Hà Tĩnh: Cả làng nô nức tham gia Lễ hội đánh cá Đồng Hoa

GD&TĐ - Bắt đầu khai hội bằng một tiếng hú của người cao niên trong xã, sau đó, mọi người cùng hú vang theo và tay nơm, tay lưới, nhủi, vó… ào xuống bắt cá. Đây là lễ hội đánh cá Đồng Hoa (Hà Tĩnh) độc đáo, mỗi năm tổ chức 1 lần, mang đậm tính dân gian được bà con rất trông chờ.

Một cậu bé được bố sắm cho bộ nơm, nhủi mới
Một cậu bé được bố sắm cho bộ nơm, nhủi mới

Năm nay, lễ hội được tổ chức vào sáng ngày 27/5 (tức ngày 13/4 âm lịch). Lễ hội đánh cá Đồng Hoa theo các cụ cao niên trong làng cho biết đã có từ lâu đời, còn có tên gọi khác là lễ hội đánh cá Vực Rào. Bởi khu vực diễn ra lễ hội ở đầm Vực (xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Đầm nước có chiều dài hơn 1km với diện tích khoảng 30ha bắt nguồn từ dãy núi Hồng Lĩnh và đổ ra cửa sông chảy ra biển, là môi trường cho nhiều loài cá nước ngọt sinh sôi nảy nở.

Đây là một trong những lễ hội độc đáo truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của người dân xã Xuân Viên nói riêng và huyện Nghi Xuân nói chung được tổ chức hàng năm, mang tư tưởng khuyến nông, khuyến ngư, phát triển nông nghiệp nông thôn.

Bà con đánh cá sau khi đi hết 1 vòng đầm Vực sẽ quay ngược trở lại. Thời gian diễn ra lễ hội kéo dài đến hết buổi chiều

Bà con đánh cá sau khi đi hết 1 vòng đầm Vực sẽ quay ngược trở lại. Thời gian diễn ra lễ hội kéo dài đến hết buổi chiều

Nói lễ hội đánh cá Đồng Hoa là lễ hội dân gian bởi trải qua hàng trăm năm, tính cộng đồng, dân dã của lễ hội vẫn được giữ gìn tương đối nguyên vẹn.

Không sân khấu trang trọng, không dựng cờ hoa rực rỡ, cũng chẳng có bất cứ lời phát biểu mang tính nghi thức nào. Chỉ có người dân, ai cũng như ai.

Từ sáng sớm, trong làng đã chộn rộn. Người già, thanh niên và cả lũ trẻ con cũng xách nơm, vó, nhủi, vợt… ra đầm. Người mang ủng, người thì đi chân đất, mặc quần áo lao động. Ai nấy đều háo hức, chuyện trò sôi nổi và chờ đợi đến giờ khai hội để sẵn sàng ào xuống đầm Vực.

Một cậu bé lần đầu tiên tham gia lễ hội cùng với bà
Một cậu bé lần đầu tiên tham gia lễ hội cùng với bà 

Ông Phan Kim Sơn (thôn Mỹ Lộc) năm nay đã 67 tuổi, 2 tay xách theo 3 cái nơm. Một cái cho mình, còn 2 cái cho 2 đứa con trai. Ông không nhớ rõ mình đã tham gia lễ hội này bao nhiêu lần, chỉ biết, từ nhỏ mỗi năm 1 lần xách nơm theo bố mẹ đi đánh cá Đồng Hoa.

Ông nói: “Đây là lễ hội truyền thống của người dân Xuân Viên. Theo tục lệ, trước kia, lễ hội được chọn tổ chức vào ngày Mùng 5 tháng 5 Âm lịch. Vào ngày này, Lý trưởng (người đứng đầu làng) và các bậc cao niên trong làng cho lập bàn thờ hương đăng hoa quả cúng tế thành hoàng bản thổ tại ngôi miếu cạnh đầm Vực để báo cáo và “xin phép” thổ thần, thổ địa cho người dân được bắt cá.

Niềm vui khi bắt được con cá đầu tiên
Niềm vui khi bắt được con cá đầu tiên 

Trước lễ hội, đầm Vực có người canh gác, không cho người dân đánh bắt cá. Trong năm, chỉ duy nhất ngày lễ mới được đánh bắt.

Những năm qua,chính quyền địa phương và người dân nơi đây vẫn giữ gìn, duy trì, bảo tồn những nét đẹp truyền thống cốt lõi của lễ hội đánh cá Đồng Hoa. Tuy nhiên, thời gian diễn ra lễ hội linh động hơn, không cố định vào một ngày nhất định, dù vẫn trong dịp cuối tháng 4, đầu tháng 5 âm lịch, vào thời điểm nước cạn.

Thường thì UBND xã sẽ chọn tổ chức lễ hội vào một ngày chủ nhật, để mọi người trong làng và con em ở xa quê có thể trở về tham gia đầy đủ.

Năm nay, thời điểm diễn ra lễ hội được thông báo cho bà con 1 tuần trước đó để chuẩn bị. Hôm nay, diễn ra lễ hội, hơn 6h sáng và con đã tập trung về rất đông.

Anh Đồng Xuân Yên, hiện là bác sĩ tại Bệnh viện Quân khu 4, dù công việc bận rộn nhưng năm nào anh cũng cố gắng sắp xếp để về dự lễ hội bắt cá Đồng Hoa. Năm nay, con trai của anh mới lên 4 tuổi cũng được bố sắm cho 1 cái nơm, nhủi mới để cùng đi bắt cá. “Suốt cả đêm qua tôi không ngủ được, mong chờ lắm, vì đây là lễ hội rất quan trọng, rất vui, ý nghĩa đối với người dân Xuân Viên chúng tôi”.

Gần 7h sáng, một tiếng hú lớn vang lên phát hiệu, những người còn lại đồng loạt hú theo và từ trên bờ cầm nơm, vó, lưới, nhủi, vợt, rớ… cùng nhau ào xuống đầm vực bắt cá.

Nếu ai bắt được con cá to thì giơ cá lên cao hú to lên, mọi người xung quanh và ở trên bờ cũng đồng loạt hú theo, hò reo tán thưởng. Tiếng hú, tiếng reo cười, bàn tán rộn ràng cả một vùng đầm vực rộng lớn.

Người dân quan niệm, tại lễ hội nếu người nào bắt được con cá to hoặc nhiều cá sẽ gặp nhiều điều may mắn, mùa màng bội thu, gia đình no ấm trong suốt năm ấy.

Sau một ngày diễn ra lễ hội, người nào bắt được con cá to nhất sẽ được ban tổ chức của làng ban thưởng và con cá ấy sẽ được dùng để làm đồ cúng tế dâng lên Thành hoàng làng.

Clip bà con tham gia Lễ hội đánh cá Đồng Hoa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.