Hà Tĩnh: Hai khu “đất vàng bỏ hoang” giữa thành phố

GD&TĐ - Trụ sở cũ của Sở NN&PTNT và Tỉnh đoàn đã 8 năm bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng, nằm nhếch nhác giữa lòng thành phố. Dự kiến 2 khu này sẽ được đấu giá cho thuê đất làm thương mại dịch vụ.

Trụ sở NN&PTNT Hà Tĩnh cũ. Ảnh: TG
Trụ sở NN&PTNT Hà Tĩnh cũ. Ảnh: TG

Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo đang trong quá trình phát triển và dần khẳng định vị thế. Việc thu hút đầu tư đã và đang được hết sức coi trọng.

Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư đã xảy ra không ít những hệ lụy, làm cho bộ mặt tỉnh này chậm phát triển hơn. Một trong số đó là việc chọn nhầm nhà đầu tư để giao “đất vàng” dẫn đến tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí.

Nhếch nhác vì trụ sở xuống cấp

Phan Đình Phùng là tuyến đường thuộc nhóm sầm uất nhất ở TP Hà Tĩnh. Tuyến đường này có rất nhiều trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước và hàng loạt doanh nghiệp, ngân hàng đang hoạt động.

Nằm ở vị trí đắc địa nhất trên tuyến đường này phải kể đến là trụ sở làm việc của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh và Tỉnh đoàn Hà Tĩnh. Thế nhưng, kể từ ngày chuyển đến trụ sở mới vào năm 2013, trụ sở cũ của 2 đơn vị nói trên vẫn bị bỏ hoang cho đến nay.

Nơi làm việc trước đây của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh là 2 dãy nhà 2 tầng và 3 tầng, được xây dựng trên khu đất rộng hơn 2.000 m2. Còn trụ sở cũ của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh là tòa nhà 4 tầng, nằm trên diện tích hơn 1.000 m2.

Cả 2 trụ sở này do nhiều năm bỏ trống nên sơn tường bong tróc, rêu mốc phủ kín. Nhiều hạng mục đã bị xuống cấp rất nghiêm trọng. Nhiều hộ dân kinh doanh buôn bán hàng quán ở gần 2 trụ sở hoang phế này bày tỏ sự tiếc nuối, vì “đất vàng” bị bỏ không, vừa gây lãng phí, vừa làm mất mỹ quan đô thị.

Để tìm chủ mới cho 2 khu đất công bị bỏ hoang này, năm 2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định thu hồi tài sản và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật địa chính (Sở TN&MT Hà Tĩnh) quản lý, lập phương án xử lý. Giá trị tài sản trên đất của trụ sở Sở NN&PTNT được định giá hơn 2 tỉ đồng, còn trụ sở Tỉnh đoàn là hơn 1 tỉ đồng.

Đến tháng 11/2019, UBND tỉnh phê duyệt phương án xử lý 2 trụ sở cũ nêu trên với hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức đấu giá cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê.

Mục đích sử dụng đất là thương mại, dịch vụ với thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Tuy nhiên, do gặp nhiều vướng mắc nên đến nay, cả 2 khu đất này vẫn chưa thể cho thuê.

Khó khăn trong việc đấu giá tài sản

Khu đất vàng bỏ hoang của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cũ. Ảnh: TG
Khu đất vàng bỏ hoang của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cũ. Ảnh: TG

Được biết, năm 2017 trở về trước, những trụ sở cũ không còn sử dụng theo quy định phải được đưa ra đấu giá tài sản gắn với đất. Tuy nhiên, sau nhiều lần đưa ra bán đấu giá nhưng không thành công. Hàng năm tỉnh phải bỏ kinh phí ra để tu bổ, tránh xuống cấp.

Về nguyên nhân, lãnh đạo sở này lý giải, từ năm 2017 trở về trước thị trường bất động sản đóng băng. Đối với các trụ sở cũ có vị trí bám đường Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) thì phải chuyển nhượng sử dụng đất chuyển sang kinh doanh và thuê đất có thời hạn nên khó bán.

Khó khăn lớn nhất trong việc đưa các khu nhà trên “đất vàng” ở TP Hà Tĩnh vào sử dụng trở lại là do các tài sản trên đất còn giá trị lớn nhưng không phù hợp với mục đích đầu tư mới của nhà đầu tư.

Nếu thực hiện dự án, nhà đầu tư vừa không thể sử dụng tài sản trên đất đã mua lại, vừa mất thêm chi phí để tháo dỡ và vận chuyển đổ thải. Đây là nguyên nhân chính mà nhiều nhà đầu tư “kén” chọn việc thuê lại khu đất vàng trên. Vì thế, công tác đấu giá 2 trụ sở này nhiều năm qua gặp khó khăn.

Mới đây, ông Đặng Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ký quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, giá trị còn lại của tài sản trên đất, giá khởi điểm, bước giá và phương án đấu giá trụ sở làm việc (cũ) Sở NN&PTNT và Tỉnh đoàn Hà Tĩnh. Theo đó, mức định giá mới đối với Sở NN&PTNT là hơn 37 tỉ đồng, còn khu đất của Tỉnh đoàn là hơn 28 tỉ đồng.

Sau khi định giá 2 khu đất này, đơn vị đã trình Sở Tài chính thẩm định. Tuy nhiên, do đang vướng mắc về một số quy định liên quan đến giá bán đất, công việc bán đấu giá chưa thể thực hiện được – ông Nguyễn Chí Công - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật địa chính cho hay.

Ông Trần Anh Quân - Trưởng phòng Quản lý giá, công sản thuộc Sở Tài chính Hà Tĩnh, thừa nhận 2 khu đất công kể trên chưa thể cho thuê đã gây lãng phí và làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của thành phố Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, việc bán đấu giá vướng trong việc xác định giá khởi điểm khi áp dụng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Đất đai.

Ông Nguyễn Chí Công cũng thông tin: “Chúng tôi đã có công văn gửi Bộ Tài chính để được hướng dẫn thực hiện. Sau khi có hướng dẫn của Bộ Tài chính, chúng tôi sẽ trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt để triển khai thực hiện bán đấu giá cho thuê đất”.

Ngày 13/2/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 175/QĐ-TTg công nhận thành phố Hà Tĩnh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, còn đó nhiều bất cập trong công tác quản lý, điều hành và phát huy vai trò của các nhà đầu tư đã dẫn đến nhiều khu đất vàng bị lãng phí, không phát huy được tiềm năng. Chính những điều này không chỉ gây lãng phí, mà còn ảnh hưởng đến cả mỹ quan đô thị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.