Hà Nội: “Nóng bỏng” những vấn đề dân sinh

GD&TĐ - Xả “đúng quy trình” nước hồ Tây ra sông Tô Lịch, xem xét giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) cho người dân tại các dự án có vi phạm, di chuyển cây hoa sữa trên phố Trích Sài (quận Tây Hồ)... là những vụ việc “nóng” dư luận quan tâm được Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Lê Tự Lực thông tin tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 23/7.

Toàn cảnh tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes - nơi cư dân bị thông báo thu hồi GCN quyền sử dụng đất
Toàn cảnh tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes - nơi cư dân bị thông báo thu hồi GCN quyền sử dụng đất

Xả nước lại “đúng quy trình”

Tại buổi giao ban báo chí, ông Lê Tự Lực cho biết, việc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Cty Thoát nước) xả nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch là công tác vận hành thường xuyên, tuân thủ đúng quy định, để bảo đảm thoát nước mùa mưa, chống ngập úng.

“Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Cty Thoát nước đã lưu ý về việc xả hạ mực nước Hồ Tây khi mưa lớn. JVE (Công ty cổ phần đầu tư môi trường Nhật Việt - PV) đã khẳng định việc xả nước không ảnh hưởng đến công tác thử nghiệm (nội dung này được JVE khẳng định lại tại buổi làm việc với Sở Xây dựng và các đơn vị ngày 22/7)...”, Phó Chánh văn phòng UBND TP thông tin.

Lý giải thêm về điều này, ông Lê Tự Lực cho rằng, hồ Tây giữ vai trò điều hòa, điều tiết mực nước cho hệ thống thoát nước của Hà Nội. Hàng năm, quy trình quản lý vận hành hồ và mực nước khống chế được thực hiện theo quy định của Sở Xây dựng, có cửa xả nước trực tiếp ra sông Tô Lịch.

Theo báo cáo của Cty Thoát nước, ngày 9/7 thông tin dự báo thời tiết cho hay, trong thời gian từ 3 - 5 ngày sau sẽ xuất hiện mưa với cường độ khoảng 40 đến hơn 50 mm trên địa bàn TP. Đồng thời, mực nước hồ Tây thời điểm đó là 5,96 m, vượt 0,26 - 0,36 m so với mực nước khống chế đã được chấp thuận (5,6 - 5,7 m). Do được điều hòa nên ngày 15/7, lưu vực hồ Tây không xảy ra úng ngập.

Ông Võ Tiến Hùng - Tổng Giám đốc Cty Thoát nước cho biết thêm: Nếu hồ Tây không xả nước thì ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực như: Phan Đình Phùng, Thụy Khuê, đường Hùng Vương. Trước đó, năm 2015, hồ Tây có 3 lần đóng mở điều tiết nước; năm 2016 có 4 lần đóng mở điều tiết nước; năm 2018 có 3 lần đóng mở. Các số liệu này đều được ghi lại trong quá trình vận hành có sự giám sát của Sở Xây dựng.

Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Lê Tự Lực phát biểu tại buổi giao ban báo chí
  • Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Lê Tự Lực phát biểu tại buổi giao ban báo chí

Chuyển cây theo nguyện vọng của dân

Liên quan đến việc di chuyển gần 100 cây hoa sữa, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết, trên vỉa hè tuyến đường Trích Sài (đoạn từ số 65 đến số 145 Trích Sài) có 102 cây hoa sữa. Hàng cây hoa sữa thuộc phường Bưởi, có đường kính thân từ 0,18 - 0,62 m, chiều cao từ 5 - 12 m, khoảng cách giữa các cây khoảng 4 - 5 m. Rễ cây nổi qua thời gian gây bong bật, hư hỏng bồn cây, gạch lát vỉa hè. Mùa hoa nở gây mùi hương ngào ngạt và nồng nặc ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Trước nguyện vọng của nhân dân, quận Tây Hồ có văn bản số đề xuất với UBND TP về việc di chuyển hàng cây hoa sữa (khoảng 100 cây). Ngay sau đó, ngày 2/1, TP có văn bản chỉ đạo của Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng về việc di chuyển, trồng thay thế cây hoa sữa trên phố Trích Sài.

Đến nay, đã có 58 cây hoa sữa được đưa về trồng lại tại Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, Sóc Sơn. Trước nghi vấn về chi phí di dời hàng cây hoa sữa và thay thế cây, Phó Chủ tịch quận Tây Hồ cho biết, quận sẽ thực hiện theo đúng quy định. “Quận đã trình thành phố 2 phương án: Trồng hoa giáng hương và trồng xen thân gỗ và muồng hoàng yến. Việc trồng cây hoa sữa trên Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, quận sẽ sớm có báo cáo đánh giá hiệu quả…”, ông Nguyễn Lê Hoàng cho hay.

Ông Võ Tiến Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội
  • Ông Võ Tiến Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội

Xem xét cấp “sổ hồng” tại dự án vi phạm

Liên quan đến việc Sở TN&MT Hà Nội thông báo thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) đã cấp cho dân tại các dự án phát triển nhà có vi phạm, ông Lê Tự Lực cho biết, từ năm 2015, dư luận nêu ý kiến về các dự án xây dựng nhà ở trên địa bàn TP do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên là chủ đầu tư có dấu hiệu vi phạm… UBND TP đã thanh tra toàn diện việc đầu tư, quản lý sử dụng đất của doanh nghiệp này.

Tại Kết luận thanh tra số 2344/KL - TTTP (P4) ngày 10/8/2016 nêu, các sai phạm đối với 10 dự án trên địa bàn do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên và Công ty CP sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes đầu tư hoặc hợp tác đầu tư; UBND TP đã có các chỉ đạo xử lý cụ thể. Giao thanh tra TP chuyển hồ sơ vụ việc sang công an TP để điều tra đối với các sai phạm để xử lý theo quy định. Công an TP đã khởi tố vụ án và đang trong quá trình điều tra.

Ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở TN&MT cũng cho biết, trong quá trình kiểm tra rà soát một số dự án đã được thẩm định và cấp GCN cho người mua nhà, sở phát hiện sai sót trong cấp GCN tại một số tầng xây dựng không đúng với quy hoạch (chuyển đổi công năng và xây dựng vượt tầng…). Từ đầu năm 2019, sở đã chủ động ban hành quyết định thu hồi GCN đã cấp đối với các căn hộ ở tầng sai phạm tại 3 dự án trên...

Ngày 16/7, Chủ tịch Hà Nội đã yêu cầu Giám đốc Sở TN&MT dừng ngay việc thu hồi GCN và chủ động làm việc với Bộ TN&MT. Đồng thời, thành lập các tổ công tác liên ngành kiểm tra, rà soát các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP Hà Nội chưa được cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất.

Phó Chánh Văn phòng UBND TP Lê Tự Lực cho biết thêm, thời gian tới, trên cơ sở kết luận của cơ quan điều tra và chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, TP sẽ tiếp tục chỉ đạo xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó xem xét, giải quyết việc cấp GCN cho người dân đã mua nhà ở (bao gồm cả trường hợp tại các dự án có vi phạm) theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người mua nhà…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.