Hà Nội: Quận Bắc Từ Liêm di dời hơn 3.000 dân đến nơi an toàn

GD&TĐ - UBND quận Bắc Từ Liêm di dời 100% hộ dân khu vực ngoài đê, bãi sông Hồng trên địa bàn 4 phường tới nơi an toàn, tránh ngập lụt.

Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm, Nguyễn Hữu Tuyên vận động Nhân dân di dời về nơi an toàn.
Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm, Nguyễn Hữu Tuyên vận động Nhân dân di dời về nơi an toàn.

Sáng 11/9, thông tin với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Hữu Tuyên, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, địa phương vận động, hỗ trợ di dời 836 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu đang sinh sống khu vực ngoài đê sông Hồng tới nơi an toàn, tránh ngập lụt.

Theo ông Tuyên, các hộ dân di dời trên thuộc địa bàn 4 phường: Thụy Phương, Liên Mạc, Đông Ngạc, Thượng Cát - đây là các phường ven đê sông Hồng.

Trước đó, UBND các phường trên địa bàn đã chuẩn bị các nhà văn hóa để phục vụ việc di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Nhiều trường học tại quận Bắc Từ Liêm đã đón người dân tại các khu vực ngập lụt tới ở tạm trong nhà đa năng, phòng họp; các cơ quan chức năng của quận lên phương án đảm bảo nhu yếu phẩm cho bà con.

Còn bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm cho biết, Phòng đã chỉ đạo các trường chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, đồ dùng, nước uống và thực phẩm thiết yếu... đón các hộ dân vào tránh trú tại trường học khi các địa phương tiến hành di dời dân, đảm bảo an toàn.

Việc di dời dân sẽ không ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh bởi các nhà trường đã bố trí nhà thể chất, phòng họp và các phòng chức năng để đón người dân.

Nói với PV Báo GD&TĐ, cô Đỗ Thị Loan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, nhà trường đã bố trí Nhà đa năng và phòng chức năng để tiếp nhận người dân tại khu vực nguy hiểm trên địa bàn phường tới trường ở tạm tránh ngập lụt.

"Mưa bão khiến nhà trường bị ngập một chút ở phía cổng số 1 (cổng chính) song đã được khắc phục. Nhà trường luôn sẵn sàng bố trí cơ sở vật chất để đón, hỗ trợ người dân tạm tránh ngập lụt. Việc học tập của học sinh không ảnh hưởng, điều này thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau lúc khó khăn của dân tộc...", cô Loan chia sẻ.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Hà Nội, mực nước sông Hồng tại Hà Nội (Long Biên) hồi 23h30 ngày 10/9 là 10,50m (mực nước báo động II là 10,50m).

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Hà Nội có lệnh báo động II trên sông Hồng vào hồi 23h30 ngày 10/9 tại địa phận các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.

Sông Hồng chảy qua địa bàn 4 phường thuộc quận Bắc Từ Liêm gồm: Thượng Cát, Liên Mạc, Thụy Phương, Đông Ngạc.

Sông Nhuệ chảy qua các phường: Cổ Nhuế 2, Đức Thắng, Cổ Nhuế 1, Phú Diễn, Phúc Diễn, Thụy Phương.

Công tác ứng phó với mưa lũ đang được các ban ngành chức năng quận Bắc Từ Liêm tích cực triển khai để đảm bảo an toàn cho người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thông điệp từ giải thưởng

GD&TĐ - Nobel Hòa bình được nhìn nhận là giải thưởng danh giá nhất trong hệ thống giải Nobel được trao hàng năm.

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Ván bài poker Mỹ có nguy cơ thua

GD&TĐ - Việc Mỹ triển khai THAAD đến Israel đã được xác nhận bởi phát ngôn viên Lầu Năm Góc Pat Ryder. Quyết định này tiềm ẩn rủi ro cho Washington.

Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang (ngoài cùng bên trái) trong chương trình vinh danh Văn hóa Nam Bộ năm 2015. Ảnh: NVCC

Nỗ lực mang cải lương vào trường học

GD&TĐ - Với đam mê tìm hiểu văn hóa nghệ thuật truyền thống Nam Bộ, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang nghiên cứu sâu sắc về đờn ca tài tử và cải lương.