Hà Nội số hóa học bạ tại tất cả trường phổ thông

GD&TĐ - Từ thành công thí điểm học bạ số trong các trường tiểu học, ngành GD-ĐT Hà Nội sẽ triển khai học bạ số tại tất cả trường phổ thông năm học tới...

Cô trò Trường Tiểu học Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Vân Anh
Cô trò Trường Tiểu học Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Vân Anh

Giảm áp lực, nhiều tiện ích

Về những tiện ích của học bạ số, cô Nguyễn Phương Thảo - Trường Tiểu học Tân Định (quận Hoàng Mai) chia sẻ: Năm học vừa qua, cô đã giảm nhiều áp lực về sổ sách cuối năm khi nhập liệu thành công học bạ số của hơn 40 học sinh trên cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT.

Trước đây, sử dụng học bạ giấy, giáo viên tốn nhiều thời gian để điền thông tin học bạ, cập nhật điểm, ký tay cho tất cả học bạ… Hơn nữa, nếu sai sót rất khó điều chỉnh. Học bạ số đã phần nào giải quyết được những khó khăn đó.

Cô Bùi Thị Thanh Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Hưng nhận định: Học bạ số bước đầu mang lại nhiều lợi ích về quản lý, theo dõi, kiểm tra thông tin; dễ dàng điều chỉnh nếu có sai sót so với học bạ truyền thống, điều này tạo thuận lợi cho giáo viên nhà trường.

Để triển khai thí điểm học bạ số, nhà trường đã thành lập Ban chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, tích cực tham gia các buổi tập huấn do phòng, sở tổ chức, phân công giáo viên bộ môn Tin học hướng dẫn các giáo viên khác cùng thực hiện.

Nhà trường còn tích cực hỗ trợ cho giáo viên thực hiện các thủ tục quản lý và lưu trữ học bạ số; cập nhật và quản lý thông tin qua ứng dụng SMAS, triển khai chữ ký số. Kết thúc năm học, nhà trường đã hoàn tất triển khai thí điểm bước đầu theo như kế hoạch của sở GD&ĐT.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Đông Ngạc A (quận Bắc Từ Liêm), việc cập nhật dữ liệu thông tin học bạ cho hơn 1.000 học sinh diễn ra thuận lợi. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hương, học bạ được số hóa giúp nhà trường tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý.

“Trước đây, việc ký tên vào từng học bạ giấy mất nhiều thời gian cho cán bộ quản lý. Khi thực hiện số hóa, chỉ cần một cú nhấp chuột, hiệu trưởng có thể ký đồng loạt toàn bộ học bạ của học sinh trong trường”, cô Hương nói.

Chia sẻ về những điểm tích cực của học bạ số, cô Nguyễn Thị Giẽ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Sỹ Kiện (huyện Thanh Trì) cho hay: Học bạ số giúp lưu trữ thông tin học sinh chính xác, lâu dài, dễ dàng tra cứu và cập nhật đối với các hoạt động hành chính có sử dụng học bạ, chẳng hạn như khi làm thủ tục cho học sinh chuyển trường.

Để công tác triển khai đạt hiệu quả, nhà trường đã đảm bảo các điều kiện như: Có đủ máy tính kết nối Internet; cài đặt và cập nhật phần mềm học bạ số, chữ ký số; bố trí nhân sự quản trị, sử dụng phần mềm học bạ số. Thời gian đầu, một số giáo viên gặp khó khăn trong tiếp cận phần mềm, do đó, nhà trường đã phân công giáo viên Tin học, am hiểu về công nghệ thông tin hướng dẫn, hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Hương - Trưởng phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm thông tin: Ngay từ khi có văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội, phòng đã tham mưu UBND quận phê duyệt kế hoạch, xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể đến từng thành viên.

Phòng đã chỉ đạo các nhà trường tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lợi ích của học bạ số, lập kế hoạch triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể. Các trường đã trang bị đầy đủ máy tính, đường truyền, tổ chức tập huấn cho giáo viên. 18 trường công lập và 6 trường tư thục trên địa bàn được triển khai học bạ số đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

ha noi so hoa hoc ba tai tat ca truong pho thong (2).jpg
Giáo viên Hà Nội tích cực tham gia tập huấn triển khai học bạ số. Ảnh: Vân Anh

Đồng loạt triển khai

Tổng kết một năm triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Hà Nội là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về kết quả triển khai học bạ số cấp tiểu học. Tính đến ngày 31/7, số học bạ được ký số trên tổng số học sinh tiểu học đạt 97,6%. Tỷ lệ còn lại là một số học sinh chưa hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục rèn luyện trong dịp hè và sẽ hoàn thành ký số sau khi có kết quả rèn luyện bổ sung.

Quá trình thí điểm còn một số khó khăn như phát sinh chi phí về hạ tầng thiết bị, lưu trữ và vận hành hệ thống dữ liệu học bạ số; giáo viên phải sử dụng điện thoại, thiết bị của cá nhân để cài đặt phần mềm quản lý chữ ký số; giáo viên ở một số đơn vị phải tự chi trả kinh phí duy trì dịch vụ ký số...

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho hay, trước khi thí điểm học bạ số cấp tiểu học, công tác chuyển đổi số ngành GD-ĐT Hà Nội đã đồng bộ, thống nhất. Sở đã triển khai xây dựng trung tâm Điều hành giáo dục thông minh phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn thành phố.

Từ kết quả thí điểm đối với cấp tiểu học, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát động việc triển khai học bạ số tại tất cả trường phổ thông trên địa bàn thành phố từ năm học 2024 - 2025. Như vậy, Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai học bạ số đến các trường học, học sinh.

Theo thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ), thành công bước đầu của thí điểm học bạ số là bước tiến quan trọng trong công cuộc đổi mới giáo dục, hướng tới hệ thống giáo dục hiện đại và hiệu quả hơn. Triển khai học bạ số cho thấy việc áp dụng công nghệ số vào quản lý và theo dõi quá trình học tập của học sinh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Không chỉ giúp giảm bớt công việc giấy tờ cho giáo viên, học bạ số còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi tiến độ học tập của học sinh, giúp phụ huynh và giáo viên nhanh chóng tiếp nhận và hỗ trợ kịp thời với những trường hợp cần thiết.

“Trường THPT Tây Hồ sẽ chủ động chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết từ cơ sở hạ tầng, công nghệ, đội ngũ, nhân lực đến đào tạo, tập huấn, sẵn sàng tiếp nhận và triển khai học bạ số hiệu quả nhất”, thầy Tuấn nói.

Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, Hà Nội được Bộ GD&ĐT giao triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học và chính thức thí điểm từ tháng 4/2024. Để thực hiện tốt nội dung này, sở đã tổ chức hội nghị hướng dẫn, triển khai bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến cán bộ, giáo viên cấp tiểu học trên địa bàn.

100% phòng GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch triển khai, chuẩn bị nguồn lực, thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác thí điểm học bạ số của từng đơn vị. 100% trường tiểu học được trang bị đầy đủ máy tính kết nối Internet, có cán bộ để vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu. 100% giáo viên, nhân viên có thể sử dụng hệ thống quản lý thông tin giáo dục chuyên ngành, dữ liệu về học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vùng đất ngập nước nhân tạo với những hòn đảo nhỏ tại Bangkok (Thái Lan). Ảnh: Turenscape

'Thành phố xốp' chống lũ lụt

GD&TĐ - Nhiều dự án ở Trung Quốc đại lục, nơi có hơn 70 thành phố đã triển khai các sáng kiến thành phố xốp.