Hà Nội: Thu nhập bình quân đầu người gấp 1,8 lần bình quân cả nước

5 năm qua, kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng. Thu nhập bình quân ước đạt 130 triệu đồng/người/năm.

Với mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhiệm kỳ qua (2015-2020) Thành ủy Hà Nội đã thực hiện quyết liệt các Chương trình quan trọng như Chương trình 02 về xây dựng nông thôn mới, Chương trình 06 về phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cậu hạ tầng đô thị… Hiệu quả từ các Chương trình đã giúp diện mạo Thủ đô thay đổi từng ngày.

Kết quả rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô 5 năm qua là kinh tế liên tục tăng trưởng; tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3% đến 7,8%), cao hơn giai đoạn 2010-2015. Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn của Hà Nội ước đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tương đương 45 tỷ USD; thu nhập bình quân ước đạt 130 triệu đồng/người/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ, thành phố Hà Nội cũng tập trung phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực nông thôn.

Trong đó, hạ tầng giao thông-lĩnh vực được xem là bức thiết nhất của Hà Nội hiện đang từng bước được mở rộng, gia tăng kết nối. Năm dự án giao thông trọng điểm như cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, cầu vượt thấp qua hồ Linh Đàm, nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Vành đai 3, đường vành đai 2 đã và đang được gấp rút hoàn thành.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Ban quản lý Dự án quận Hai Bà Trưng cho biết: "Đường vành đai 2 là một tuyến đường rất quan trọng trong việc phát triển chung của địa bàn quận Hai Bà Trưng nói riêng và thành phố nói chung. Khi chúng tôi hoàn thành sớm công tác giải phóng sẽ giúp sớm hoàn thành dự án. Qua đó giúp giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, tạo điều kiện kinh tế xã hội phát triển."

Nhằm rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, thời gian qua, Hà Nội cũng tập trung nhiều nguồn lực thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tăng năng suất trên một đơn vị diện tích. Từ năm 2016 đến nay, thành phố Hà Nội đã bố trí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hơn 16.200 tỷ đồng.

Hà Nội cũng sẽ triển khai thực hiện các hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Nhờ đó, bức tranh kinh tế-xã hội khu vực nông thôn không ngừng phát triển, đời sống, vật chất tinh thần nông dân được nâng cao.

Đến nay, thành phố đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến, đến cuối năm 2020 toàn thành phố có 368/382 xã (chiếm trên 96% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới; 21 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 10 huyện nông thôn mới; thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2020 ước đạt 55 triệu đồng/người/năm...

Theo bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội nông dân thành phố Hà Nội, nguồn lực của thành phố kết hợp với tinh thần đổi mới, dám nghĩ dám làm của người dân đã làm thay đổi hoàn toàn khu vực nông thôn Thủ đô. Bà cho biết: "Hiện thành phố đã xây dựng được 783 câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; câu lạc bộ nông dân phát triển kinh tế với 23.000 lượt thành viên tham gia. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới có rất nhiều cách làm hay, hiệu quả như xây dựng được 876 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn; hướng dẫn, vận động nông dân xây dựng các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế."

Với mục tiêu xây dựng chính quyền theo hướng điện tử, chuyên nghiệp, hiện đại; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã giành được những kết quả quan trong cải cách thủ tục hành chính. Hà Nội đã hoàn thành xây dựng và công bố 1.717 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của các Sở, cơ quan ngang Sở, UBND quận, huyện, thị xã và UBND xã, phường, thị trấn (đạt 100%).

Điểm nổi bật trong cải cách hành chính tại thành phố Hà Nội là đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, đưa vào sử dụng hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp và hệ thống thông tin chuyên ngành dùng chung (lĩnh vực giáo dục, y tế). Đồng thời, thực hiện rút ngắn thời gian xử lý công việc, bảo đảm tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn. Đến nay toàn thành phố Hà Nội có gần 1500 dịch vụ công trực tuyến ở mức 3, mức 4, đạt tỷ lệ 80%.

Ông Hồ Văn Lâm, người dân đến làm thủ tục tại Văn phòng đăng ký đất đai quận Long Biên nêu ý kiến: "Tôi thấy thủ tục bây giờ nhanh gọn. Mọi người đến đều được hướng dẫn để làm chu đáo. Ai chưa đủ thủ tục, thiếu sót gì thì được hướng dẫn làm lại."

Dẫu còn không ít tồn tại (như quản lý trật tự xây dựng, đất đai; vệ sinh môi trường…), nhưng các con số về tăng trưởng kinh tế, đầu tư phát triển hạ tầng, cải cách hành chính chính… là những kết quả ấn tượng, tạo đà cho Hà Nội thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ tới./.

Theo VOV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.