Di dời “phố cà phê” vì lấn chiếm hành lang đường sắt
Thời gian qua, khu vực đường sắt đoạn đi qua phố Phùng Hưng xuất hiện tình trạng vi phạm hành lang đường sắt, lấn chiếm làm nơi kinh doanh.
Ngày 22/11, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội giải tỏa các công trình vi phạm và di dời tái định cư cho người dân sống trong khu vực hành lang an toàn đường sắt theo quy định pháp luật; phối hợp với đơn vị hữu quan nghiên cứu bố trí khu vực hợp lý ngoài phạm vi bảo vệ công trình đường sắt để tạo điều kiện kinh doanh cho các hộ dân.
Bộ GTVT nhấn mạnh đến việc các địa phương cần đặc biệt chú ý các mốc chỉ giới bảo vệ hành lang an toàn đường sắt đã được phê duyệt.
Trong văn bản trả lời kiến nghị của các hộ dân xóm đường tàu (Chắn 5 Trần Phú, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm), Bộ GTVT khẳng định luôn ủng hộ các hộ dân kinh doanh du lịch và bảo đảm đời sống.
Tuy nhiên, Bộ khẳng định việc kinh doanh phải bảo đảm an toàn cho du khách, an toàn chạy tàu. Vì vậy, việc di dời, tái định cư đối với các hộ dân sống trong khu vực hành lang an toàn đường sắt là yêu cầu cấp thiết.
Bộ GTVT cho biết thời gian tới sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai giải pháp lập lại trật tự hành lang đường sắt. Yêu cầu kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Giải tỏa dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, tái lấn chiếm đất trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang đường sắt.
Trên thực tế, ngay sau khi báo chí phản ánh, lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đã tiến hành xử lý, cưỡng chế phố cà phê đường tàu. Nhưng đến nay vẫn còn nhiều tiềm ẩn xảy ra tai nạn bởi tình trạng người dân sinh hoạt tại hành lang an toàn đường sắt. Các hộ dân khu vực Phùng Hưng cũng đã gửi đơn kiến nghị, mong muốn giữ lại xóm cà phê đường tàu để phát triển du lịch.
Nhiều đồng tình, ít phản đối
Kiến nghị của Bộ GTVT đưa ra đã ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi và cuộc sống của nhiều hộ dân khu vực phố cà phê đường tàu. Việc các hộ dân trên phản đối là việc đương nhiên nhưng đó chỉ là số ít bởi đa phần ý kiến đều đồng tình và cho rằng phải đặt sự an toàn lên hàng đầu.
Bà Mai – chủ quán cà phê Ga Đông Dương chia sẻ, 2 vợ chồng dồn nhiều tâm huyết như thuê họa sĩ sơn lại bức tường, tìm mua cánh tàu hỏa cũ để gợi nhớ lại ký ức huy hoàng của ngành đường sắt nhưng nay đành bỏ không.
Bà Loan – một hộ kinh doanh khu Chắn 5 cũng cho biết, cả cuộc đời khó khăn, mấy tháng gần đây có thêm thu nhập từ bán cà phê thì nay lại phải đóng cửa.
Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc NXB Giao thông Vận tải cho rằng, không thể để hành lang giao thông đường sắt bị rối loạn như vậy, cần từng bước giải quyết tình trạng này.
Trong khi đó, anh Hoài Nam – hướng dẫn viên của Công ty Du lịch AST thừa nhận, việc để khách nước ngoài đi dọc đoạn đường sắt Phùng Hưng là rất vất vả bởi họ lạ lẫm với môi trường xung quanh. “Một số khách không muốn uống cà phê nên phải lách người đi vào khu vực đường sắt. Rất khó để hướng dẫn viên chỉnh lại đoàn mỗi khi có tàu đi qua” - anh Nam nói.
Anh Dương Quốc Tuấn - cán bộ giám sát ATGT đường sắt Công ty CP Đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý trực tiếp đoạn đường sắt trên) cũng nhận định, phải trả lại hành lang an toàn cho đường sắt thì mới xóa được “điểm đen” trên. “Du khách thấy người Việt đi vào được thì cũng thắc mắc và muốn đi vào” – anh Tuấn giải thích.
Bác bỏ mọi giải pháp
Anh Lê Tuấn Anh, chủ một quán cà phê cho rằng, bao năm nay những người dân được phân nhà sống tại đây vẫn thích nghi và an toàn. Muốn bảo đảm an toàn cho người dân và khách du lịch thì khi tàu đến đây có thể giảm vận tốc. Cần thiết thì chạy chậm hơn hiện nay vì khoảng cách từ ga Long Biên về ga Hà Nội chỉ dài hơn 1km.
Trong khi đó, anh Dương Quốc Tuấn khẳng định: “Hành lang của đoạn cafe đường tàu có nơi chỉ 1,5m đã vi phạm vào giới hạn bảo vệ đầu máy, toa xe”. Anh Tuấn cũng cho biết, thực tế đã có nữ du khách người Canada gặp tai nạn tại khu vực đường sắt trên nhưng may mắn chỉ bị thương nhẹ.
Về các đề xuất, kiến nghị của các hộ dân sống tại phố cà phê đường tàu, ông Phạm Tuấn Long – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết đã xem xét và lấy ý kiến của ngành giao thông. Theo đó, việc kinh doanh tại khu vực này không bảo đảm an toàn hành lang đường sắt nên các kiến nghị của người dân không thể thực hiện được.
Đề cập việc công an dựng barie, chốt chặn hai đầu “xóm cà phê” ảnh hưởng việc đi lại của người dân, ông Long cho biết, trước mắt lực lượng chức năng của quận vẫn tiếp tục chốt giữ khu vực này để bảo đảm an toàn cho du khách khi đến đường tàu Phùng Hưng. Quận Hoàn Kiếm chưa có thời hạn bỏ các chốt này.