Hà Nội ngập trong rác, dân chặn cả phương án... tạm thời

Hà Nội ngập trong rác, dân chặn cả phương án... tạm thời

Rác ra… phố, Hà Nội chỉ đạo khẩn

Ngày 16/7, ghi nhận của phóng viên Báo GD&TĐ, người dân hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) vẫn chặn xe chở rác vào cả hai cổng phía Bắc và Nam của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.

Nhiều tuyến phố nội thành tình trạng rác thải sinh hoạt tràn ngập, bốc mùi hôi thối nhưng chưa được thu gom chuyển đi. Dọc tuyến đường Hoàng Quốc Việt, Kim Mã, Đào Tấn, Nguyễn Thái Học... rác vun thành từng đống rải rác khắp vỉa hè, gốc cây, trụ điện. Nhiều nhất là ở các khu phố, tập thể, đầu các con ngõ. Tại điểm đổ rác thải sinh hoạt tập trung trên các tuyến phố, công nhân vệ sinh môi trường đã phải che bạt tạm thời để mùi hôi thối không bốc lên.

Để giải quyết, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng chỉ đạo Sở Xây dựng khẩn trương chỉ đạo xử lý ngay tình trạng phát tán mùi từ nước rỉ rác tại Khu LHXL chất thải Nam Sơn. Hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, báo cáo kết quả về UBND TP trước ngày 20/7/2020.

Các nội dung vướng mắc về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đều đã được UBND TP chỉ đạo giải quyết. Yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo đúng quy định và chính sách đã được chấp thuận. Đảm bảo tiến độ hoàn thành đã được Chủ tịch UBND TP chỉ đạo tại Văn bản số 2658/UBND-GPMB ngày 25/6.

Thông tin đầy đủ về chế độ, chính sách giải phóng mặt bằng để người dân hiểu và chấp hành. Cương quyết xử lý những trường hợp cố tình cản trở hoạt động của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, gây mất an ninh trật tự.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng giao các sở Xây dựng, TN&MT, Tài chính, KH&ĐT căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Sóc Sơn thực hiện công tác GPMB theo đúng quy định. Kịp thời báo cáo UBND TP chỉ đạo giải quyết những nội dung vượt thẩm quyền.

Hàng dài xe rác trên đường Hoàng Quốc Việt được công nhân vệ sinh phủ bạt chờ vận chuyển.
Hàng dài xe rác trên đường Hoàng Quốc Việt được công nhân vệ sinh phủ bạt chờ vận chuyển.
Nhiều tuyến phố trong khu vực nội đô Hà Nội rác thải sinh hoạt ùn ứ, bốc mùi hôi thối.
Nhiều tuyến phố trong khu vực nội đô Hà Nội rác thải sinh hoạt ùn ứ, bốc mùi hôi thối.

Dân chặn cả phương án… tạm thời

Hà Nội đã đề ra phương án phân luồng rác tạm thời. Đối với 4 quận nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa vận chuyển, tập kết rác tại điểm trung chuyển Cầu Diễn. Các địa bàn khác sẽ được tổ chức phân luồng về Khu lý chất thải Xuân Sơn, Sơn Tây, Hà Nội.

Thông tin với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc Chi nhánh Cầu Diễn (Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội) cho biết, từ 18 giờ ngày 15/7 đến 6 giờ ngày 16/7 đã tiếp nhận 33 chuyến, với khoảng 283,5 tấn rác thải. Theo thiết kế, Khu xử lý chất thải Cầu Diễn (Bãi Tây Mỗ) có khả năng tiếp nhận 12.000 tấn rác, trong đó, khả năng tiếp nhận ước tính là 1.200 tấn/ngày.

Chi nhánh Cầu Diễn đã tiến hành dựng tường rào ngăn cách khu tiếp nhận rác với khu dân cư. Tạo rãnh, hố thu nước rỉ rác theo đúng quy định nhằm hạn chế sự ảnh hưởng đối với môi trường xung quanh.

Đối với mặt bằng tiếp nhận, đơn vị đã tiến hành rắc vôi bột lên bề mặt và đổ trực tiếp lên nền (nền bê tông). Đối với khu vực là nền đất, đơn vị đã tiến hành san ủi mặt bằng, đầm nén tạo mặt bằng bảo đảm không lún, rắc vôi bột lên bề mặt khu đất, trải bạt lên toàn bộ nền đất.

Bố trí máy xúc, xe bồn để hút nước rỉ rác, rửa đường, máy phun thuốc ruồi, khử mùi… Ngoài ra, đơn vị đã bố trí công nhân tổ chức phân luồng giao thông tại đường ra - vào bảo đảm lưu thông thông suốt, an toàn và trật tự.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên từ 20 giờ 20 phút ngày 15/7 người dân tổ dân phố Nhuệ Giang ra đường chặn không cho xe rác vào đổ tại Khu xử lý chất thải Cầu Diễn. Đặc biệt, phải đến khi lãnh đạo UBND và Công an quận Nam Từ Liêm có mặt tuyên truyền thì người dân mới đồng ý cho xe vận chuyển vào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.
Ảnh minh họa ITN.

Khâu trọng yếu

GD&TĐ - Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất...