Hà Nội: Nước sạch được công bố an toàn… dân vẫn “khát”

GD&TĐ - Sau những ngày khốn khổ vì nước nhiễm hóa chất độc hại, hàng vạn người dân Thủ đô đón nhận tin nước sạch “trở lại” một cách thận trọng.

Với tâm lý lo lắng, gia đình chị Lại Thị Hương vẫn chưa sử dụng nước sông Đà để ăn uống mà chỉ sử dụng tắm giặt qua hệ thống máy lọc nước
Với tâm lý lo lắng, gia đình chị Lại Thị Hương vẫn chưa sử dụng nước sông Đà để ăn uống mà chỉ sử dụng tắm giặt qua hệ thống máy lọc nước

Chỉ dùng để tắm, giặt

Chiều 23/10, ông Trần Quốc Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội cho biết, từ ngày 22 - 23/10 người dân đã không còn gọi điện “ứng cứu” nước sạch. Nhưng công ty vẫn sẵn sàng cấp nước miễn phí cho người dân hết ngày 31/10.

Tuy nhiên, ghi nhận của Báo GD&TĐ, ngày 23/10 nhiều người dân vẫn cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm những đơn vị liên quan đến sự cố và cần thời gian chứng minh nước sạch thật sự an toàn cho ăn uống.

Chị Lại Thị Hương - tầng 15 tòa nhà CT2 TB KĐT Tây Nam Linh Đàm, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cho biết, chị đọc được thông tin trên báo chí có thông báo nước sạch sông Đà “trở lại” nhưng gia đình chị chưa yên tâm dùng cho việc ăn uống.

Lý giải về điều này, chị Hương nói: “Kể cả nghe thông báo của chính quyền rồi nhưng vợ chồng tôi vẫn bảo nhau chưa ăn nước sạch đó mà mua nước bình về sử dụng. Nước sông Đà tạm thời vẫn để vệ sinh như: Tắm, giặt (nhưng qua máy lọc nước). Hệ thống nguồn nước sông Đà về nhà máy lộ thiên, nhiều nguồn tạp nham cùng với đó là sự quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của công ty khiến người dân bất an…”.

Cũng tâm lý như chị Hương, chị Trần Thị Lan - phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) bày tỏ, gia đình phải “thắt lưng, buộc bụng”. “Gia đình tôi có người già, trẻ nhỏ. Ngày đầu nước bẩn không biết, bé con đang học cấp 1 bị phát ban, mẩn ngứa khắp người. Mặc dù khó khăn nhưng gia đình tôi và nhiều gia đình khác đều ngậm ngùi mua nước bình về để tắm rửa, sinh hoạt...”, chị Lan nói.

Theo chị Lan, rất vui khi thành phố công bố nước sạch đã an toàn nhưng gia đình chị vẫn phải dùng máy lọc, lọc xong mới tắm giặt. “Nước để nấu ăn, đun sôi để uống thì vẫn phải mua bình nước sạch cho an toàn...”, chị Lan bày tỏ.

Với những hộ dân có thu nhập thấp hoặc những người thuê nhà để buôn bán, làm thuê thì đành ngậm ngùi: “Làm gì có nhiều tiền mà mua nước đóng chai để thay thế sinh hoạt. Mỗi ngày kiếm được vài đồng, lấy đâu mà mua nước đóng bình về tắm…”, anh Phạm Sơn Hải quê xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ) đang thuê nhà tại quận Nam Từ Liêm chia sẻ.

Dầu thải và tác hại khôn lường

Ở một khía cạnh khác về chất lượng nước sạch sông Đà, ông Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, chỉ tiêu Styren không phản ánh chất lượng nước của Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà.

Ông Côn phân tích, nước của Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà dùng để sản xuất nước sạch cung cấp cho hàng triệu người dân Hà Nội là nước mặt. Với nước mặt, các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nước mặt không phải là Styren mà chính là hàm lượng các chất hữu cơ như clo hữu cơ, vi khuẩn, ký sinh trùng…

Bên cạnh đó, dầu thải cũng không phải nguyên nhân gây ra chất Styren. Tất cả các hợp chất clo hữu cơ đều độc hại. Tuy nhiên, nhìn vào quy trình xử lý nước của Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà hầu như chưa thấy doanh nghiệp này có quy trình xử lý các hợp chất hữu cơ. “Sở dĩ tôi đưa ra ý kiến này là vì, với dầu thải đổ xuống nguồn nước mà Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà còn không xử lý được, để đến khi người dân dùng phát hiện ra mùi, chứng tỏ quá trình xử lý hữu cơ không được áp dụng”, ông Côn nói.

Ông Trần Hồng Côn nhấn mạnh, nếu chưa làm tốt được công đoạn xử lý các hợp chất hữu cơ mà công ty đã tiến hành clo hóa (tức là đổ clo xuống để khử khuẩn nguồn nước - PV), sẽ sản sinh ra clo hữu cơ đặc biệt nguy hiểm.

Theo ông Côn, clo hữu cơ là một trong những nhóm thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp. Do độc tính cao và đặc biệt là khả năng tồn tại kéo dài gây ô nhiễm môi trường và nhiễm độc thứ phát cho người và gia súc qua thực phẩm nên một số hoá chất loại này như DDT, 666 hiện nay không còn được dùng.

Một cán bộ xử lý chất thải thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết: “Nếu là dầu thải thông thường thì tái chế được, không nhất thiết phải đi đổ vì hiện nay có nhiều cơ sở được cơ quan quản lý cấp phép để tái chế. Theo tôi nhận định, dầu đổ trên Hòa Bình có thể là cặn dầu - loại dầu khó xử lý nguy hiểm, nguy hại thì mới phải đổ trộm. Nguyên tắc xử lý dầu thải, chủ nguồn thải phải thuê đơn vị xử lý (đơn vị được cấp phép) với kinh phí dao động từ 6 - 8 triệu/khối (dầu thải nguy hại).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

 Nga có nhiều cách để trả đũa phương Tây nếu bị tịch thu tài sản.

Đòn đáp trả Mỹ tịch thu tài sản?

GD&TĐ - Biện pháp đáp trả của Nga có thể không so sánh bằng với việc tịch thu tài sản mà phương Tây áp đặt nhưng vẫn có thể gây ra nỗi đau.