Xử lý hình sự 2 vụ nhập cảnh trái phép
Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã thông tin về tình hình, kết quả nổi bật của Công an TP Hà Nội trong 10 tháng đầu năm 2020.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Đại tá Tùng cho biết: “Công an TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp mang tính chất đón đầu được lãnh đạo Bộ, thành phố ghi nhận, đánh giá cao, góp phần vào thành công trong phòng chống dịch của thành phố…”.
Về đấu tranh với vi phạm liên quan đến dịch Covid-19, Công an thành phố đã xử lý 91 trường hợp đăng tin, bài sai sự thật về dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó, xử lý gần 200 trường hợp vi phạm liên quan đến dịch bệnh. Trong đó, lập hồ sơ xử lý hình sự 15 vụ với 27 người.
“Công an thành phố đã phát hiện xử lý 6 vụ, 12 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, chuyển hình sự xử lý 2 vụ. Đồng thời, tổ chức 30 điểm chốt tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô kiểm soát, giám sát việc thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16 (31/3/2020) của Thủ tướng…”, Đại tá Tùng thông tin.
Trước những diễn biến phức tạp khi người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, Đại tá Tùng cho hay, mới đây Công an TP Hà Nội đã phát hiện gần 40 trường hợp đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
“Con đường nhập cảnh trái phép nếu đường hàng không là khó, chỉ có qua đường tiểu ngạch, qua biên giới. Tuy nhiên, TP Hà Nội không có đường biên giới. Công an Hà Nội phát hiện đối tượng nhập cảnh trái phép sẽ phối hợp Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an), Đại sứ quán của các nước, đơn vị mà có các đối tượng nhập cảnh trái phép. Qua đó, tìm ra ai là người tạo điều kiện cho người nhập cảnh trái phép. Đồng thời, căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Công an TP đã khởi tố 2 vụ nhập cảnh trái phép…”, Đại tá Tùng nói.
Xử phạt trên 6.000 trường hợp không đeo khẩu trang
Theo quy định tại Nghị định 117/NĐ – CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, hành vi không đeo khẩu trang ở nơi công cộng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị xử phạt từ 1 - 3 triệu đồng, gấp 10 lần so với quy định cũ là từ 100 - 300 nghìn đồng.
Cũng theo Nghị định trên, các địa điểm công cộng sẽ bắt buộc đeo khẩu trang là nhà ga, bến tàu xe, siêu thị… Sau khi hướng dẫn hoàn tất, Bộ Y tế đã gửi hướng dẫn cho các tỉnh thành để địa phương tùy tình hình cụ thể và quyết định thời gian, địa điểm công cộng bắt buộc đeo khẩu trang.
Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội đã quy định, tại 5 điểm: Bệnh viện, bến bãi đỗ xe, phương tiện công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị và chợ người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang. Theo thống kê của Công an TP, tính đến 24/11, các cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính trên 6.000 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Trước đó (chiều 19/11), tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo với các quận, huyện, thị xã, giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tỷ lệ người dân không đeo khẩu trang còn cao. Nếu các địa phương chỉ áp dụng biện pháp nhắc nhở thì việc chấp hành sẽ không đạt như mong muốn.
Do đó, cần tăng cường việc kiểm tra và phải xử lý hành chính khi người dân không chấp hành đeo khẩu trang. Ngoài ra, tại các bệnh viện phải duy trì, siết chặt việc quản lý người ra, vào. Còn với người nhập cảnh sau khi kết thúc 14 ngày cách ly về cộng đồng, cần lấy ít nhất một lần xét nghiệm.
Hiện, thành phố có 15 khách sạn tiếp nhận cách ly người nhập cảnh. Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, thời gian qua, các khách sạn đã tiếp nhận cách ly khoảng 7.000 người nhập cảnh, trong đó phát hiện kịp thời 3 trường hợp dương tính.
“Các khách sạn cách ly người nhập cảnh chính là nơi có nguy cơ cao xuất hiện dịch. Do đó, cần tăng cường kiểm tra việc tuân thủ cách ly người nhập cảnh, tuân thủ các biện pháp phòng dịch tại các khách sạn…”, ông Chung nói.
Theo ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP, kết quả kiểm tra của 5 đoàn kiểm tra mới đây cho thấy, tỷ lệ người dân không đeo khẩu trang còn rất cao. Đề nghị các quận, huyện, thị xã cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa.
Vận động người dân thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch, nhất là việc đeo khẩu trang. Các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt hành chính đối với các trường hợp không đeo khẩu trang và đề nghị trong tuần tới, các đơn vị phải có báo cáo cụ thể về việc này.
“Ban Chỉ đạo các cấp cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan từ cơ sở y tế ra cộng đồng là rất lớn nếu chúng ta chủ quan, lơ là”, ông Quý nhấn mạnh.