Chủ động “xóa ổ dịch”
UBND TP Hà Nội vừa có Chỉ thị 26 hỏa tốc về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Nội dung phòng chống dịch được Hà Nội đặt lên trước tiên.
Cụ thể, thành phố giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong thời gian giao mùa Đông - Xuân.
Chủ động giám sát, phát hiện các tác nhân gây bệnh và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan. Cập nhật phác đồ điều trị, dự trữ thuốc, vật tư, thiết bị y tế chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các quy trình về quản lý nhập cảnh, kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu. Căn cứ tình hình thực tiễn, chủ động tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra thường xuyên, đột xuất, xử lý nghiêm các vi phạm.
Ngành Y tế tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế ứng trực 24/24 giờ. Thực hiện dự trữ đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất, phương tiện đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Đặc biệt, kịp thời xử lý các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, thương tích, ngộ độc thực phẩm...
Duy trì tổ chức, thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Ngành Y tế tiếp tục mở rộng xét nghiệm cho các đối tượng nghi ngờ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống Covid-19 trong bệnh viện. Trong đó, xây dựng phương án chăm lo cho bệnh nhân buộc phải ở lại bệnh viện trong dịp Tết.
Thành phố giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện: Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về thị trường, giá cả, chính sách bình ổn thị trường, quản lý an toàn thực phẩm, các điểm bán hàng bình ổn giá, trong đó có kiểm soát thông tin thất thiệt có thể gây bất ổn thị trường…
Sở LĐ,TB&XH chủ trì, phối hợp các đơn vị liện quan tổ chức thực hiện tặng quà người hưởng chính sách thuộc lĩnh vực người có công, hộ nghèo, người cao tuổi, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Thành phố yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị đang thực hiện duy trì công viên cây xanh, tăng cường hệ thống chiếu sáng. Đặc biệt, xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp trên địa bàn, trang trí hoa, cây cảnh trên các khu vực trung tâm thành phố.
Đối với Sở GD&ĐT, Đoàn Thanh niên thành phố tổ chức phối hợp các cấp chính quyền có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn phù hợp và chỉ đạo các trường, cơ sở giáo dục triển khai đến học sinh, sinh viên, học viên vui chơi đón Tết lành mạnh.
“Trọng tâm thực hiện nếp sống văn minh, thanh lịch, hạn chế uống rượu, bia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông. Không tham gia đua xe, cổ vũ đua xe trái phép; Không chơi cờ bạc và các tệ nạn xã hội. Không thực hiện vận chuyển, tàng trữ, đốt pháo nổ hoặc các trò chơi nguy hiểm khác...”, Chỉ thị thành phố Hà Nội nêu rõ.
Mở cao điểm phòng, chống tội phạm
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng giao Công an thành phố chủ trì phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, các cơ quan liên quan xây dựng các phương án, tổ chức lực lượng ứng trực cụ thể, phù hợp để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cho Nhân dân vui Tết.
Trong đó, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các địa điểm lễ hội, vui chơi giải trí, những nơi tập trung đông người. Đặc biệt tập trung bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực trung tâm trong các ngày Tết từ ngày 29 tháng Chạp (đêm Giao thừa) (ngày 31/1/2022) đến ngày mùng ba tháng Giêng (ngày 3/2/2022).
Công an TP Hà Nội phối hợp Sở GTVT tăng cường lực lượng và phương tiện triển khai các giải pháp quyết liệt, kể cả các giải pháp tình thế. Qua đó, bảo đảm an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông, giải tỏa kịp thời khi xảy ra ùn tắc (nếu có).
Đặc biệt, ngăn chặn đua xe, kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp vi phạm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Công an TP Hà Nội phát động đợt cao điểm ra quân tập trung phòng, chống tội phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, đốt pháo nổ trái phép từ nay đến hết Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Lực lượng Công an phải tăng cường phòng, chống buôn bán, sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ. Thực hiện, tổ chức xóa các điểm nóng phức tạp về an ninh trật tự...
Bảo đảm an ninh trật tự, Công an TP Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường lực lượng dân phòng tuần tra canh gác, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp, lừa đảo, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng lậu…
Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Phạm Thị Diễm - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, dịp lễ Tết sắp tới, quận tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, nếp sống văn minh đô thị. Quận Ba Đình cũng xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại những điểm diễn ra các hoạt động kỉ niệm.
Theo bà Diễm, các đơn vị chức năng cũng tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ nhất là dịp Tết Nguyên đán năm 2022 tới gần. Nhất là chú trọng việc quản lý, sử dụng pháo, vật liệu nổ.
“Mọi hoạt động sự kiện đều được căn cứ trên cơ sở tình hình dịch Covid-19 để có phương án tổ chức phù hợp, bảo đảm an toàn, phòng chống dịch. Các đơn vị được giao chủ trì tổ chức các hoạt động sẽ chủ động đề xuất các phương án đảm bảo thích ứng linh hoạt trong điều kiện tình hình mới, trong đó ưu tiên phòng chống dịch lên hàng đầu...”, bà Diễm nhấn mạnh.