Hà Nội: Làm rõ việc giáo viên bắt học thêm online

GD&TĐ - Trước phản ánh của phụ huynh, lãnh đạo Trường THCS Kim Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) đã yêu cầu các giáo viên liên quan viết tường trình và xử lý theo quy định.

Mệt mỏi vì bị ép học thêm

Một số phụ huynh lớp 9A1, Trường THCS Kim Nỗ cho biết, ngoài lịch học chính từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, con em họ còn bị giáo viên "ép" học thêm trực tuyến vào các khung giờ phụ, thậm chí cả thứ 7 và Chủ nhật. 

Trường THCS Kim Nỗ hiện có 260 học sinh lớp 9. Ảnh minh họa: INT.
Trường THCS Kim Nỗ hiện có 260 học sinh lớp 9. Ảnh minh họa: INT.

Chị N.T.T - phụ huynh học sinh cho hay, ở trên lớp, các cô thường dạy cầm chừng để “ép” học sinh học thêm. Thời gian học trực tuyến chính khóa trên lớp đã kín (2 buổi/ngày từ thứ 2 đến thứ 6), nhưng các em vẫn bị yêu cầu phải học 2 buổi các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Hóa học.  Nhiều học sinh tỏ ra rất uể oải vì học quá nhiều.

Không những thế, nếu em nào học thêm ở chỗ khác là bị cô N.T.T - giáo viên chủ nhiệm bắt ngừng ngay việc học hoặc nói xấu về giáo viên dạy ở các lớp đó. Theo các phụ huynh, hành động trên của cô T là không thể chấp nhận được. 

Ngoài ra, nhà trường cũng không yêu cầu học sinh phải học thêm hoặc học tăng cường môn nào ở thời điểm này. 

Trung bình, các em học 2 buổi/tuần với các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh với giá 30.000 đồng/buổi và môn Hóa học. Như vậy, cha mẹ học sinh sẽ tốn thêm 700.000 - 800.000 đồng/tháng. Cuộc sống vốn đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên việc phải trang trải nhiều chi phí khiến phụ huynh lo lắng. 

Kiểm điểm giáo viên liên quan

Để làm rõ thông tin trên, Báo Giáo dục & Thời đại đã trao đổi với thầy Trần Văn Mười - Hiệu trưởng Trường THCS Kim Nỗ.

Theo thầy Mười, Ban giám hiệu nhà trường đã yêu cầu các giáo viên liên quan phải dừng ngay việc dạy thêm online và viết kiểm điểm.

Vị hiệu trưởng nhấn mạnh, tới thời điểm này, trường chưa đưa ra quyết định hay kế hoạch dạy thêm cho học sinh khối 9. Sau này đi học trực tiếp trở lại, nhà trường sẽ có phương án bồi dưỡng cho các em đầy đủ theo đúng quy định. 

Học sinh Trường THCS Kim Nỗ trong một hoạt động tập thể tại trường khi chưa bùng phát dịch bệnh. Ảnh: Website nhà trường.
Học sinh Trường THCS Kim Nỗ trong một hoạt động tập thể tại trường khi chưa bùng phát dịch bệnh. Ảnh: Website nhà trường.

"Qua xác minh, cô T. có lập nhóm ôn tập online môn Toán cho khoảng 15 em từ ngày 2/10, cô H. dạy môn Tiếng Anh. Riêng môn Ngữ văn và Hóa học lại do giáo viên ở ngoài trường mở lớp và dạy. Thời gian học các môn được bố trí vào buổi chiều tối, sau khi kết thúc buổi học chiều của học sinh. Các cô cũng chưa thu tiền của học trò.

Trong quá trình làm việc, cô T thừa nhận, có 2 trong số 15 em đang theo học lớp học thêm online là học sinh trường bên cạnh.

Chúng tôi sẽ tiếp tục quán triệt tới toàn thể cán bộ giáo viên thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của ngành về chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm theo quy định", thầy Mười cho hay.

Cũng theo thầy hiệu trưởng THCS Kim Nỗ, thời điểm hiện tại, dù phụ huynh trong nhóm học thêm có tự nguyện thỏa thuận để giáo viên dạy cho con thì cũng là chưa đúng so với nguyên tắc. Khi thành phố cho phép mở cửa lại trường học, nhà trường sẽ tiến hành ôn tập cho các em thi vào 10 đảm bảo đủ kiến thức. 

Hiện trường THCS Kim Nỗ có 260 học sinh khối 9, sĩ số toàn trường trên 1.200 em.

Điều 4, Thông tư 17/2018 của Bộ GD&ĐT quy định rõ các trường hợp không được dạy thêm như sau: 

Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;

Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cha mẹ có thể để trẻ bình tĩnh rồi nói chuyện. Ảnh minh họa

Làm gì khi con hay giận dỗi?

GD&TĐ - Trẻ nhỏ thường giận dỗi, buồn rầu vì không thể nói ra được nỗi bực bội của mình hoặc chưa được đáp ứng mong muốn nào đó.