Hà Nội: Xử lý nghiêm vụ việc phòng khám “chui” trong… trường học

GD&TĐ - Báo GD&TĐ nhận được thông tin gần đây ngay trong khuôn viên Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực (phường Nguyễn Trung Trực, Ba Đình, Hà Nội) xuất hiện một phòng khám tư, không treo biển hiệu mà quảng cáo chủ yếu qua mạng xã hội, đón tiếp khách và khám chữa bệnh ngay tại chỗ. Ngày 1/3, báo GD&TĐ đã cử phóng viên đến trường xác minh, làm rõ sự việc.

Hà Nội: Xử lý nghiêm vụ việc phòng khám “chui” trong… trường học

Trao đổi với phóng viên ngay tại cổng trường, một số phụ huynh học sinh bức xúc phản ánh: Nằm trong dãy nhà hiệu bộ của Ban Giám hiệu là một phòng khám Đông y, không treo biển hiệu và suốt ngày đóng kín, nhưng cứ hai ngày thứ Năm và thứ Sáu hàng tuần thường có nhiều người lạ ra vào để khám chữa bệnh, với lối đi chung là cổng trường học.

Tuy nhiên mấy ngày gần đây không thấy có dấu hiệu hoạt động của phòng khám này, các thiết bị đồ đạc dường như cũng đã được chuyển đi.

Xác nhận sự việc này là có thực, bà Trương Thị Hiền Hòa - Phó Hiệu trưởng - cho biết: Ngay trước Tết Đinh Dậu, Hiệu trưởng Phạm Tố Uyển có thông báo với Ban Giám hiệu về việc cho phụ huynh học sinh là ông Nguyễn Trọng Hùng, đang có hai con học tại trường, mượn tạm một phòng để làm phòng khám trong thời gian phòng khám của ông Hùng sửa chữa.

Vì vậy thời điểm sau Tết, thường có người đến để tư vấn khám chữa bệnh tại đây. Cũng vì nằm trong khuôn viên trường nên cổng ra vào phải dùng chung, xe của bệnh nhân cũng dựng trong khuôn viên trường. Bà Hiền Hòa xác nhận thời gian hoạt động của phòng khám định kỳ mỗi tuần 2 ngày, vào thứ Năm và thứ Sáu.

Bà Hòa chưa bao giờ đặt chân vào phòng khám và cũng chưa từng nhìn thấy giấy phép đăng ký hành nghề của ông Hùng, do đó không thể khẳng định đây có phải là phòng khám chui hay không, nhưng cũng thừa nhận việc cho phép tồn tại một loại hình ngoài trường học như thế này ngay trong khuôn viên trường là hoàn toàn sai.

Sau thời gian ngắn tồn tại, trước sự phản ứng của phụ huynh học sinh và đặc biệt là sự chỉ đạo của Phòng GD&ĐT quận Ba Đình, Ban Giám hiệu đã yêu cầu ông Nguyễn Trọng Hùng dừng ngay hoạt động tư vấn khám chữa bệnh tại khuôn viên trường và chuyển thiết bị, đồ đạc đi nơi khác.

Chiều 1/3, trao đổi với phóng viên báo GD&TĐ về vụ việc này, ông Nguyễn Đắc Hùng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình - nói: Ngày 23/2/2017, sau khi nhận được thông tin về sự việc có phòng khám tại Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực, Phòng GD&ĐT đã yêu cầu nhà trường phải chấm dứt ngay vụ việc, trả lại khuôn viên nhà trường đúng theo quy định về an toàn trường học và bảo đảm môi trường sư phạm.

Cũng trong ngày 23/2, UBND phường Nguyễn Trung Trực đã tổ chức kiểm tra về hoạt động của phòng khám tại trường, theo phản ánh của phụ huynh học sinh.

Kết luận được Phòng GD&ĐT và UBND phường Nguyễn Trung Trực thống nhất là việc có phòng khám hoạt động trong nhà trường đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sư phạm.

Phòng GD&ĐT đã kịp thời báo cáo lên UBND quận Ba Đình và Sở GD&ĐT Hà Nội về sự việc. Ngay sau đó UBND quận đã tổ chức họp khẩn, yêu cầu Hiệu trưởng phải giải trình toàn bộ sự việc, đồng thời có các biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các bên liên quan.

Cụ thể theo ông Nguyễn Đắc Hùng, ngày 1/3/2017, UBND quận Ba Đình đã thông báo 2 quyết định tại Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực:

Một là quyết định tạm đình chỉ công tác bà Phạm Tố Uyển - Hiệu trưởng - trong thời hạn 15 ngày; Hai là thành lập đoàn kiểm tra về phòng khám đặt trong trường, thời gian thực hiện trong hai ngày 2 - 3/3/2017. Sau khi các vấn đề liên quan được làm rõ, UBND quận sẽ có những kết luận chính thức về vụ việc.

Cần lưu ý, trong nguồn tin phản ánh về sự việc có cho biết, ông Nguyễn Trọng Hùng là em rể của bà Phạm Tố Uyển. Đề nghị cơ quan chức năng làm rõ, qua đó chỉ ra được động cơ thực của việc làm sai phạm này.

Báo GD&TĐ sẽ có các thông tin cụ thể về diễn biến tiếp theo của sự việc tới bạn đọc ngay khi có kết luận của UBND quận Ba Đình.

Đây là một trong những sự việc vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn trường học và môi trường giáo dục; đặc biệt vi phạm nghiêm trọng Chỉ thị số 505/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.