Chưa kịp ăn cơm tối, vừa nghe tiếng máy gặt liên hoàn về trước cổng làng, anh Nguyễn Văn Bình (thôn Liên Thanh, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) đã vội vàng giục vợ đưa dụng cụ để ra đồng.
Nghe chồng gọi, chị Nguyễn Thị Lý, lật đật ôm bì tải và mấy bình nước chạy ra cánh đồng Đập Xạ. Vụ mùa này gia đình anh chị trồng hơn 1 mẫu cả lúa và nếp.
Mấy ngày qua, trận giông lốc đã làm đổ rạp hơn 4 sào lúa đỏ và nếp 98, chị Lý phải đổi công cho bà con tranh thủ gặt trước khi lúa lên mộng. Gần một mẫu ruộng còn lại, vợ chồng chị thuê máy gặt liên hoàn để gặt đêm, trốn nắng.
“Bây giờ, chúng tôi chủ yếu gặt vào ban đêm thôi, chứ nắng vậy vừa mệt mà năng suất không được mấy. Mà các chủ máy gặt họ cũng thường nhận gặt vào buổi chiều tối hoặc đêm. Ban ngày, bà con nông dân chủ yếu phơi lúa và rơm rạ thôi”, chị Lý cho biết.
Chị Trương Thị Kiều (45 tuổi) cũng vui vẻ trò chuyện: " Những năm trước, khi gặt máy còn chưa phổ biến, người dân phải gồng mình với cái nắng để gặt cho kịp vụ mới, mỗi ngày chỉ làm được vài tiếng đã không chịu nổi do nắng nóng".
20h tối, trên cánh đồng Đập Xạ (thôn Liên Thanh, xã Thạch Hạ), nhiều gia đình đã đứng chờ chiếc máy gặt đến lượt thu hoạch lúa nhà mình. Người cầm đèn pin, bao bì, xe đẩy, vừa trò chuyện vừa làm việc rôm rả.
Nhiều người chưa kịp ăn cơm tối cũng mang theo cặp lồng, tranh thủ ăn trong khi chờ máy gặt. Không riêng người lớn, những đứa trẻ trong nhà cũng ra đồng phụ giúp. Tiếng máy gặt kêu xành xạch, tiếng nói cười xôn xao trong đêm tối.
Nếu như trước đây, chuyện gặt lúa đêm chỉ là “bất đắc dĩ” vì nhiều người sợ cả cánh đồng tối đen, sơ sẩy là liềm sẽ cắt vào tay,
Ngày nay, nhờ áp dụng máy móc vào trong sản xuất, nên việc thu hoạch nông sản của người nông dân đã bớt vất vả, tiết kiệm thời gian và sức khỏe. Lúa gặt đến đâu sẽ được đóng vào bao tải, sau đó, người dân chỉ việc đứng đợi đầu bờ và di chuyển thóc về nhà, chờ phơi nắng.
Ông Nguyễn Văn Trí, một chủ máy gặt liên hoàn cho biết, đây là ngày gặt đầu tiên của gia đình ông tại vụ mùa này. Từ chiều tối, 2 vợ chồng ông đã làm hết công suất nhưng vẫn không kịp phục vụ như cầu của bà con.
“Trung bình mỗi đêm máy tôi điều khiển máy gặt được khoảng 30 sào lúa. Hiện nay, giá thuê gặt khoảng 130.000 đồng/sào”, tranh thủ uống ngụm nước, ông Trí cho biết.
Buổi thu hoạch đầu tiên kết thúc lúc 23h đêm, những bao lúa được chất đầy trên khắp các cánh đồng.
Vụ mùa năm nay, bà con nông dân tại xã Thạch Hạ tỏ ra rất phấn khởi bởi năng suất cao hơn những năm trước. Những giống lúa được trồng ít sâu bệnh, trung bình mỗi sào thu hoạch được hơn 2 tạ lúa hoặc nếp.
Khi chiếc máy gặt bắt đầu lên bờ về nghỉ, cũng là lúc bà con nông dân gọi nhau chất lúa lên xe kéo về nhà nghỉ ngơi.