“Lần đầu tôi tới đây là năm 1996. Mục đích của chuyến đi đó là để tôi làm luận án về sự phát triển kinh tế và vai trò trực tiếp của Đức khi đầu tư vào Việt Nam.
Nhưng tôi chợt nhận ra mình đã phải lòng thành phố này và quyết định đổi đề tài. Tôi thích thú với những thay đổi về kinh tế - xã hội của phố cổ, điều tất yếu xảy ra sau quá trình đổi mới” – Nhà địa lý người Đức Michael Waibel đã bắt đầu mối duyên với mảnh đất Hà Nội cách đây gần 20 năm như vậy.
Và ngay từ những năm tháng đó, Michael Waibel đã thực hiện luận văn tiến sĩ của mình về chủ đề Phố Cổ.
Tôi thấy thích thú với những chủ cửa hàng địa phương, những người đã chuyển đổi không gian sống của mình để làm thương mại, cũng có nghĩa là thay đổi kiến trúc ngôi nhà.
Nhiều người trong số họ thừa hưởng truyền thống làm kinh tế của dòng họ từ đời này sang đời khác và quá trình này chỉ bị ngắt quãng trong chiến tranh chống Mỹ.
Tôi đi đến kết luận rằng giá trị đặc biệt của phố cổ là về cách sống, cách họ sống dựa vào các hoạt động kinh tế, chứ không hẳn cứ phải bằng mọi giá bảo tồn các ngôi nhà cổ.
Vì thế, phố cổ không nên bị chuyển đổi thành 1 bảo tàng, nhưng tất nhiên vẫn cần tới những quy định nhất định. Ví dụ, thật tiếc nếu những ngôi nhà với kết cấu đơn giản, những ngôi nhà cổ mái đỏ bị thay thế bừa bãi bởi những kết cấu sắt thép hiện đại.
Cho đến tháng 3/2015, Michael Waibel cho ra mắt cuốn sách ảnh “Hà Nội: Capital City” – một công trình khoa học nhận được nhiều sự hưởng ứng từ các nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh và đặc biệt là chính những người dân Thủ đô Hà Nội.
Chụp về Hà Nội hơn 20 ngàn bức ảnh, lại lọc ra 10 ngàn ảnh vào dự án và cuối cùng là 300/600 bức ảnh của cuốn sách là những khoảnh khắc đi vào “tầm ngắm” của ống kính Michael Waibel.
Với cuốn sách này, Michael Waibel cho rằng điều quan trọng với ông không chỉ là tập trung mô tả kiến trúc thành phố mà ông đặc biệt quan tâm tới đời sống của người dân Thủ đô.
Vì khắc họa cuộc sống thường nhật của người dân trong thành phố là mục tiêu hết sức quan trọng của cuốn sách. Chính những người dân thành phố đã giúp bảo tồn những giá trị của Hà Nội.
Với Michael Waibel, một bức ảnh giá trị hơn cả ngàn lời nói nên ông mong rằng sự ra đời của cuốn sách ảnh “Hà Nội: Capital City” có thể giúp tăng nhận thức về việc bảo tồn vẻ đẹp của Hà Nội và những nỗ lực đó không chỉ cần đến từ chính quyền mà còn phải từ bản thân những cư dân thành phố nữa.
“Một trong những mục đích của tôi là giúp nâng cao nhận thức về các tòa nhà di sản. Ví dụ, ở Hà Nội có hàng chục biệt thự đẹp, do thế hệ kiến trúc sư người Việt đầu tiên xây dựng theo phong cách Art Deco những năm 1920 và 1930.
Nhưng tiếc là ngày càng nhiều những biệt thự như vậy đang bị phá hủy và được thay thế bằng các tòa nhà mang mục đích thương mại. Ngoài ra, các di sản kiến trúc không chỉ phải hứng chịu sự tàn phá mà cũng không được chủ nhân của chúng để ý nhiều.
Có một sự thiếu hiểu biết tương đối về việc làm thế nào để bảo trì và cải tạo một cách đúng mực những di sản này. Kết quả là rất nhiều tòa nhà rơi vào tình trạng đổ nát tới mức phá hủy chúng trở thành giải pháp khả thi duy nhất.
Các nhà hoạch định chính sách dường như không nhận thức được rằng gìn giữ các tòa nhà dân sự cũng là một phần của việc bảo tồn kiến trúc, bên cạnh các lăng tẩm tôn giáo và biểu tượng văn hóa như nhà hát thành phố.
Chúng ta không chỉ cần những quy định bắt buộc mọi người phải bảo vệ các tòa nhà đó mà còn cần tạo ra những động lực kinh tế để thuyết phục họ làm điều này” – Michael đưa ra những giải pháp.
Trong mắt Michael Waibel, Hà Nội là Thủ đô đẹp nhất châu Á. Vì thế, Hà Nội không nên phát triển theo hướng như các thành phố hiện đại khác ở châu Á, với những tòa nhà chọc trời hay kết cấu của thành thị hiện đại… Hà Nội không nên trở thành một Singapore hay một Seoul thứ hai.
Hà Nội nên bảo tồn những giá trị đặc sắc của mình, nền văn hóa với những di sản, xây dựng thành phố dựa trên những tài sản đó, những thứ được coi là sự pha trộn độc đáo giữa nhiều phong cách kiến trúc mà phản ánh một lịch sử đặc biệt, một sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại, những cấu trúc nhà nhỏ trong lòng thành phố, những con đường với nhiều cột đèn và rất nhiều hồ. Thành phố có tiềm năng để trở thành một trung tâm giáo dục và nghệ thuật lớn trong khu vực.
Sách Hà Nội Capital City dày 300 trang gồm 6 chương: Thủ đô nhìn từ trên cao; Thay đổi qua thời gian; Kiến trúc & Nhà cửa; Dân cư trong đại đo thị; Giao thông trong đại đô thị; Linh hồn của đại đô thị. 6 chương trên được minh họa bằng 600 bức ảnh kèm 8 bài phân tích, với sự tham gia của 35 chuyên gia (do TS Michael Waibel chủ biên), được sự hỗ trợ của 7 công ty và 8 viện nghiên cứu.