Nhiều người dân cũng bày tỏ lo ngại về chất lượng công trình tại một dự án với tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng.
Chưa bàn giao đã hỏng
Dự án Xử lý cấp bách đê Tân Long được đầu tư với số vốn 46 tỷ đồng do UBND huyện Hương Sơn làm chủ đầu tư, trong đó phí xây lắp là 35,5 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: Nâng cấp mở rộng nền cũ đê; cống, đắp đất nền; gia cố mái. Tuy nhiên, chỉ sau ít tháng thi công, một số hạng mục tại Dự án gần 50 tỷ này đã xuất hiện nhiều dấu vết sụt lún, nứt nẻ kéo dài.
Cụ thể, kênh dẫn nước vẫn chưa được bàn giao nhưng đã có nhiều điểm bị sụt lún, nứt nẻ. Hàng loạt vết nứt kéo dài trên mặt đê, một số vết nứt đã được nhà thầu cắt, đục nham nhở. Dù đã được đổ bê tông trám lại nhưng nhiều điểm vẫn liên tục xuất hiện vết nứt. Phần mái đê nơi tiếp giáp phần khóa mái với nền đất xuất hiện những hàm ếch rất sâu và rộng, đặc biệt, có đoạn bị khoét sâu vào khoảng 40cm.
Để khắc phục tình trạng hư hỏng, đơn vị thi công đã cho khoan cắt để xử lý. Tuy nhiên, việc khoan cắt không đúng theo biên bản thống nhất của các đơn vị liên quan.
Theo nhiều người dân, tuyến đê chưa đưa vào sử dụng nên lưu lượng người và phương tiện đi lại rất ít, chủ yếu là xe đạp và xe máy. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà nhiều vị trí lại bị nứt nẻ.
“Chưa bàn giao mà đã hư hỏng như vậy, không biết chất lượng công trình sau khi đưa vào sử dụng liệu có đảm bảo không”, ông Trần Văn Tình (xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn) quan ngại.
Qua tìm hiểu của PV Báo GD&TĐ, Dự án Xử lý cấp bách đê Tân Long được triển khai thi công từ cuối năm 2020 do Công ty Cổ phần Xây dựng 68 Hà Tĩnh thi công, tư vấn giám sát là Công ty Xổ phần Tư vấn xây dựng cơ sở hạ tầng.
Dự án có chiều dài 3km (đoạn từ K0 đến K3+00). Công ty Cổ phần Xây dựng 68 Hà Tĩnh thi công đoạn đầu tuyến đê với chiều dài gần 700m, đến nay cơ bản đã hoàn thiện. Tuy nhiên, vừa đổ bê tông vào tháng 9/2021 công trình đã có dấu hiệu kém chất lượng.
“Khi nào nghiệm thu được mới làm hồ sơ thanh quyết toán”
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Hoàng, cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Hương Sơn, xác nhận việc xuất hiện nhiều vết nứt trên bề mặt tuyến đê sau khi đổ bê tông. Theo ông Hoàng, do phần mặt đê được đổ bằng bê tông tươi nên có hiện tượng trên.
Phía UBND huyện lập biên bản và yêu cầu đơn vị thi công khắc phục tình trạng trên. Tuy nhiên, việc xử lý chưa triệt để nên huyện Hương Sơn tiếp tục yêu cầu khắc phục lại. Đối với những vết nứt này, nhà thầu phải cắt phần mặt đê có vết nứt và đổ bê tông lên.
Ngoài ra, đại diện UBND huyện cho biết, độ dày phần giữa mặt đê là 20cm nhưng nhà thầu chỉ mới cắt được khoảng hơn 10cm rồi đổ bê tông lên. Do xử lý chưa đúng kỹ thuật nên huyện Hương Sơn đã lập biên bản yêu cầu nhà thầu tiếp tục khắc phục. “Khi nào nghiệm thu được mới làm hồ sơ thanh quyết toán”, ông Nguyễn Hoàng khẳng định.
Liên quan đến sự việc, ông Hồ Tiến Dũng, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cơ sở hạ hầng, Giám sát trưởng công trình xử lý cấp bách đê Tân Long, cho biết, thời gian qua do dịch bệnh, các nhà thầu đang tạm nghỉ nên đơn vị tư vấn giám sát không có mặt tại công trường. Tuy nhiên, phía đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng 68 Hà Tĩnh đã tự ý xử lý mà không báo với bên tư vấn giám sát.
“Sau khi có phản ánh, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra và phát hiện, đơn vị thi công không bóc dỡ nguyên tấm bê tông 5m như biên bản đã thống nhất, mà chỉ cắt một quãng rộng 30 - 40cm để xử lý. Việc xử lý bê tông bị phá vỡ kết cấu như vậy là không đảm bảo và lâu dài. Khi chúng tôi lập biên bản và yêu cầu dừng lại thì đã xử lý được 2 khe rồi”, ông Dũng cho hay.
Đối với nhiều vị trí bị xói lở sâu, tạo nên những hàm ếch lớn, theo ông Dũng, do nhiều trận mưa lớn liên tiếp xảy ra nên quá trình đào đất làm khóa mái chưa thể phủ lại. Bên cạnh đó, cỏ khu vực này chưa trồng được, nên nước đã tập trung xuống một số vị trí gây xói lở. Để khắc phục, đơn vị đã cho trồng lại cỏ để tránh hiện tượng trên xuất hiện trở lại.