(GD&TĐ) - Tại cuộc họp UBND thành phố Hà Nội ngày 15/4, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đồng ý với đề xuất của Sở Công Thương tạm ứng 475 tỷ đồng với lãi suất 0% cho các doanh nghiệp để dự trữ 10 mặt hàng thiết yếu.
Đó là các mặt hàng gạo trắng thường; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; thủy, hải sản đông lạnh; dầu ăn; đường RE; rau, củ và giấy vở viết học sinh (đây là mặt hàng mới bổ sung).
Bên cạnh đó sẽ dự trữ một lượng hàng hóa nhất định để cứu trợ và bảo đảm đời sống của nhân dân khi xảy ra thiên tai.
Theo ông Lưu Tiến Long, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong năm 2010, Ủy ban Nhân dân thành phố đã tạm ứng 400 tỷ đồng, lãi suất 0% để doanh nghiệp dự trữ 9 mặt hàng thiết yếu được bán tại 397 điểm bán hàng bình ổn giá.
Ngoài ra các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá đều sử dụng thêm nguồn vốn của mình để tham gia chương trình này. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng của thành phố vẫn cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Ngoài các nguyên nhân khách quan thì có một nguyên nhân chủ quan là do hệ thống phân phối còn hạn chế, việc kiểm soát thị trường mới chỉ tập trung kiểm tra, xử lý hàng giả mà chưa chú ý nhiều đến sự bất hợp lý của giá cả thị trường.
Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2011 cần tập trung vào biện pháp kiểm soát giá; tăng gấp đôi số lượng điểm bán hàng bình ổn; bố trí các điểm bán hàng này trong các chợ, trung tâm thương mại, tại các khu vực nông thôn, khu công nghiệp; bổ sung đại diện cơ quan báo chí vào Ban chỉ đạo bình ổn giá cả thị trường của thành phố để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo tâm lý tốt cho người dân góp phần bình ổn giá cả thị trường.
Ngọc Khánh