.