Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn về việc tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống dịch năm 2023 gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội và trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã và các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn.
Tại công văn, Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch mới nổi và tái nổi tiếp tục bùng phát ở nhiều quốc gia.
Tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam, dịch Covid-19 đã và đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, thời điểm này thời tiết thuận lợi cho các dịch bệnh như: thủy đậu, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm nguy hiểm... phát triển.
Tính đến nay, Hà Nội ghi nhận 197 ca sốt xuất huyết (gấp hơn 19 lần so với cùng kỳ năm ngoái), 248 ca tay chân miệng (gấp 124 lần so với cùng kỳ năm ngoái), 800 ca thủy đậu (cùng kỳ năm ngoái chỉ có 11 ca). Đặc biệt, tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố đã ghi nhận một số chùm ca bệnh thủy đậu, tay chân miệng.
Trẻ nhập viện vì dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng đột biến. Ảnh: Ghi nhận tại Bệnh viện Thanh Nhàn. |
Để chủ động phòng, chống các dịch bệnh kiểm soát sự gia tăng số ca mắc mới và không để xảy ra tử vong, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch truyền nhiễm cho Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã; Lưu ý các biện pháp phòng, chống cũng như vệ sinh khử khuẩn tại các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở trông giữ trẻ...
Các địa phương tăng cường công tác kiểm tra giám sát các đơn vị thực hiện việc triển khai phòng chống dịch; Phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trong trường học.
Cùng với đó, các quận, huyện, thị xã giám sát chặt tình hình dịch tại các cơ sở y tế được phân công, đồng thời thường xuyên tổng hợp báo cáo từ các đơn vị trong ngành để kịp thời báo cáo và tham mưu cho Sở Y tế trong việc chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch.
Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị triển khai tiêm bổ sung ngay trong tháng đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng trong ngày tiêm chủng hàng tháng và tiêm vét cho tất cả các đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Tăng cường tiêm chủng để phòng chống dịch bệnh. |
Ngoài ra, các địa phương phối hợp với báo, đài đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm: Đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin;
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; Che miệng khi ho hoặc hắt hơi; Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; Người mắc bệnh phải được đến khám, điều trị và cách ly tại cơ sở y tế; Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Các đơn vị đảm bảo cung ứng đầy đủ cloramin B, thuốc uống dự phòng và trang thiết bị cần thiết cho công tác xử lý dịch. Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với phòng Giáo dục và Đào tạo địa phương triển khai các biện pháp phòng chống bệnh trong trường học;
Tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý các bệnh truyền nhiễm cho các trạm y tế; Yêu cầu các trạm hướng dẫn các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và cơ sở trông giữ trẻ… trên địa bàn xã, phường, thị trấn biết và thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm đặc biệt là công tác vệ sinh khử khuẩn tại các cơ sở giáo dục.
Trung tâm Y tế cũng chủ động giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế được phân công giám sát; Tổ chức cách ly và xử lý ổ dịch kịp thời không để dịch lây lan.
Các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế về các phác đồ cấp cứu và điều trị bệnh truyền nhiễm; Tổ chức tốt việc thu dung, sàng lọc, cấp cứu điều trị bệnh nhân, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện nhằm hạn chế thấp nhất tử vong.