Cục CSGT (Bộ Công an) và 6 công ty Nhật Bản kiến nghị Sở GTVT Hà Nội dỡ bỏ dải phân cách và hạ tốc độ lưu thông trên cầu Thanh Trì để kéo giảm ùn tắc và TNGT. Phương án này liệu có khả thi?
Đề xuất tháo dải phân cách, hạ tốc độ lưu thông
Mục sở thị những bất cập về tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì ngày 19/2, PV ghi nhận, từ khi cầu Thăng Long sửa chữa xong đưa vào khai thác, lưu lượng phương tiện di chuyển qua cầu Thanh Trì giảm nhiệt hơn, song tình trạng ùn tắc vẫn phức tạp.
7h30, đúng khung giờ cao điểm, hàng nghìn phương tiện ô tô tải, ô tô con cùng nhiều xe máy nối đuôi nhau lưu thông chiều hướng về Hà Nội. Tại làn hỗn hợp được tổ chức dành cho xe ô tô con và xe máy lưu thông, hàng chục ô tô tải, xe khách vô tư di chuyển vào, khiến đường càng thêm tắc.
Được biết, vừa qua Cục CSGT (Bộ Công an) đã có văn bản kiến nghị Sở GTVT Hà Nội khắc phục tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì. Nội dung văn bản cho biết, tình hình trật tự ATGT tại cầu Thanh Trì vẫn còn diễn biến phức tạp, ùn tắc giao thông xảy ra nhiều, TNGT có xu hướng tăng về số vụ và mức độ nghiêm trọng.
Vì vậy, Cục CSGT đề nghị Sở GTVT nghiên cứu điều chỉnh lại phương án tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì theo hướng bố trí mặt cầu thành 3 làn đường dành cho xe ô tô và 1 làn đường dành cho xe mô tô; Có dải phân cách mềm giữa làn đường dành cho xe mô tô và làn đường dành cho xe ô tô.
Điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép trên các làn đường dành cho xe ô tô từ 80km/h xuống 60km/h; Giữ nguyên tốc độ tối đa cho phép trên đường dành cho xe máy là 50km/h. Cùng đó, cần điều chỉnh vạch kẻ đường, biển báo hiệu trên cầu cho phù hợp với các làn đường dành cho xe chạy.
Cũng với nội dung này, 6 công ty Nhật Bản mới đây cũng kiến nghị Sở GTVT Hà Nội 4 giải pháp để tổ chức lại giao thông cầu Thanh Trì gồm: Tháo dỡ toàn bộ dải phân cách cứng giữa làn ô tô và 1 làn hỗn hợp; Phân làn lại tại một chiều đường, trong đó 3 làn ô tô và 1 làn hỗn hợp; Giảm tốc độ của tất cả các phương tiện lưu thông qua cầu xuống 60km/h, riêng mô tô, xe máy là 50km/h; Lắp đặt camera giám sát để phát hiện và phạt nguội các phương tiện vi phạm tốc độ.
Đánh giá, thẩm tra toàn diện để có giải pháp
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, cầu Thanh Trì hiện được tổ chức 3 làn xe mỗi chiều. Trong đó, có 1 làn rộng 5,2m dành cho xe ô tô con và xe mô tô, xe gắn máy lưu thông với vận tốc đa 50km/h; 2 làn 3,75m/làn dành riêng cho ô tô lưu thông với vận tốc tối đa 80km/h.
“Hiện lưu lượng qua cầu đã lên đến hơn 123.000 xe/ ngày đêm. Lưu lượng này vượt thiết kế ban đầu khoảng 8 lần (15.000 xe/ngày đêm gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra va chạm, TNGT và chỉ cần một va chạm nhỏ hay xe bị chết máy hỏng hóc trên cầu là dẫn đến ùn tắc giao thông”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, đến nay cầu Thanh Trì đã được sửa chữa, thay thế 24/28 khe co giãn, nhiều đoạn mặt cầu đã được sửa chữa bằng bê tông nhựa polime và đường dẫn hai đầu cầu đã được cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn, êm thuận cho các phương tiện lưu thông qua cầu.
Nói về phương án tổ chức giao thông để hạn chế ùn tắc và TNGT tại đây, ông Tuấn cho biết, trước mắt Sở GTVT kiến nghị TP Hà Nội giảm tốc độ khai thác 80km/h xuống 60km/h.
Về lâu dài theo ông Tuấn, Sở GTVT Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện thẩm tra ATGT đường bộ để đánh giá và có phương án tổ chức giao thông phù hợp với tình hình giao thông trên cầu Thanh Trì.
“Nghị định 11 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định, đối với công trình đường bộ đang khai thác phải thực hiện thẩm định ATGT khi công trình đường bộ đã được nâng cấp, cải tạo nếu xảy ra số vụ TNGT tăng đột biến so với trước khi nâng cấp, cải tạo, lưu lượng thực tế tăng lên 30% so với lưu lượng xe thiết kế của kỳ tính toán… Do đó, cần thực hiện thẩm tra ATGT để tổ chức lại cho phù hợp”, ông Tuấn nói.
Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia
Cần tạo môi trường an toàn cho người đi xe máy
Ùn tắc trên cầu Thanh Trì nếu diễn ra vào dịp cao điểm lễ Tết khi nhu cầu tăng mạnh thì người dân có thể chia sẻ, nhưng thực tế ùn tắc diễn ra như cơm bữa.
Ùn tắc nghiêm trọng diễn ra thường xuyên cũng có nguyên nhân lớn do các vụ va chạm giao thông. Khi xảy ra va chạm, phương tiện chiếm không gian, lực lượng chức năng phải bảo vệ hiện trường hoặc cứu hộ chưa tới, dẫn đến ùn tắc.
Đối với làn hỗn hợp, xe máy là nhóm rất dễ bị tổn thương bởi khi người lái ô tô non tay, người lái xe máy chủ quan là xảy ra tai nạn ngay. Vì thế cần tạo một môi trường an toàn cho người đi xe máy. Tốt nhất là phân tách vật lí, tức là có dải phân cách cứng. Còn nếu không, phải đặt dải phân cách mềm, tức là vạch liền và xử phạt nếu lấn vạch, không nên để ô tô xe máy cùng đi trên làn chung.