Hà Tĩnh quyết liệt ngăn chặn nạn đánh bắt chim trời

GD&TĐ - Cứ mỗi độ tháng 9 hằng năm, hàng ngàn cá thể chim bay về Hà Tĩnh để tìm nơi tránh trú. Đây cũng là thời điểm người dân tổ chức đánh bắt rầm rộ nhất.

Lực lượng Công an và Kiểm lâm huyện Cẩm Xuyên tiến hành tiêu hủy công cụ đánh bắt chim.
Lực lượng Công an và Kiểm lâm huyện Cẩm Xuyên tiến hành tiêu hủy công cụ đánh bắt chim.

Hà Tĩnh có bờ biển dài gần 137 km với nhiều cửa sông và cánh đồng rộng lớn, nơi trở thành điểm dừng chân của nhiều loại chim tự nhiên di cư, tránh trú mùa mưa bão. Số lượng tập trung chủ yếu ở các huyện ven biển như Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh.

Lợi dụng đặc thù mùa chim di cư, hiện nay trên địa bàn nhiều huyện xuất hiện tình trạng người dân đánh bắt chim tự nhiên trái phép.

Mùa chim di cư bay về tìm nơi tránh trú bão ở các vùng ven biển tỉnh Hà Tĩnh.

Mùa chim di cư bay về tìm nơi tránh trú bão ở các vùng ven biển tỉnh Hà Tĩnh.

Việc bảo vệ chim tự nhiên (cò, cói, vạc...) đang được các lực lượng chức năng và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh gấp rút triển khai. Tất cả các xã ven biển nằm ở đầu luồng chim di cư từ biển vào đất liền thuộc các huyện đều vào cuộc một cách quyết liệt.

Công an tỉnh phối hợp với lực lượng Kiểm lâm...
Công an tỉnh phối hợp với lực lượng Kiểm lâm...
...tháo dỡ bẫy chim trên các cánh đồng.
...tháo dỡ bẫy chim trên các cánh đồng.

Để kịp thời ngăn chặn, bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, lực lượng Công an phối hợp với lực lượng Kiểm lâm đã tăng cường ra quân kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về nạn săn bắt chim tự nhiên.

Ông Nguyễn Huy Toại, cán bộ Hạt Kiểm lâm Cẩm Xuyên cho biết: "Nhờ vào sự nỗ lực ngăn chặn nạn tận diệt chim trời của các lực lượng chức năng đến nay tình trạng săn bắt giảm đáng kể, chỉ còn một vài vụ việc nhỏ lẻ".

Bên cạnh việc yêu cầu người dân chuyên nghề đánh bắt chim trời ký cam kết chấm dứt hoạt động đánh bắt, đặt bẫy tận diệt chim trời; tổ chức tuyên truyền và ký cam kết với tất cả các chủ nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn không thu mua, kinh doanh chim trời thì các lực lượng và chính quyền địa phương đã ra quân kiểm tra, truy quét tháo dỡ, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trái phép; triệt phá các tụ điểm mua, bán chim tự nhiên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tiến hành tiêu hủy dụng cụ, phương tiện bắt, bẫy chim.

Tiến hành tiêu hủy dụng cụ, phương tiện bắt, bẫy chim.

Đại úy Phạm Quốc Việt, Trưởng Công an xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) cho biết, thời gian gần đây, Công an xã đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện trực tiếp xuống các cánh đồng nơi các đối tượng giăng lưới, đặt chim mồi để săn bắt và bẫy chim hoang dã, chim di cư tiến hành thu gom và tiêu hủy nhiều dụng cụ bẫy chim, cò trên đồng ruộng để mùa chim di cư khỏi bị đánh bắt tận diệt. Lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm đếm, lập biên bản và tiêu hủy ngay tại đồng ruộng.

"Tại các chợ đầu mối, luôn có cán bộ công an và kiểm lâm túc trực để ngăn chặn và xử lý các trường hợp mua bán chim trời trái phép", Đại úy Việt thông tin thêm.

Bảo vệ các loài chim hoang dã trong mùa di cư hàng năm chính là bảo vệ sự đa dạng sinh học của tự nhiên, góp phần cân bằng hệ sinh thái môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Do vậy, để hạn chế triệt để những hành vi giăng lưới, săn bắt chim di cư như hiện nay, ngoài sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của lực lượng chức năng thì rất cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ