Hà Nội: Thi vào 10 - sức nóng từ cổng trường

GD&TĐ - Mặc dù sáng nay (9/6), thời tiết tại Hà Nội khá dễ chịu (28 độ C) nhưng đối với các bậc phụ huynh có con dự thi vào lớp 10 năm học 2017 – 2018, nhiệt độ dường như không giảm so với những ngày nắng nóng kỷ lục vừa qua.

 Phụ huynh tại điểm thi THPT Nguyễn Gia Thiều chờ con làm bài thi môn Ngữ văn sáng 9/6.
Phụ huynh tại điểm thi THPT Nguyễn Gia Thiều chờ con làm bài thi môn Ngữ văn sáng 9/6.

Kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm nay được đánh giá là căng thẳng do tỷ lệ chọi vào các trường công lập nói chung và các trường công lập top đầu khá cao. Rất nhiều phụ huynh đưa con đi thi đứng chờ phía ngoài cổng trường với gương mặt hiện rõ sự  lo âu.

Để xua bớt tâm lý căng thẳng, nhiều phụ huynh “giết thời gian” trong lúc chờ đợi con làm bài thi bằng việc trò chuyện với các phụ huynh khác để trao đổi thông tin và chia sẻ cảm thông.

Chị Nguyễn Ngân có con gái thi vào trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên), vừa chờ con làm bài thi tại cổng trường, vừa bắt chuyện với các phụ huynh để cùng ôn lại hành trình cùng con chuẩn bị vào “chảo lửa” suốt năm học vừa qua.

“Con gái tôi có lực học khá tốt. Cháu học ngày học đêm để chuẩn bị cho kỳ thi và rất tự tin nhưng vợ chồng tôi thì vẫn không khỏi lo lắng. Trường THPT Nguyễn Gia Thiều được đánh giá là một trong những trường top đầu của quận Long Biên, thuộc diện khó vào, hơn nữa thi cử rất khó nói trước vì còn phụ thuộc vào yếu tố tâm lý. Mấy hôm nay các thành viên trong gia đình tôi đều hồi hộp như chính mình chuẩn bị đi thi vậy!”.

Tuy tin tưởng vào lực học của con nhưng chị Nguyễn Ngân cho biết, do năm nay nhiều trường có tỷ lệ chọi cao nên chị khuyên con chọn nguyện vọng 2 ở trường có tỷ lệ chọi thấp hơn cho “an toàn”. Lựa chọn này để đảm bảo cao nhất mong con trúng tuyển học tại trường công lập.

Chung tâm trạng với chị Nguyễn Ngân, chị Hải Yến có 3 con trai (sinh ba) thi vào lớp 10. Hai cháu chọn thi trường THPT Nguyễn Gia Thiều, cháu còn lại do học lực đuối hơn nên chọn thi vào trường top giữa - THPT Phúc Lợi . Vị phụ huynh này không giấu vẻ lo âu và mệt mỏi khi cùng 3 con “chạy đua” trên cung đường đầy cam go này.

“Từ đầu năm học, ngay khi ý thức được độ khó và sức nóng của kỳ thi vào lớp 10, tôi đã nhắc các con tập trung tối đa cho việc học. Cả gia đình cũng ý thức tạo điều kiện cho các cháu về thời gian và không gian để có thể tập trung cao độ nhất, thậm chí cả nhà bỏ luôn cả thói quen việc xem TV vào mỗi tối. Con thi mà bố mẹ còn lo lắng và thắc thỏm hơn con. Chỉ mong sao kỳ thi của các con diễn ra suôn sẻ” - chị Hải Yến tâm sự.

Trong các câu chuyện xôn xao bên lề trường thi, chúng tôi ghi nhận tâm lý lo lắng, của hầu hết các bậc phụ huynh. Các phụ huynh cho rằng, lứa tuổi này là tuổi “ẩm ương”, nếu không đạt được mục tiêu ban đầu ở bậc THPT sẽ khiến các em có tâm lý không tốt cho các bước phát triển tiếp theo.

Ghi nhận thêm câu chuyện của phụ huynh chờ con tại cổng trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), anh Quốc Trung với tâm lý khá thoải mái chia sẻ: “Giống như nhiều phụ huynh có con thi hôm nay, vợ chồng tôi cũng lo lắng nhiều nhưng luôn cố gắng tạo cho con gái tâm lý thoải mái nhất, tránh gây áp lực cho con trước kỳ thi này. Chúng tôi động viên cháu bình tĩnh, tự tin, cố gắng hết khả năng, kết quả thế nào cũng đều vui vẻ đón nhận. Vì vậy, con gái tôi rất thoải mái tâm lý và sẵn sàng cho mọi tình huống về điểm số. Nỗi lo luôn có nhưng điều quan trọng là tập trung tìm cách hóa giải nỗi lo ấy ”.

Mong rằng, nhiều phụ huynh có suy nghĩ “tiến bộ” như anh Quốc Trung, tránh cho con tình trạng căng thẳng và áp lực, cùng con từng bước chinh phục những ước mơ cao hơn. Chúc tất cả các thí sinh sẽ có một kỳ thi suôn sẻ.

Năm học này, Hà Nội chỉ có khoảng 70% có cơ hội vào trường THPT công lập, 30% học sinh còn lại sẽ phải vào học tại các trường tư thục, các trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề.

Để đảm bảo an toàn cho kỳ thi, Sở GD&ĐT Hà Nội đã điều động 6.500 giáo viên làm nhiệm vụ coi thi. Toàn thành phố Hà Nội có 153 địa điểm thi với hơn 3.000 phòng thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhân chỉ uống nước đường phèn pha chanh gừng trong 10 ngày liên tiếp rồi chuyển sang ăn tinh bột. Ảnh: BVCC

Nguy kịch do nhịn ăn gián đoạn

GD&TĐ - Theo bác sĩ ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương, việc nhịn ăn gián đoạn và ăn uống mất cân đối không thể hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.