(GD&TĐ) - Gần 200 ha đất rừng của Công ty Cao su Hương Khê (Hà Tĩnh) bị 55 hộ dân Hòa Hải xâm chiếm trái phép. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản yêu cầu huyện Hương Khê chỉ đạo đồng bộ các giải pháp để ổn định tình hình, giải quyết dứt điểm việc làm vô lối đó, song đã gần 5 tháng nay sự việc vẫn “dẫm chân tại chỗ!”.
Hiện trường khu vực đất rừng của Công ty quản lý và thi công bị một số hộ dân xã Hòa Hải ngăn cản |
Năm 2011, Công ty Cao su Hương Khê được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao 325 ha đất lâm nghiệp ở tiểu khu (TK) 192, 193 thuộc xã Hòa Hải (huyện Hương Khê) để trồng cao su. Sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý, Công ty đã đóng nộp vào ngân sách tỉnh gần 2 tỷ đồng và ngân sách xã Hòa Hải hơn 1,6 tỷ đồng khoản tiền đền bù theo quy định. Thế nhưng khi Công ty triển khai khai hoang để trồng mới cao su trên diện tích nói trên thì bị một số người dân địa phương ngăn cản.
Sáng ngày 22/11/2012, trong lúc Công ty đang tổ chức thi công trên phần đất của mình tại lô 17, khoảnh 11 TK 192 thì bị 4 công dân xóm 11 xã Hòa Hải là Phan Văn Khởi, Phan Văn An, Phan Văn Kháng, Phan Văn Tân đứng ra ngăn chặn.
Chiều ngày 30/11/2012, Công ty đã báo cáo UBND các cấp tỉnh, huyện Hương Khê, xã Hòa Hải, đồng thời phối hợp với địa phương tuyên truyền, giải thích cho nhân dân chủ trương chuyển đổi mục đích sản xuất trồng cao su của tỉnh trên diện tích đất rừng nghèo kiệt. Mặc dù được sự giúp đỡ của chính quyền, công an huyện Hương Khê và xã Hòa Hải cùng đồn Biên phòng 569, song các ngày 6/12 và 16/12/2012 khi công ty cho máy ủi vào khoảnh 14 và khoảnh 11 (TK192) thi công khai hoang vẫn bị hàng chục người dân địa phương ra chống đối, cản trở. Sau đó nhiều hộ dân còn tự ý chặt phá và chiếm dụng hàng trăm ha đất rừng do Công ty quản lý. Từ đó đến nay việc thi công khai hoang, trồng mới cao su của Công ty trên khu vực này bị đình trệ.
Để sự việc nói trên kéo dài gần 5 tháng nay. Về phía huyện Hương Khê, gần 1 tháng sau khi có công văn chỉ đạo của UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Trần Sáng – Trưởng đoàn công tác của huyện mới chính thức xuống làm việc với xã. Từ đó đến nay, sự việc vẫn dậm chân tại chỗ. Xem ra lời hứa “sẽ tập trung giải quyết xong trước tháng 6/2013” của Chủ tịch UBND huyện Đinh Hữu Tân không thể trở thành hiện thực!
Về phần địa phương sở tại, Chủ tịch UBND xã Hòa Hải - Phạm Hữu Nhân thừa nhận, sự chậm trễ, bất lực trong quản lý nhà nước, dẫn đến tình trạng 55 hộ dân liên tục tự ý xâm chiếm trái phép đất rừng của công ty. Điều đáng nói, theo ông Nhân là sự việc đã đi quá xa, vượt qua tầm kiểm soát của xã. Tuyên truyền, giải thích với số hộ dân này không có tác dụng. Lực lượng của xã quá mỏng, tổ chức vào hiện trường kiểm tra thì bị dọa chém.
Khắc Hiển – Minh Thư